Lào Cai: Chuyển mình từng bước từ tư duy chính sách
- Dược liệu
- 12:44 - 20/08/2019
Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của tỉnh Lào Cai diễn ra vào chiều 19/8.
Phương thức riêng có phá bỏ lõi nghèo?
Là một điểm sáng của ngành du lịch, song sự hưởng lợi của người dân bản xứ cũng chỉ điểm trên một vài bản quanh thị trấn. Phần còn lại là một Sa Pa đầy nhọc nhằn đối mặt với sinh nhai ở nơi đồi núi có độ dốc lớn, bị chia cắt bởi các dãy núi cao, hiểm trở cùng thiên tai lũ quét và băng tuyết hàng năm. 15/17 xã đặc biệt khó khăn và hơn 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Mông chiếm 52%, người Dao chiếm 22,4%. Trước năm 2014, Sa Pa chưa coi hoạt động tín dụng chính sách là một công cụ hữu hiệu của Đảng về mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một số bộ phận hộ vay còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách được hỗ trợ cho không, không chấp hành quy định vay vốn, số xã có chất lượng tín dụng thấp có số lãi tồn đọng lớn lâu ngày chiếm đến 2/3 số xã của toàn huyện với tổng dư nợ lãi tồn lớn trên 3,4 tỷ đồng, nợ quá hạn là 1,3 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,99%.
Chính vì vậy, Chỉ thị số 40 là khoảng lặng để Huyện ủy, UBND huyện Sa Pa nhìn nhận lại việc thực hiện tín dụng chính sách cũng như công cuộc giảm nghèo phát triển bền vững của địa phương. Để rồi từ đó, không chỉ sự sát sao trong việc nâng chất lượng tín dụng từ cấp ủy Đảng, chính quyền. “HĐND huyện đã đưa vào Nghị quyết trích tối thiểu 5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện hàng năm chuyển sang NHCSXH huyện để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, cũng như các dự án trọng tâm của huyện”, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa Trần Trọng Thông cho biết.
Tấp nập bước vào mùa thu hoạch Dứa tại Lào Cai.
Hiệu ứng từ nguồn vốn ngân sách huyện cộng vốn NHCSXH và sinh kế vạch sẵn đã và đang giúp người dân Sa Pa phát triển kinh tế bền vững. Như dự án chăn nuôi bò hàng hóa tại xã Thanh Kim từ nguồn vốn ngân sách huyện chuyển sang NHCSXH cho vay năm 2016 với 34 con bò/17 hộ và bổ sung thêm 37 hộ tham gia dự án bằng vốn vay của NHCSXH, sau 03 năm triển khai đến nay đã có tổng số 259 con bò và bê, bình quân mỗi hộ thuộc Dự án đã có thêm từ 3 đến 4 con. Trong quý III/2019, NHCSXH dự kiến sẽ hoàn thành việc cho vay Dự án chăn nuôi bò tại 2 xã Thanh Phú và Nậm Sài với số tiền gần 1,6 tỷ đồng từ ngân sách huyện chuyển sang. Hay như dự án trồng hoa địa lan tại xã Tả Phìn; Dự án phát triển du lịch cộng đồng tại xã Tả Van, Tả Phìn, Hầu Thào, Sử Pán, Nậm Cang cũng bước đầu ghi nhận những kết quả khả quan.
Tính đến 30/6/2019, tổng số nguồn vốn từ huyện chuyển sang NHCSXH huyện là 15,6 tỷ đồng, ngân sách tỉnh chuyển 5,1 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện lên 255 tỷ đồng, tăng 132 tỷ đồng so với năm 2013 và hầu hết đã được cung ứng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách với tổng dư nợ đạt 255 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt 102,8% so với cuối năm 2013. Nợ quá hạn chỉ còn 372 triệu đồng, giảm 871 triệu đồng so với năm 2013; số lãi tồn còn 809 triệu đồng, giảm 2.591 triệu đồng so với cuối năm 2013.
Với huyện nghèo vùng cao, biên giới theo Nghị quyết 30a/NQ-CP Si Ma Cai, địa khí hậu còn khắc nghiệt hơn vì đất trồng trọt đã ít lại khô cằn vì thiếu mưa. Toàn huyện có 7.234 hộ, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 95%, 13/13 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Chính vì vậy, Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 11/11/2014 của Tỉnh ủy Lào Cai về giảm nghèo bền vững tại huyện Si Ma Cai đến năm 2020 vận dụng linh hoạt từ chính sách cho không nay chuyển sang cho vay thông qua hệ thống NHCSXH tỉnh cấp bù lãi suất đã cổ vũ một phương thức sản xuất bổ sung để người dân có điều kiện cải thiện đời sống, đó là chăn nuôi gia súc tập trung.
Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Si Ma Cai cũng thống nhất dành và bố trí chuyển nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để mở rộng cho vay đồng bào dân tộc thiểu số. Lũy kế nguồn vốn ngân sách huyện chuyển qua 05 năm qua đạt gần 28 tỷ đồng để tăng cường cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thực hiện đã góp phần tạo nên bước chuyển lớn trong giảm nghèo bền vững tại huyện nghèo Si Ma Cai. Nguồn vốn chuyển từ ngân sách địa phương qua, riêng 6 tháng đầu năm 2019 có doanh số cho vay là trên 23 tỷ đồng đưa lũy kế cả 05 năm là 22,8 tỷ đồng. Dư nợ cho vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương đạt gần 22,5 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ toàn huyện tại NHCSXH đến 30/6/2019 lên 211 tỷ đồng, tăng 88,7 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Đặc biệt tổng doanh số cho vay lũy kế 05 năm là trên 320 tỷ đồng, với 8.373 lượt khách hàng được vay vốn, đã góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa phát triển ổn định cho thu nhập cao như: chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả ôn đới, trồng cây dược liệu, sản lượng lương thực gia tăng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm 2.204 hộ nghèo, đưa số hộ nghèo đến cuối năm 2018 về 1.661 hộ, chiếm 22,96% (tỷ lệ giảm 34,05% so với đầu giai đoạn chuẩn nghèo đa chiều). 05/13 xã của huyện Si Ma Cai đạt chuẩn nông thôn mới và không còn xã nào thuộc vùng lõi nghèo của tỉnh.
Hứa hẹn những bứt phá mới
Kế thừa những thành tựu đã đạt được tại huyện Si Ma Cai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đinh Thị Hưng cho biết, trong năm 2019, Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh những giải pháp để giải quyết vùng lõi nghèo theo hướng giảm chính sách cho không, tăng cường hỗ trợ cho vay có điều kiện để hạn chế sự trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân không muốn thoát nghèo.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đinh Thị Hưng cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh có những giải pháp đột phá để giải quyết vùng lõi nghèo theo hướng giảm chính sách cho không, tăng cường hỗ trợ cho vay có điều kiện
Đặc biệt, Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 24/5/2019 mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành trở thành một “cú huých” lớn đối việc giảm nghèo bền vững tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến 2025, có xét đến năm 2030. Theo đó, HĐND tỉnh Lào Cai đã đưa vào Nghị quyết ngân sách tỉnh ủy thác qua NHCSXH bình quân 01 tỷ đồng/xã/năm cho 43 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2019 - 2025, với lãi suất ưu đãi để cho vay giúp các hộ có điều kiện phát triển kinh tế. “Tập trung cho vay cho vay phát triển kinh tế - xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên, trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025 là cách làm hay, sáng tạo của Lào Cai trong việc sử dụng nguồn vốn ủy thác tại địa phương. Đây có thể nói là một chính sách có tính đột phá của tỉnh, trong điều kiện nguồn thu ngân sách địa phương còn hạn chế, thể hiện sự quan tâm đặc biệt và quyết tâm cao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các Sở, ban ngành, đoàn thể đối với người nghèo và tín dụng chính sách xã hội”, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phân tích.
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết, NHCSXH sẽ tiếp tục quan tâm, chú trọng phân bổ sung nguồn lực để thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi tại địa bàn tỉnh Lào Cai.
Những quyết sách này đã góp phần đưa nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đã tăng thêm 74,2 tỷ đồng (tăng 576%), nâng tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến nay đạt gần 90 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương đã giúp cho 1.473 lượt hộ nghèo được vay vốn, 4.921 lượt lao động vay vốn duy trì và tạo việc làm.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai Hà Thị Nga khẳng định việc thực hiện đưa Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Với mô hình, cách làm này đã giúp cho chính quyền và người dân gần nhau hơn; qua đó, đã tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và hoạt động của NHCSXH. Chính quyền cơ sở cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại cơ sở... Cùng với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội vào cuộc tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo bố trí nguồn lực đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Đặc biệt, từ mốc son năm 2019 là năm tỉnh Lào Cai được đánh giá cao và thành công nhất về triển khai Chỉ thị số 40, “Tỉnh ủy và UBND tỉnh sẽ phát huy hiệu quả Chỉ thị tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo từ việc chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan, nâng cao chất lượng rà soát, điều tra, xác định đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách, không để một hộ nghèo và các đối tượng chính sách nào có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn mà không được vay vốn tín dụng chính sách xã hội. Cùng với việc tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 24/5/2019 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên, tăng tính chủ động của các địa phương trong việc gắn kết các dự án mô hình kinh tế với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, Lào Cai sẽ sớm ra khỏi danh sách các tỉnh nghèo của cả nước”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai Hà Thị Nga tin tưởng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai Hà Thị Nga cho biết, việc đưa Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn hiện nay Nhìn lại 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40, tổng doanh số cho vay toàn tỉnh Lào Cai đạt 3.580 tỷ đồng với 107.373 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH; Tổng dư nợ đến hết tháng 6/2019 đạt 2.828 tỷ đồng, với 87.002 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Tăng trưởng tín dụng trong 05 năm là 985 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10,6%/năm. Nguồn vốn tín dụng chính sách tại NHCSXH tỉnh Lào Cai đã góp phần phát triển chăn nuôi trâu, bò đưa tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh đạt trên 667 nghìn con, gia cầm trên 3 triệu con, trồng rừng mới phủ xanh đất trống đồi trọc trên 2.500ha. Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hơn 40 nghìn hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 17,61% cuối năm 2014 (theo tiêu chí cũ) xuống còn 16,25% cuối năm 2018 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020; 44 xã/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bộ mặt nông thôn được cải thiện rõ rệt. |
VIỆT HẢI- QUÝ ĐỨC