THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:18

Lao động ngành điện tử nguy cơ mất việc vì robot

 

Việt Nam mới chỉ cung cấp thùng catton cho các doanh nghiệp điện tử

Phát biểu tại buổi đối thoại, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Việt Nam đang cùng các nước xem xét phê chuẩn TPP mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam đặc biệt là các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, điện tử.

Hiện nay, thế giới đang đứng trước cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ 4. ILO đã đưa ra cảnh báo nguy cơ mất việc làm của người lao động do sự thay đổi trong quy trình công nghệ sản xuất, phân phối sản xuất. Những ngành như lắp ráp, dệt may, da dày, điện tử đang chuyển về nơi sinh ra nó để gần thị trường tiêu thụ, phù hợp với công tác nghiên cứu và quản lý. Robot có thể làm thay người và theo dự báo từ ILO, khoảng 7 triệu lao động sẽ mất việc làm từ nay đến năm 2020. Do đó, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức lớn của người máy của các nước công nghiệp phát triển và lao động giá rẻ ở Campuchia, Bangladesk,...

Thứ trưởng Phạm Minh Huân đồng chủ trì đối thoại

 

Tại Việt Nam, ngành sản xuất điện tử được xem là một biểu tượng hội nhập, ngành đã ghi tên lãnh thổ Việt Nam với thương hiệu made in Vietnam, góp phần quảng bá đất nước. Ngành điện tử là ngành công nghiệp cao nhưng Việt Nam chỉ tham gia vào những công đoạn lắp ráp rất giản đơn. Lao động tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng thấp nhất, đóng góp ngân sách thấp nhất. Các chuỗi giá trị doanh  nghiệp Việt Nam tham gia chưa được bao nhiêu. Riêng trong lĩnh vực sản xuất điện tử, các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở cung cấp thùng catton, bao bì đóng gói. Vì thế, các chuyên gia nhận định, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam chưa thoát khỏi công nghiệp tuốc-lơ-vít.

“Để tăng giá trị, tạo việc việc làm bền vững cho người lao động cần có chiến lược nâng cao chất lượng công nghiệp bền vững để cạnh tranh với lao động giá rẻ các nước và cạnh tranh với robot”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, gia nhập TPP, Bộ LĐ-TB&XH tham mưu Chính phủ sửa đổi các luật: Lao động, Việc làm, Bảo hiểm xã hội,... thực hiện tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động hài hòa. Việt  Nam sẽ sửa Luật lao động theo hướng tôn trọng các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Vấn đề đặt ra hiện nay, các doanh nghiệp điện tử, dệt may trong nước ngày càng teo tóp trong khi các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài ngày càng phát triển.

Nhiều công nhân trong ngành điện tử mất quyền lợi vì không rõ luật

Công nhân trong các doanh nghiệp sản xuất điện tử đối mặt nguy cơ mất việc cao.


Theo bà Yukiko Arai, Phòng hoạt động doanh nghiệp và doanh nghiệp đa quốc gia của ILO Genava, qua nghiên cứu về Cải thiện chất lượng và số lượng việc làm thông qua các phương thức thực hành lao động trách nhiệm tại Việt Nam cho thấy: Trong các doanh nghiệp điện tử nữ giới chiếm 70-100% do phái nữ dễ chỉ bảo và khéo tay. Đặc thù công việc gắp liền với thuộc tính của sản phẩm là lặp đi lặp lại nhiều lần, cần sự tỉ mì và khéo léo. Các công nhân vận hành dây chuyển có tuổi đời từ 22-28 tuổi.

Bình luận về kết quả này, ông Mai Đức Chính cho rằng: Công nhân làm trong ngành sản xuất điện tử thường có áp lực công việc cao. Nếu 20 tuổi lao động bắt đầu vào làm việc tại các doanh nghiệp điện tử chỉ khoảng 30 tuổi đã phải xin chuyển việc làm. Thực tế, doanh nghiệp sản xuất điện tử yêu cầu mắt tinh vì các chi tiết rất nhỏ lại yêu cầu tác phong nhanh nhẹn.

Bà Yukiko Arai cho rằng, các doanh nghiệp nội địa trong ngành sản xuất điện tử tham gia chuỗi giá trị toàn cầu gặp không ít khó khăn. Khoảng cách về công công nghệ là rào cản chính của các doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế, việc bắt kịp công nghệ, nâng cấp theo quá trình thông qua những liên hệ với các tập đoàn đa quốc gia là điều cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Như Phương, Trưởng đại diện phía Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, có nhiều công nhân nữ, trẻ tuổi và mang thai nhưng không biết các quyền lợi, chế độ mà mình được hưởng để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ. Đồng thời, hầu hết công nhân trong các công ty điện tử có quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam đều phải làm việc trong môi trường nóng bức, không có điều hòa không khí và thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, chủ yếu là chì. Mặt khác, lao động điện tử ở Việt Nam là chất lượng lao động thấp, thiếu kỹ năng tư duy và giải quyết các vấn đề.

Trong khi đó, bà Trần Thu Lê, Giám đốc nhân sự Công ty Intel Việt Nam, công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề, đặc biệt lao động nữ tham gia học các nghề kỹ thuật, điện tử rất ít. Vì vậy, khi tuyển dụng, công ty thường phải đào tạo, đào tạo lại ít nhất 3 tháng thì công nhân mới đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Thế nhưng, khi đã được đào tạo, có kinh nghiệm làm việc, công nhân lại nhảy việc sang các công ty khác có mức lương cao hơn.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, sản phẩm ngành điện tử là nguồn xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ đứng sau sản phẩm ngành may mặc. Giai đoạn từ năm 2005 đến nay, số lượng công nhân tham gia ngành điện tử tăng rất nhanh, từ 46.000 công nhân (năm 2005) lên 327.000 công nhân (2013). Theo đố liệu mới nhất, cả nước có khoảng 500.000 lao động đang làm việc trong ngành điện tử.

VÂN KHÁNNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh