THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:17

Làng vàng mã tất bật sản xuất “công văn” gửi Thánh

 

Bà Ngọc Thị Nhân đang gấp rút hoàn thành sản phẩm để kịp giao cho khách hàng

 

Ấn tượng đầu tiên khi bước vào làng Đông Hồ của chúng tôi là quá nhiều vàng mã. Chạy suốt các con đường trong làng, nhà nhà làm hàng mã, các cửa hàng bán hàng mã trưng bày các sản phẩm cao đến tận trần nhà với hàng chục chiếc kệ sắt để chất đồ. 

Theo nghề “từ thuở còn thơ”, khi mới 13-14 tuổi, bà Ngọc Thị Nhân (69 tuổi, trú tại thôn Tú Tháp, xã Song Hồ) cho biết, 3 tháng đầu năm đơn hàng của gia đình bà phải sản xuất tăng lên gấp 3 lần, nhiều hàng nên gia đình bà phải làm cả đêm để đủ số lượng giao hàng cho khách. “Mỗi ngày làm khoảng 40-50 con voi và ngựa. Giá mỗi cặp voi quỳ, hổ phục khoảng 300 nghìn đồng. Khi tới tay người tiêu dùng vì qua nhiều cửa hàng trung gian nên giá có thể đắt lên rất nhiều”-bà Nhân chia sẻ.

Vào cửa hàng chuyên bán vàng mã tên Hiền-Hải, chúng tôi được bà chủ trẻ tuổi tên Hiền chia sẻ, vợ chồng chị có được cơ ngơi giá hàng tỉ đồng như bây giờ tất cả là từ việc sản xuất sở (công văn gửi thánh) mà ra. Để có cơ ngơi đó, vợ chồng chị đã đầu tư máy in, làm nhà xưởng để in sớ, phù và chỉ chuyên về loại này. Chị Hiền cho biết: “Sớ thì có nhiều loại, nào giải hạn, cầu sao, thậm chí in các lá phù với nhiều màu sắc khác nhau, khách đến muốn mua loại nào cũng có. Khuôn in thì có sẵn rồi, cứ thế mà in thôi, ngày nào chúng tôi cũng in, đặc biệt sau Tết, mặt hàng lá sớ làm không đủ bán”.

 

 

Không khí làm vàng mã nhộn nhịp tại làng tranh Đông Hồ để chuẩn bị hàng cho rằm tháng riêng tới

 

Ngồi trò chuyện với anh Hải, chị Hiền được ít phút, tôi đã phải nhường lối cho khách vào mua sớ. Vị khách mua sớ đến lấy “hàng” để mang lên chùa Tây Thiên ở Vĩnh Phúc. Được biết, anh là người mà các chùa, các đại lý hàng mã gửi gắm niềm tin, khi nào cần “hàng” và “hàng” gì, chỉ cần nhấc điện thoại, anh này cho người gom rồi cho ô tô chở đến luôn. Hôm nay anh đến lấy sớ, chủ yếu là các lá sớ cầu may, cầu tài, và giải hạn, cùng với đó là một số lá phù đã in sẵn cho dịp cúng rằm tháng riêng.

Rồi nhiều cửa hàng khác, cửa hàng nào cũng tấp nập người vào, người ra. Nhìn các bà chủ trở tay sổ ghi, buông cúc áo khoác rồi đưa vạt áo thấm mồ hôi giữa trời lạnh cũng đủ minh chứng cho họ bận rộn như thế nào. Có nhiều ô tô đến từ các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Nam Định,... đến lấy “hàng”. Thậm chí bưu điện nhỏ nơi đây cũng thành điểm chuyển phát các tờ sớ vào miền Nam. 

 

Những xe tải chất đầy vàng mã được vận chuyển đi các tỉnh thành trên cả nước

 

Những sản phẩm vàng mã độc đáo

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do làm thủ công nên làng nghề cần nhiều lao động, trung bình mỗi hộ từ 4 đến 5 người làm, thu nhập trung bình mỗi người từ 200 nghìn đến 300 nghìn một ngày. Việc đều, thu nhập khá ổn định. Già - trẻ, gái - trai đều làm được nên đã giải quyết được công ăn việc làm cho khá nhiều lao động, một số lao động lân cận cũng tìm về làm thuê nên giảm thiểu được nhiều vấn đề liên quan đến an ninh trật tự.

Trao đổi với chúng tôi về thông tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, việc này liệu có ảnh hưởng đến nghề vàng mã của người dân trong xã, ông Nguyễn Xuân Đỉnh (Chủ tịch xã Song Hồ) cho biết, việc này muốn khả thi thì phải tuyên truyền, vận động cho hợp lý, vì đối với xã đây là một nét văn hóa.

Nguyễn Hải - Phạm Kiên

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh