Lao động giản đơn trước những thách thức của CMCN 4.0
- Bài thuốc hay
- 21:34 - 03/03/2019
CMCN 4.0 đòi hỏi kỹ năng lao động phải thay đổi.
Kỹ năng cho lao động giản đơn là cần thiết
Báo cáo của Vụ Xã hội (Ban Kinh tế Trung ương) chỉ rõ, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực như trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp (chỉ chiếm hơn 20% lực lượng lao động). Theo báo cáo về quy mô, cơ cấu lao động dân số Việt Nam năm 2018, ước tính khoảng 94 triệu người, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,16 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về tỷ lệ lực lượng lao động…
Những cảnh báo cụ thể về sự xuất hiện của các robot hay các dây chuyền tự động hóa do làn sóng CMCN 4.0 đem lại sẽ khiến người lao động có nguy cơ bị mất việc làm cao hơn. Sự tác động của CMCN 4.0 không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu không trang bị các kiến thức mới, kỹ năng sáng tạo trong điều kiện mới.
Phó Chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, người lao động Việt Nam hiện đang nằm ở vị trí rất thấp so với khu vực và thế giới. Lao động qua đào tạo chỉ chiếm hơn 60% tổng số lực lượng lao động, trong đó chỉ khoảng 21% được đào tạo có chứng chỉ và thời hạn đào tạo từ 3 tháng trở lên. “Khi bước vào CMCN 4.0 mà lực lượng lao động của chúng ta như vậy sẽ gặp thách thức rất lớn. Trách nhiệm, vai trò đầu tiên là của Nhà nước, phải định hướng, xác định đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng xu hướng 4.0. Về phía doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân phải tự nghiên cứu để chuẩn bị nguồn lực, đầu tư, hỗ trợ cho người lao động tiếp cận khoa học kỹ thuật mới. Đặc biệt, DN phải tự đào tạo đi trước đón đầu hoặc đào tạo lại lực lượng lao động đang làm việc trong DN để tránh thất nghiệp. Người lao động phải học tập, tự đào tạo ngành nghề phù hợp với khả năng để làm việc”, ông Lợi phân tích.
TS Nguyễn Văn Thuật, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT) cho biết, cả nước hiện có 77% lực lượng lao động (hơn 43 triệu lao động) không qua đào tạo chuyên môn. Số liệu thống kê cho thấy, số lao động giản đơn hàng năm của Việt Nam gần như không giảm hoặc giảm rất chậm, giảm không đáng kể trong giai đoạn từ năm 2012 - 2017. Với khoảng 43 triệu lao động giản đơn hiện nay, phần lớn không phải là lao động làm công ăn lương trong khu vực chính thức mà chủ yếu là lao động nông nghiệp, lao động tự do và lao động trong khu vực phi chính thức, có công việc không ổn định và thu nhập thấp. Câu hỏi đặt ra là lao động giản đơn sẽ làm gì và phát triển thế nào trước những thách thức chưa từng có của CMCN 4.0?
Theo TS Trần Văn Thuật, trong thời đại này, dù robot, nhà máy thông minh hay dây chuyền sản xuất hiện đại hoàn toàn có thể thay thế, làm tốt hơn người lao động ở một số công việc nhất định nhưng xu hướng việc làm mới cũng được tạo ra cho lao động giản đơn trong một số ngành, lĩnh vực dịch vụ phục vụ những nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội như: Lao động phục vụ trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn; lao động giúp việc gia đình; lao động làm việc thông qua công nghệ kết nối cung cầu như của Grab và Go-Viet.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, TS Trần Văn Thuật cho rằng, việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, tay nghề, kỹ năng cho lao động giản đơn là cần thiết vừa để đáp ứng tốt nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội, vừa là cơ sở để mỗi lao động khẳng định bản thân.
Thách thức “một mất một còn”
Trong xu thế phát triển của cuộc CMCN 4.0, các công việc nặng nhọc đang được chuyển giao cho máy móc, công việc đòi hỏi kỹ năng tinh tế và chính xác hay công việc được thực hiện theo quy trình lập sẵn cũng đang được robot đảm nhận ngày càng nhiều dưới sự giám sát và điều khiển của con người. Vì thế, dự báo sẽ chỉ còn những lao động có tiềm năng về tư duy trí tuệ, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật phù hợp với nhu cầu phát triển. Còn lao động giản đơn sẽ chỉ có thể đảm nhận những công việc mang tính chất dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu đòi hỏi kỹ năng mềm ngày càng cao.
Đây cũng chính là tính tất yếu trong phân công lao động xã hội thời đại CMCN 4.0. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực đáp ứng CMCN 4.0 vẫn là bài toán lớn cho nền kinh tế, cần giảm nhanh số lao động giản đơn theo hướng tinh gọn để gia tăng lực lượng lao động có trình độ tay nghề, phù hợp với nhu cầu xã hội.
Trong khi đó, là một quốc gia đang hội nhập quốc tế sâu rộng và nền kinh tế có độ mở cao nhưng lao động trong nền kinh tế Việt Nam chỉ "vàng" về số lượng chứ chưa "vàng" về chất lượng. Trong số 2,8 triệu công nhân trong khu công nghiệp (KCN), 80% lao động chưa qua đào tạo, làm công việc giản đơn, có nguy cơ bị máy móc thay thế. Ông Vũ Quang Thọ cho biết, đa phần công nhân của Việt Nam chưa qua đào tạo và đây là thiệt thòi lớn. Vì đa phần lao động trong các KCN là lao động nông nghiệp, nhiều người chưa từng học nghề.
Trong khi đó, các DN thích tuyển dụng công nhân không có kỹ năng, sau đó vào tập huấn ngắn hạn. Do đó, ông Thọ quan ngại tới đây, “CMCN 4.0 đặt ra thách thức kiểu "một mất một còn" với công nhân, nếu kỹ năng lao động của họ không thay đổi, khả năng mất việc sẽ rất cao”.