THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:11

Lạnh người với công nghệ “tắm trắng” dừa bằng hóa chất

 

Từ phản ánh của bạn đọc về việc một số vựa sử dụng hóa chất để tẩy trắng dừa, Chúng tôi đã xác minh thực tế quy trình “tắm trắng” vô cùng độc hại này. Theo đó, những quả dừa sau khi gọt vỏ sẽ được cho vào một chiếc thùng lớn ngâm hóa chất tẩy trắng, để có những trái dừa trắng nõn bán ra thị trường.

Bí mật trong vựa dừa

Những ngày thời tiết nắng nóng, không ít người đã chọn dừa tươi làm thức uống giải khát vì cho rằng nước dừa là nước trái cây tự nhiên không có hóa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, thâm nhập vào các vựa dừa, chúng tôi đã phát hiện bí mật lạnh người phía sau những trái dừa trắng nõn được bày bán khắp nơi.

Một ngày giữa tháng Tư, trong vai chủ một quán cà phê đang cần tìm nơi cung cấp dừa sỉ, chúng tôi đến vựa dừa của ông Hồng (khoảng 50 tuổi, quê Thanh Hóa) ở số 172A đường Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) và chứng kiến toàn bộ quy trình ngâm dừa bằng hóa chất của ông Hồng.

Khoảng 8g sáng mỗi ngày, ông Hồng và vợ bắt đầu gọt dừa để chuẩn bị giao mối cho khách. Ông Hồng cho biết: “Trong tuần này mỗi ngày tôi bán ra khoảng 300 - 500 trái dừa. Nhiều lần tôi định thuê người vào làm phụ nhưng lại sợ lộ bí quyết của mình nên thôi, hai vợ chồng ráng làm thêm”.

Trong lúc vợ ông Hồng đang gọt dừa, thì ông kéo vòi bơm nước vào những chiếc thùng phuy màu xanh. Sau đó, ông mang bao tay bằng nhựa vào, cầm một bịch bột màu trắng đổ vào thùng, dùng một chiếc cây dài khuấy đều, rồi cho số dừa vừa gọt vỏ vào ngâm. Khi chúng tôi thắc mắc về việc ngâm dừa, ông Hồng nói ngắc ngứ: “Bỏ dừa vào thùng để “tắm trắng”. Dừa gọt vỏ xong chỉ để khoảng 15 phút là vỏ ngả màu nâu vàng rất xấu, bày trong quán thì chẳng ai dám uống. Chỉ cần cho một ít bột “đặc biệt” vào thùng nước rồi ngâm dừa thì bảo đảm anh để đến 10 ngày sau dừa vẫn trắng tinh. Hầu hết các vựa đều “tắm trắng” cho dừa bằng cách này”.

Ngâm khoảng 15 phút, vợ ông Hồng cẩn thận đeo bao tay, dùng một chiếc rổ nhỏ vớt dừa từ các thùng phuy ra. Lúc này, những trái dừa đã trắng tươi trông rất bắt mắt. Nước bên trong những chiếc thùng phuy ngâm dừa thì có màu trắng đục, bốc mùi hôi khó chịu. Chúng tôi dùng tay vớt một trái dừa trong thùng phuy ra để quan sát thì vợ ông Hồng la lớn: “Chú ra rửa tay đi. Không đeo bao tay mà đụng vào đó thế nào cũng bị ăn tay. Tôi vớt dừa là phải dùng bao tay. Sơ sẩy để dính nước ngâm dừa vào thì tối thế nào cũng bị ngứa và rát da tay dữ lắm”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc dùng hóa chất tẩy trắng dừa là khá phổ biến ở các vựa dừa, nhưng khi chúng tôi hỏ i hóa chất ngâm dừa có ảnh hưởng gì đến sức khỏe người sử dụng không thì ông Hồng và một số chủ vựa dừa khác trả lời rất mập mờ. Hầu hết các chủ vựa dừa đều ý thức rõ mức độ độc hại của loại hóa chất trên nhưng họ bất chấp sức khỏe của người sử dụng

Hóa chất "tắm trắng" độc hại

Trong quá trình thực hiện bài viết này, khi chúng tôi hỏi về lai lịch của loại hóa chất ngâm dừa thì chủ các cơ sở đều giấu kín. Sau nhiều ngày tìm hiểu ở địa bàn quận Thủ Đức không có kết quả, chúng tôi tìm đến khu vực dọc Quốc lộ 22 (giáp ranh quận 12 và huyện Hóc Môn). Dọc tuyến quốc lộ này có đến hàng chục vựa dừa lớn nhỏ chuyên cung cấp dừa cho nội thành TPHồ Chí Minh.

Ngày 22/4, trong vai một người đi “học nghề”, chúng tôi tìm đến vựa dừa của người đàn ông tên Thành ở Quốc lộ 22. Sau khi tốn nhiều công sức thuyết phục, ông Thành mới tiết lộ vớ i chú ng tôi: “Để có một trái dừa trắng tươi hấp dẫn phải sử dụng một loại bột tẩy trắng gọi là “bột tẩy đường”. Cho “bột tẩy đường” vào thùng khuấy đều, sau đó cho thêm một ít bột tẩy trắng và muối vào thì mới đạt hiệu quả. Muốn dừa trắng được lâu phải cho liều lượng nhiều và ngâm lâu hơn”.

Cơ sở sản xuất dừa của ông Thành trên Quốc lộ 22 sử dụng hóa chất để ngâm dừa.


Theo ông Thành, ngoài công dụng tẩy trắng thì hóa chất còn có thể bảo quản dừa. Ông Thành hướng dẫn: “Mỗi thùng khoảng 10 lít nước, pha với ba thìa tẩy đường và nước tẩy. Dung dịch càng đặc thì dừa càng nhanh trắng. Ngâm từ 5 - 10 phút, chờ nước thấm vào hết vào vỏ dừa là xong. Nhiều người thiếu kinh nghiệm ngâm quá lâu khiến vài ngày sau là vỏ dừa bị mềm nhũn khiến khách nghi ngờ.

Để người tiêu dùng không phát hiện ra mùi hóa chất, người bán phải chờ cho dung dịch hóa chất bên ngoài khô hết mới mang đi tiêu thụ”. Theo ông Thành, đa số dừa “tắm trắng” đều để giao cho các quán cà phê, quán nước vì những điểm này yêu cầu dừa phải có hình thức bắt mắt. Những người mua về sử dụng thường đòi dừa có vỏ vì đã biết việc dừa bị ngâm bằng hóa chất.

Các loại hóa chất ngâm dừa bày bán ở chợ Kim Biên (quận 5), giá khoảng 70.000đ/kg. Chỉ cần một kg là ngâm cho cả ngàn trái dừa. Ông Thành lưu ý, đến chợ Kim Biên mua hóa chất nói trên thì không được gọi thẳng tên bột tẩy trắng dừa mà phải gọi là “bột đường làm dừa”, vì đó là cách gọi quen thuộc của các chủ vựa dừa.

Theo hướng dẫn của ông Thành, chúng tôi tìm đến một cửa hàng bán hóa chất gần khu vực chợ Kim Biên. Khi chúng tôi hỏi mua “bột đường làm dừa” người bán hàng đưa ra hai túi bột (khoảng 1 kg) khác nhau, một loại dạng bột mịn và một loại dạng hạt. Giá dạng bột mịn là 70.000 đồng/kg, loại dạng hạt rẻ hơn, chỉ 35.000 đồng/kg. Cả hai loại hóa chất nói trên đều không có bao bì, nhãn mác và nguồn gốc sản xuất.

Nghe chúng tôi chỉ mua 1 kg, người bán thắc mắc: “Mua có 1kg thì về ngâm được bao nhiêu dừa. Người ta thường mua vài chục kg một lần, dùng hết mới lên lấy nữa. Mua như chú dùng một ngày là hết…”. Thắc mắc ngâm dừa với loại hóa chất này sẽ gây ngộ độc cho người sử dụng, chúng tôi được người bán hàng trấn an: “Những cơ sở kinh doanh dừa ở Bình Dương, Hóc Môn, Long An cũng tìm lên đây mua về ngâm dừa mà mấy năm nay có thấy ai nói ngộ độc gì đâu. Mình chỉ ngâm ngoài vỏ thôi, có phải cho vào nước dừa đâu mà sợ”(!)

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Trần Trọng Vũ - Giảng viên khoa Công nghệ thực phẩm - Đại học Công nghệ Sài Gòn: “Nếu cho rằng việc sử dụng phụ gia trên để ngâm dừa mà phụ gia chỉ thấm bên ngoài là không đúng. Bởi, bản chất việc ngâm phụ gia hay ngâm đường thì các chất này đều ngấm vào bên trong do sự chênh lệch nồng độ. Vấn đề ngấm nhiều hay ít còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nồng độ dung dịch ngâm, bản chất của vật liệu đi ngâm và thời gian ngâm. Trong trường hợp này, do bột tẩy đường là chất tan khá tốt, nên chỉ cần ngâm khoảng 30 phút là đã ngấm đều vào miếng cơm dừa rồi.”

Chiều 26/4, phóng viên báo Phụ Nữ TP Hồ Chí Minh phối hợp, cung cấp thông tin về hiện tượng “tẩy trắng dừa bằng hóa chất” với lãnh đạo UBND phường Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị này cho biết sẽ lập tức thành lập đoàn kiểm tra, đồng loạt kiểm tra các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Dừa tẩy trắng bằng hóa chất gây nguy hại cho sức khỏe

Theo thạc sĩ - giảng viên Đoàn Thị Ánh Tuyết (bộ môn Dinh dưỡng - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), nhiều vựa dừa thường dùng natri metabisulphite để tẩy trắng dừa. Khi tiếp xúc hoặc sử dụng chất này có thể có ảnh hưởng cấp tính là gây kích ứng da và mắt. Tại đường thở có thể gây kích ứng mũi, cổ họng, gây ho, khò khè, khó thở… Về lâu dài, việc sử dụng chất này có thể gây dị ứng dạng hen suyễn, có thể phát triển thành bệnh hen với các triệu chứng khó thở, khò khè, ho, thắt ngực. Việc tiếp xúc lặ p đi lặ p lại có thể gây kích thích phổi, viêm phế quản với triệu chứng ho, khạc đàm và khó thở. “Ở đầu cuống quả dừa có hai cái mắt mầm rất mỏng, chỉ cần dùng ống hút cứng cũng có thể đâm thủng, đồng thời quá trình chặt có thể khiến trái dừa bị nứt, tạo điều kiện cho hóa chất ngấm vào bên trong gây ảnh hưởng cho người sử dụng” - thạc sĩ Ánh Tuyết nhận định.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh