THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:50

Lao động nước ngoài vào Việt Nam tăng nhanh, hưởng lương cao

 

Theo báo cáo "Ứng viên nước ngoài: Kỳ vọng và thách thức khi làm việc tại Việt Nam" do Cty cổ phần Navigos Group Việt Nam (Navigos Group) vừa công bố, khi được hỏi đâu là nơi làm việc được mong muốn nhất Đông Nam Á, 30% lao động nước ngoài tham gia khảo sát lựa chọn Việt Nam, đứng đầu khu vực. Tiếp theo là Singapore (24%), Thái Lan (17%) và Malaysia (8%).

Theo Navigos Group, Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng của nhiều doanh nghiệp FDI, bởi nền kinh tế phát triển nhanh chóng, điều kiện địa lý thuận lợi, chính trị ổn định và nhiều chính sách thương mại tự do đã được thông qua. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực mới trỗi dậy khiến nguồn nhân lực trong nước chưa kịp đáp ứng được các tiêu chuẩn về số lượng lẫn chất lượng. Do đó, những lao động nước ngoài là sự lựa chọn phù hợp cho các doanh nghiệp.

Theo đánh giá của các lao động nước ngoài, 3 điều tốt nhất khi làm việc tại Việt Nam là trải nghiệm mới trong công việc và cuộc sống, thu nhập cao hơn so với nước đang sống và chi phí cho mức sống thấp hơn…

 

 

Navigos Group dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động người nước ngoài sẽ tiếp tục tăng cao ở mức trên 20% trong mỗi năm tới. Trong đó các lĩnh vực như dịch vụ chuyên nghiệp, kinh doanh và marketing, phần mềm… là những ngành có nhu cầu cao.

"Đây là bước đệm đưa Việt Nam lĩnh hội tốt hơn phong cách lãnh đạo toàn cầu, giúp các doanh nghiệp FDI nhanh chóng hòa nhập và phát triển bền vững khi đầu tư tại Việt Nam", ông Gaku Echizenya - Tổng giám đốc của Navigos Group Việt Nam nhận định.

Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện nay số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng tăng nhanh. Tính đến tháng 7/2019, Việt Nam có  91,2 nghìn lao động nước ngoài đang làm việc, trong đó khoảng 80 nghìn lao động được cấp phép. Những lao động này đến từ hơn 110 quốc gia, lãnh thổ và thường có mức lương cao hơn so với lao động Việt Nam.

Theo ông Trung, sở dĩ người nước ngoài có mức lương cao là do làm việc trong lĩnh vực mới, ngành nghề mới mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được.

“Chúng ta chỉ cho phép 4 nhóm đối tượng lao động nước ngoài vào làm việc là chuyên gia, lao động kỹ thuật và nhà quản lý, giám đốc điều hành. Đặc biệt, nhóm chuyên gia và nhà quản lý đang tăng nhanh, chủ yếu phát sinh từ hình thức thực hiện hợp đồng lao động và di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp", ông Trung cho hay.

Ông Trung cho rằng, trong bối cảnh sự chuyển dịch lao động diễn ra mạnh mẽ và cạnh tranh ngày càng gay gắt, lao động Việt phải luôn tự làm mới bản thân, trau dồi kỹ năng và chuyên môn để tránh “thất thế” trên sân nhà.

Theo TIỀN PHONG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh