Lao động từ Nhật bản trở về - Những người khó thay thế
- Bài thuốc hay
- 02:53 - 03/09/2017
Những lãnh đạo trẻ
Năm 2007, chàng thanh niên Lê Minh Phú tốt nghiệp Cao đẳng nhưng không thể xin được việc làm phù hợp, Phú quyết định đăng ký đi Nhật làm việc thông qua công ty Tracimexco. Mong muốn ban đầu của Phú là qua ba năm làm việc tại Nhật có được chút vốn lận lưng và học được tay nghề ở Nhật để về Việt Nam lập nghiệp, hoặc ít nhất thì dễ xin việc hơn.
“Năm 2010 là năm cuối kết thúc hợp đồng về nước, ban lãnh đạo công ty Sakura Sonic Nhật Bản gọi tôi lên văn phòng và bảo công ty sẽ đầu tư vào Việt Nam, họ hỏi tôi có muốn làm việc cho họ tại Việt Nam hay không? Không cần suy nghĩ tôi đồng ý liền vì đây là cơ hội hiếm có và là bước tiếp nối những gì mà tôi học được ba năm làm việc tại Nhật. Kể từ đó, họ chuyển hướng đào tạo đối với tôi không chỉ về kỹ thuật mà còn về khả năng quản lý và khuyến khích tôi học nhiều hơn vốn tiếng Nhật” – Lê Minh Phú kể lại.
Và tháng 7-2010 công ty chính thức thành lập với tên gọi SSVN, Lê Minh Phú được giao giữ vị trí giám đốc điều hành cùng một thực tập sinh khác là Ngô Xuân Nam giữ vị trí kỹ sư cùng hai thực tập sinh nữa là lao động kỹ thuật. Đến nay khi được giữ vị trí giám đốc, lương cơ bản của tôi đã được trả 18 triệu đồng/tháng. Điều này chưa phải là quan trọng, cái lớn hơn là tôi có được cơ hội thuận lợi làm việc và tiếp tục học hỏi từ người Nhật”.
Bùi Văn Quang tại công ty Takana ở khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai
Còn tại công ty sản xuất cân tải trọng xe tải Tanaka (KCN Nhơn Trạch III, Đồng Nai), Bùi Văn Quang cũng là một thực tập sinh trở về từ Nhật đã được cân nhắc giữ vị trí trưởng phòng kỹ thuật kiêm đứng đầu bộ phận chăm sóc khách hàng. Giám đốc công ty ông Hidetoshi Hasegawa cho biết, Quang là người có trình độ tương đương với kỹ sư Nhật khi nắm bắt hết các quy trình sản xuất của nhà máy. Quang còn có cơ hội tiến thân và sẽ được cân nhắc một trong các vị trí chủ chốt trong ban lãnh đạo khi công ty đi vào ổn định. Cùng với Quang, nhiều thực tập sinh đang được đào tạo tại Nhật là nòng cốt của công ty và rất khó tìm người thay thế họ.
Những người khó thay thế
Gặp chúng tôi tại công ty Seebest (gia công cơ khí chính xác, KCN Việt Nam Singapore), tổng giám đốc Tanoi Junichi cho biết, công ty đang sử dụng 6 lao động là những thực tập sinh trở về từ Nhật. “Họ là sáu hạt nhân trong số 50 lao động mà công ty tiếp nhận qua Nhật trở về và được chọn. Trong sáu người thì anh Đỗ Vĩnh Tiên là người giỏi nhất, trình độ gần như tương đương với kỹ sư Nhật, có thể làm được mọi thứ trong quy trình sản xuất của công ty. Vì vậy, chúng tôi đã cần nhắc và đề bạt anh Tiên làm trưởng phòng kỹ thuật”. Cũng theo ông Tanoi Junichi, anh Tiên là người gần như không ai thay thế được của công ty, không phải vì anh giỏi kỹ thuật mà còn là vì cái tâm, sự nhiệt huyết trong công việc và trên hết là sự trung thành. Muốn thay thế người như anh Tiên chúng tôi phải đào tạo 10 năm nữa mới có.
Anh Tiên đang hướng dẫn cho các công nhân và kỹ sư trẻ tại công ty
Anh Đỗ Văn Tiên (sinh năm 1975) chính là thực tập sinh do công ty Esuhai đưa sang Nhật vào năm 2005 sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm kỹ thuật. Như lời Tổng giám đốc, nhờ sự cầu tiến, ham học hỏi nên công ty đã có ý đào tạo để đưa về làm cho công ty con tại Việt Nam. Hiện giữ vị trí trưởng phòng kỹ thuật với mức thu nhập 17 triệu đồng/tháng theo anh Tiên là khá ổn, vì ngoài lương thì môi trường làm việc gần như là nơi tốt nhất để anh thể hiện những gì đã được đào tạo tại Nhật. Cũng theo anh Tiên, công ty rất tin tưởng khi giao nhiều vị trí cao trong ban lãnh đạo cho những người Việt Nam trở về từ Nhật.
Tại công ty TNHH Tiger Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa-Đồng Nai) chúng tôi gặp ba cô gái còn khá trẻ là Hoàng Thị Liên (1985), Nguyễn Thị Cam Tân (1983) và Nguyễn Thị Mỹ Duyên lần lượt là tổ trưởng tổ trợ lý giám đốc, tổ XNK và quản lý chất lượng. Theo tổng giám đốc Nobuyasu Ohashi, cả ba cô gái là những thực tập sinh tại công ty mẹ ở Nhật Bản, khi về Việt Nam được mời vào công ty con làm việc.
Ba cô gái tại công ty Tiger ở khu công Nghiệp AMATA, Biên Hòa
Trong ba cô gái, Hoàng Thị Liên khi về nước năm 2011 đã về quê Thanh Hóa với ý định làm việc gần nhà. “Nhưng công ty đã cho người ra tận quê mời vào làm việc, tôi quá xúc động và không thể từ chối nên từ bỏ ý định ban đầu, tiếp tục làm việc cho công ty con tại Việt Nam. Vì đây chính là sự trọng dụng những người được đào tạo như chúng tôi” – Liên cho biết. Sau khi trở lại, cùng với Tân, Liên đã được công ty đưa sang Nhật đào tạo thêm ba tháng về khả năng quản lý và trở về được cần nhắc làm tổ trưởng. Đánh giá về ba tổ trưởng của mình, Tổng giám đốc Nobuyasu Ohashi cho hay: “Họ là những người nắm bắt chuyên môn và kỷ thuật khá nhanh, nhất là chuyên môn về tiếng Nhật để có thể cùng chúng tôi làm việc. tôi tin tưởng rằng ba cô gái này cùng với bảy thực tập sinh khác sẻ cùng chúng tôi đưa công ty ngày một tiến lên, phát triển mạnh hơn. Và khi đó, tương lai của họ về vị trí cũng như lương thưởng sẽ được cân nhắc lên cao hơn”. Cũng theo vị Tổng giám đóc này, công ty mẹ ở Nhật liên tục tuyển dụng lao động Việt Nam qua làm việc. Đây chính là nguồn nhân lực quan trọng nhất cho việc mở rộng, đầu tư của công ty vào Việt Nam.