THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:04

Lao động trẻ đua nhau chạy xe ôm công nghệ - mừng hay lo ?

Từ nghề phụ thành nghề chính

Chỉ cần một chiếc xe máy, một chiếc điện thoại thông minh và giấy tờ tùy thân là bạn đã có thể đăng ký tham gia vào mạng lưới xe ôm công nghệ của hàng loạt hãng xe như: Grab, Go-Viet, Be... Với các thủ tục đơn giản kèm thu nhập khá ổn nên nghề xe ôm công nghệ đang thu hút rất đông người lao động ở các thành phố lớn, trong đó có một bộ phận không nhỏ lao động là trí thức trẻ như sinh viên, cựu sinh viên các trường Đại học đang có xu hướng chọn chạy xe ôm làm nghề tay trái.

Sau 3 lần "trượt" đi lao động tại Nhật Bản, Vũ Công Trung, 25 tuổi tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội, đã đến với nghề chạy xe ôm như một cách “lấy ngắn nuôi dài”, tích lũy thêm vốn trước khi đi tìm công việc khác. Nhưng rồi, bẵng đi hơn 1 năm theo nghề xe ôm công nghệ, Trung  không còn mặn mà tìm việc nữa.

 

Số lượng xe ôm công nghệ tăng chóng mặt trong thời gian qua

 

Trung chia sẻ, bản thân mình bị cuốn vào guồng xoáy của công việc đón khách, giao hàng nên cũng không nghĩ đến chuyện tìm việc đúng với nghề chuyên môn đã học. Cách đây không lâu, người quen gọi về phụ công việc tại một công ty cơ khí nhưng chỉ trụ được hơn 1 tháng, Trung nghỉ việc để trở về với những cuốc xe ôm, bởi không thích nghi được môi trường làm việc giờ giấc gò bó. Trung tâm sự: “ Đang làm việc tự do thoải mái mà giờ bảo ngồi một chỗ tôi thấy bức bối khó chịu lắm. Có lẽ tôi cứ chạy một thời gian nữa rồi tính tiếp, nếu không chạy xe thì tôi sẽ kiếm một nghề tự do cho thoải mái”.

Hà Tiến Dự một tài xế xe ôm công nghệ thừa nhận, không ít đồng nghiệp của Dự là cử nhân nhưng vì chạy xe ôm từ thời sinh viên nên quen,  đến khi ra trường, chưa kiếm được việc có thu nhập tốt hơn chạy xe ôm nên chưa mặn mà chuyển việc. “Mỗi ngày kiếm ba, bốn trăm ngàn, tiền trao tay ngay tức khắc, chẳng phải trông ngóng lương lậu hay chịu cảnh đầu tháng rủng rỉnh, cuối tháng chắt chiu. Ngày nào khỏe thì làm nhiều, mệt thì làm ít, thích thì tắt mạng đi chơi, tự mình làm chủ mình, chẳng phải phụ thuộc ai. Còn làm nhân viên mới, thu nhập tháng chưa đến 5 triệu, mà áp lực trên mọi phía, thấy khổ sở quá”, Dự nêu quan điểm.

Điểm hấp dẫn của nghề làm tài xế xe ôm công nghệ là người làm hoàn toàn được chủ động thời gian làm việc. Cứ tưởng công việc này sẽ chỉ phù hợp với người ở độ tuổi trung niên, về hưu làm thêm hay những người đang làm công việc ổn định, lương thấp có thể tranh thủ cải thiện thu nhập, nhưng điều đáng nói là gần đây, nghề xe ôm công nghệ lại đặc biệt thu hút mạnh mẽ đối với các bạn trẻ đang là sinh viên hoặc sinh viên vừa tốt nghiệp.

 

Nhiều tài xế xe ôm công nghệ là các trí thức trẻ

 

Cho đến lúc này, chưa có một thống kê chính xác về số tài xế xe ôm công nghệ. Nhưng theo nhiều nghiên cứu, hiện có khoảng 20 doanh nghiệp có ứng dụng gọi xe công nghệ đang hoạt động chính thức. Đối với xe ôm công nghệ, năm 2017 có 85.000 xe và 2018 tăng lên khoảng 100.000 xe.

Tài xế xe ôm công nghệ ngày một nhiều, tạo nên một nghịch lý rằng dân số trẻ đang ngày càng giảm, trong khi công việc nhiều hơn trước và rất nhiều công ty đang trong tình trạng thiếu nhân lực. Thế nhưng một lực lượng lớn lao động vàng, thậm chí là lao động có trình độ lại đua nhau đi chạy xe ôm. Nguyên nhân mà những người trong cuộc đưa rất nhiều như: lương thử việc quá thấp, đơn vị tuyển dụng đòi hỏi phải có kinh nghiệm, công việc gò bó…

Mặc dù vậy, nhưng khi được hỏi hầu hết người trẻ chạy xe ôm công nghệ đều khẳng định đây không phải là công việc các bạn muốn gắn bó lâu dài. Đáng nói, chỉ là công việc làm tạm nhưng khi đã bước chân vào nghề, không mấy người lên kế hoạch cụ thể và đủ quyết tâm đi tìm bằng được việc làm mới.

Rủi do nghề tài xế 

Làm tài xế xe ôm công nghệ có thể là một công việc toàn thời gian, thu nhập khá, nhưng ngoài khoản bảo hiểm hành trình thì các tài xế không có bất kỳ khoản trợ cấp rủi ro nào cho các trường hợp đau ốm, thất nghiệp, nghỉ thai sản, không có bảo hiểm y tế và về lâu dài không có tích lũy để hưởng lương hưu khi về già.

Trường hợp bị khóa ứng dụng cả tuần, cả tháng hoặc khóa vĩnh viễn sẽ rất khó xoay xở vì không có thu nhập gì trong khoảng thời gian đó: “Theo tôi chỉ người lớn tuổi, thất nghiệp tạm thời, chưa kiếm được việc làm thì nên làm nghề này. Nếu còn trẻ, khỏe thì chỉ nên xem đó là một công việc làm thêm” – anh Nguyễn Văn Mạnh một tài xế Grab nói.

 

 

Anh Mạnh cũng có cùng suy nghĩ với nhiều đồng nghiệp khác rằng, không ai có thể chạy Grab, GoViet mãi được. Anh kể “ cả năm chạy xe ôm phải bỏ ra nhiều tiền để sửa xe, thay hai cái điện thoại. Thu nhập thì ngày 300.000 - 400.000 đồng, nhưng có bữa chỉ có 100.000 đồng”. Anh dự tính qua thời gian nữa sẽ xin làm tại một công ty vận chuyển, lương tuy không cao nhưng ổn định, ít rủi ro, không phải phơi nắng mưa và được hưởng chế độ bảo hiểm.

Theo Vũ Công Trung, thời gian đầu chạy cũng ổn, nhưng sau đó thấy “ tài xế xe ôm công nghệ ngày càng nhiều”. Cày ngày cày đêm, chạy từ sáng đến tối mà trừ này trừ kia nhiều bữa chỉ còn 200.000 - 300.000 đồng, bữa nào khá thì 300.000 - 400.000 đồng nhưng ít dần. Phần lớn các tài xế bị cuốn theo việc cày thêm cuốc trong đầu chỉ suy nghĩ chạy làm sao cho đủ tiền, chạy ở đâu có khách. Nhưng đang làm tài xế, muốn chia tay cũng không dễ vì một thời gian dài chạy xe ngày nào kiếm ngày đó, nên muốn nghỉ việc ngay cũng khó.

Hiện nay số lượng tài xế công nghệ làm toàn thời gian khá lớn nhưng việc ràng buộc quan hệ lao động giữa công ty quản lý ứng dụng và tài xế còn nhiều vướng mắc. Xét về quan hệ lao động, tài xế đăng ký sử dụng ứng dụng có sự thỏa thuận trong phân bổ thu nhập, còn lại họ muốn làm lúc nào cũng được, làm bao lâu cũng được, không còn là hợp đồng lao động mà là dạng hợp đồng đối tác, tài xế không còn thuộc diện đóng BHXH bắt buộc. Tài xế xe ôm công nghệ có thể xem như những lao động tự do, không có cơ hội hưởng các chế độ như các lao động khác.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh