Lao đao những cảnh đời bị sập bẫy tiền ảo
- Huyệt vị
- 22:18 - 14/12/2017
Bác N.V., năm nay tuổi đã ngoài 70, vốn là một cán bộ lãnh đạo trong cơ quan Nhà nước trước đây, bị lừa hơn 1 tỷ đồng. Bác V. kể rằng, bác vốn chẳng kinh doanh, buôn bán bao giờ, cũng không hứng thú gì với mấy trò đa cấp.
Cuối tháng 4 vừa qua, có người quen là cô T., vốn là công nhân do bác V. tuyển vào công ty trước đây, đến nhà chơi. Cô T. tuyên truyền và rủ rê bác đầu tư vào đồng tiền ảo AOC. Lần đó và vài lần sau khi cô T. đến chơi và rủ bác V tham gia, bác đều nhất quyết từ chối và đuổi cô về với lý lẽ “cám ngon không đến lượt lợn sề”. Thế nhưng, mưa dầm thấm đất, vào ngày 10/5, khi cô T. đến và thủ thỉ: “Bác cứ đi nghe hội thảo với em và mua thử một mã đi, nếu lỗ em sẽ mang tiền nhà của em đền bác”, bác V. đã chùng lòng.
Nạn nhân của các đối tượng lừa đảo đến trình báo với cơ quan Công an.
Bác V. được cô T. đưa đến cuộc hội thảo diễn ra ở tầng 2 của một khách sạn hoành tráng trên địa bàn TP Bắc Giang. Ở đó đã có khoảng trăm người dân, đa số là người về hưu như bác đến nghe. Đối tượng Nguyễn Tuấn Giảng lên tự giới thiệu là người đại diện của Tập đoàn Tài chính AOC tại Việt Nam, hiện đang là Chủ nhiệm Khoa của một trường Đại học danh tiếng ở Việt Nam.
Giảng chém gió một cách thống thiết rằng, mình vốn là người con của quê hương Bắc Giang, cũng đã từng bôn ba, cay đắng nhiều mới có một vị trí thành đạt như hiện nay. Vì thế, khi thấy có chương trình tài chính liên quan đến tiền ảo AOC có tính khả thi cao, có thể khiến người dân quê mình thoát nghèo nên Giảng đã cố gắng đưa về.
Khi mọi người thắc mắc Tập đoàn này kinh doanh gì mà có lãi suất khủng trả mọi người như vậy, Giảng lấp liếm: “Các bác yên tâm, tập đoàn này của chúng tôi chuyên đầu tư tài chính, cho các tập đoàn kinh doanh máy bay, vũ trụ, tàu thủy vay lại với lãi suất từ 1 đến 1,5%/ ngày. Các tập đoàn này làm ra lãi khủng nên việc trả số lãi như trên không ảnh hưởng gì đến tài chính của họ. Vì vậy, khi trả cho nhà đầu tư 0,5%/ ngày, chúng tôi vẫn còn phần lãi từ 0,5 đến 1%”...
Bị thuyết phục bởi bài toán lãi suất do Giảng đưa ra, bác V. đang có 5 triệu đồng vay thêm người quen 10 triệu thành 15 triệu đồng mua một mã đầu tiên. Các đối tượng lập cho bác một ID, chỉ cần mở ra là theo dõi được thông tin của mình, số tiền lãi trả theo kỳ.
Một vài kỳ đầu theo dõi, bác V. thấy tập đoàn này trả lãi rất đúng kỳ hạn nên rất tin tưởng. Bác và gia đình bàn tính, đi vay anh em họ hàng tiền với lãi xuất 2%/ tháng, rồi về đầu tư vào AOC với lãi suất 15%/ tháng thì một tháng sau khi trả lãi mọi người vẫn dôi ra được 13%/ tháng tiền lãi.
Đấy là lãi tĩnh, ngoài ra còn có hoa hồng nếu rủ được người khác tham gia, hoặc thỉnh thoảng tập đoàn khuyến mại với những người có 1.000 AOC trở lên sẽ được nhân đôi số AOC (tuy nhiên số AOC được nhân lên ấy chưa được trả lãi ngay mà sau 6 tháng sau mới được cộng vào để tính lãi của nhà đầu tư).
Tính đến cuối tháng 11, gia đình bác V. đã đầu tư vào số tiền hơn 1 tỷ đồng.“ Trong đó có đến 80% là số tiền gia đình đi vay lãi”- bác V. cay đắng nói.
Với 2 vợ chồng già đã về hưu, 3 người con đã lập gia đình nhưng kinh tế còn khó khăn, hiện gia đình bác đang không biết phải xoay xở thế nào với số tiền lãi hàng tháng hơn chục triệu đồng.
Hầu hết các nhà đầu tư (nạn nhân) tại Bắc Giang đều là các cô, các bác về hưu. Cô T., người đã dẫn dắt bác V. vào việc đầu tư tiền ảo AOC cũng rơi vào hoàn cảnh bi đát. Gia cảnh cô T. vốn nghèo, nên khi có việc đầu tư này, cô cũng cố vay mượn tham gia và cố rủ rê thêm nhiều người khác tham gia để hưởng hoa hồng. Vậy nên, khi đường dây bị vỡ, ngoài việc bị mọi người oán trách, gia đình cô T. còn kiệt quệ vì vay mượn. Bế tắc, cô T. đã tìm cách tự tử.
Bác V. kể rằng, khi bác sang nhà cô T. hỏi tình hình thì thấy cô đang tuyệt vọng đứng bên bờ giếng, nước mắt nhòe nhoẹt, miệng lẩm bẩm vô thức. May sao, khi cô T. chuẩn bị lao đầu xuống giếng thì bác V. đã chạy đến kịp, kéo lại và khuyên cô nên tỉnh táo: “Còn người là còn của”.
Khi tôi và bác V. đang trao đổi, một người phụ nữ cũng khoảng 70 tuổi, quen bác V. sang ngồi góp chuyện. Bác H., tên người phụ nữ đó cho biết bị mất khoảng 100 triệu đồng vào đường dây lừa đảo này.
Giọng rất bi thương, bác H. kể rằng, đã giấu chồng rút hết tiền gửi tiết kiệm mà hai vợ chồng dành dụm được sau bao năm công tác để đầu tư vào mua các mã của AOC. Bác cũng tính đầu tư khoảng 6 tháng, lấy được một khoản tiền lãi kha khá rồi rút vốn về, lại cho vào tiết kiệm thì chồng sẽ không biết. Nào ngờ, đường dây này lừa đảo.
Khi Toan bị bắt, bác H. đang hoang mang thì chồng lại hỏi sổ tiết kiệm để đưa cho con góp tiền mua nhà. Không thể chối mãi, bác H. đành thú thật chuyện mình đã bị lừa hết tiền.
Chồng bác nổi khùng lên, đuổi bác ra khỏi nhà. Nhưng thân già biết đi đâu, bác cứ loanh quanh. Rồi mấy đứa con cũng xúm vào khuyên bố tha thứ cho mẹ. Giờ bác đã được chồng cho về nhà, nhưng hàng ngày, khi nghĩ đến chuyện mất tiền, tiếc tài sản cả đời dành dụm, ông vẫn chì chiết vợ…
Mỗi bị hại một hoàn cảnh, một nỗi khó khăn riêng. Bác V. bảo chúng tôi rằng: “Cũng may Công an tỉnh Bắc Giang đã triệt phá sớm đường dây này, nếu không sẽ không biết còn bao nhiêu người sẽ vướng vào hoàn cảnh bi đát như chúng tôi”.
Tất cả các bị hại đều đang mong mỏi họ được nhận lại tiền đầu tư từ các đối tượng lừa đảo. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, khi bắt giữ Giảng và Thi, cơ quan Công an hầu như không thu được tiền mặt và tiền trong tài khoản ngân hàng của cặp đôi này, hiện chỉ có 1 chiếc ôtô Giảng hay đi và căn hộ chung cư cặp đôi này đang ở nhưng lại mang tên con gái và con rể của Thi.
Cũng theo hiểu biết của chúng tôi từ các vụ lừa đảo đa cấp trước như Liên Kết Việt, Trái tim Việt Nam…, tài sản của các đối tượng bị bắt giữ cũng gần như không còn nhiều. Mong rằng, nhìn vào bài học này, mọi người phải hết sức cảnh giác, đừng mắc mưu lãi suất cao mà mất tiền, mua nỗi lo.