THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:18

Lao động ngành dệt may đối mặt với nhiều thách thức

 

Phải làm thêm giờ để tăng thu nhập

Báo cáo từ nghiên cứu độc lập của Đại học Tufts (Hoa Kỳ) về chương trình Better Work tại Việt Nam (chương trình Việc làm Tốt hơn) cho thấy, nhiều nhà máy dệt may ở Việt Nam áp dụng cách truyền thống là “trả lương cơ bản thấp” và người lao động buộc phải làm thêm giờ nếu muốn tăng thu nhập.

Nghiên cứu độc lập của Đại học Tufts cho biết, chương trình Better Work đã hỗ trợ các nhà máy ra khỏi danh sách những nơi làm việc có giờ làm việc kéo dài; trả lương thấp; đe dọa sa thải; và lạm dụng hợp đồng thử việc. Ở Việt Nam, công nhân tại các nhà máy tham gia Better Work cho biết lương hàng tuần tăng, và hiện tại ít lo ngại về việc phải làm tăng ca quá nhiều và lương thấp so với tình trạng cách đây 5 năm. Có khoảng 15% nhà máy tham gia Better Work không tuân thủ các yêu cầu về mức lương tối thiểu trong giai đoạn đầu của nghiên cứu này nhưng con số này đã giảm xuống còn 3% sau năm năm tham gia chương trình.

 

Công nhân ngành dệt may đối  mặt với nhiều khó khăn

 

Báo cáo cũng ghi nhận tình trạng nhiều nhà máy ở Việt Nam áp dụng cách truyền thống là “trả lương cơ bản thấp” và người lao động buộc phải làm thêm giờ nếu muốn tăng thu nhập. Trong khi đây vẫn là vấn đề nghiêm trọng của ngành, thì tỷ lệ nhà máy tham gia Better Work có mức tăng ca vượt quá thời gian quy định giảm từ 90% trong giai đoạn đầu nghiên cứu còn 50% sau 5 năm. Nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa điều kiện lao động tốt hơn và lợi nhuận cao hơn theo thời gian. Qua việc theo dõi các nhà máy tại Việt Nam, sau 4 năm tham gia Better Work, lợi nhuận trung bình tăng thêm 25%.

86% lao động ngành dệt may Việt Nam nguy cơ mất việc vì robot

Không chỉ chịu áp lực thu nhập thấp, lao động trong ngành dệt may còn phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm do doanh nghiệp áp dụng triệt để công nghệ hiện đại để tăng năng suất và giảm giá thành.

Báo cáo mới đây của ILO cho thấy, hơn 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ của khoa học công nghệ trong ngành này. Đặc biệt, khoảng 86% lao động của Việt Nam, 88% lao động của Campuchia và 64% lao động Indonesia trong ngành may mặc, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ xu thế tự động hóa, công nghiệp hóa trong ngành.

Công nghệ điện tử tiên tiến được áp dụng triệt để vào ngành may mặc. Khi đó, những sản phảm này không thể dùng nhiều lao động mà chủ yếu được sản xuất bằng máy móc và nhiều chuyên gia dự đoán mảng kinh doanh này sẽ đạt tổng giá trị 70 tỷ USD vào năm 2025. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cũng như các ký thuật tiên tiến, việc các nhà máy quyết định dịch chuyển từ tận dụng lao động giá rẻ sang tận dụng máy móc là điều dễ hiểu.

Gần đây, công nghệ sản xuất không dùng máy khâu đang được các nhà máy chú ý khi các nghiên cứu cho thấy kỹ thuật này có thể giảm 25-35% thời gian vận hành cũng như giảm nhân công. Riêng tại Việt Nam, ngành thời trang mới chỉ đầu tư vào công nghệ tự động cắt may từ năm 2015. Theo đó mỗi máy cắt may tự động có thể thay thế được khoảng 15 công nhân và doanh nghiệp có thể thu hồi chi phí đầu tư trong vòng 18 tháng kể từ ngày mua máy.

Một nghiên cứu được thực hiện năm 2016 tại Mỹ cho thấy nếu thay 3 công nhân làm máy khâu bằng một chiếc máy tự động, công ty có thể tiết kiệm được 180.000 USD trong vòng 5 năm. Không những thế, công nghệ tự động hóa đang ngày một rẻ hơn khiến chi phí sử dụng máy khâu tự động sẽ rẻ hơn gấp 4 lần so với lao động thủ công vào năm 2020.

Với yếu tố này, nhiều khả năng trong tương lai ngành dệt may, da giày tại Mỹ cũng như các nước Phương Tây sẽ sống lại sau nhiều năm điêu đứng vì Châu Á. Ví dụ điển hình là nhà máy sản xuất sợi cotton Parkdale tại Mỹ đã từng đóng cửa từ thập niên 90 nhưng đã hoạt động lại vào năm 2010. Nhà máy này hiện sản xuất 1,1 tấn sợi mỗi tuần chỉ với 140 công nhân, mức sản lượng cần tới hơn 2.000 lao động nếu vào năm 1980. Theo CEO Anderson Wartick của Parkdale, chính yếu tố công nghệ và tự động hóa đã hồi sinh lại nhà máy này. Trong khi đó, nghiên cứu của ILO cho thấy các doanh nghiệp dệt may, da giày tại Thái Lan và Trung Quốc sẽ ngày càng có lợi nếu đầu tư và tự động hóa trong sản xuất, đặc biệt là đầu tư sau năm 2020 khi chi phí công nghệ rẻ dần còn giá nhân công lại đi lên.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh