Lao động ngành hàng không: 5,9% nghỉ việc không lương, 94,9% lao động bị giảm lương
- Bài thuốc hay
- 23:50 - 02/06/2020
Báo cáo cho thấy, kinh tế bị đình trệ kéo theo nhu cầu về lao động của khu vực doanh nghiệp sụt giảm, ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động.
Cụ thể, theo ngành kinh tế, một số ngành công nghiệp trọng điểm cũng đang đối mặt với việc cắt giảm lao động.
Lao động của quý I trong ngành da giày chỉ bằng 70,1% so với cùng kỳ năm trước; ô tô chỉ bằng 78,2%, may mặc: 84,1%, điện tử: 89,2%. Tỷ lệ này ở một số ngành dịch vụ như ngành ăn uống: 61,5%, lưu trú: 72,1% và hàng không: 83,4%.
Lao động của ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống đang bị ảnh hưởng rất nặng nề khi lao động bị sụt giảm mạnh, đi kèm với số lao động tạm nghỉ việc không lương hoặc bị giảm lương ở mức cao.
Có tới 36,2% lao động ngành lưu trú và 33,8% lao động ngành ăn uống đang phải nghỉ không lương tại thời điểm hiện nay; cùng với đó là 26,9% lao động ngành lưu trú và 18,9% lao động ngành ăn uống bị giảm lương.
Đáng chú ý, ngành hàng không tuy chỉ có 5,9% lao động phải nghỉ việc không lương, nhưng ngành này lại có tới 94,9% lao động bị giảm lương, bên cạnh đó cũng có một bộ phận không nhỏ lao động của ngành này đang phải áp dụng giải pháp giãn việc/nghỉ luân phiên, lên tới 64,7% số doanh nghiệp.
Trong khi đó, theo loại hình doanh nghiệp: khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước có tỷ lệ lao động nghỉ việc nhiều nhất là 28,7%; tiếp theo là khu vực doanh nghiệp Nhà nước với 25,9% và khu vực doanh nghiệp FDI với 23,3%.