THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:35

Lạng Sơn: Phấn đấu đến năm 2025 không có trẻ em và người chưa thành niên lao động trái quy định của pháp luật

Tỉnh Lạng Sơn hiện có hơn 196.400 trẻ dưới 16 tuổi; số trẻ em đang sống trong gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo là 43.948 trẻ, trẻ em khuyết tật là 1.954 trẻ, 2.464 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 183 trẻ em mồ côi.

Những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ được sống, học tập, vui chơi lành mạnh.

Đến nay, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em có sự chuyển biến tích cực. Bộ máy quản lý Nhà nước về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở được củng cố kịp thời nhằm thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật xây dựng khá đầy đủ, toàn diện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng lao động trẻ em, trẻ em bị bóc lột sức lao động trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn diễn ra, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân dẫn đến trẻ em lao động sớm chủ yếu là do kinh tế gia đình nghèo khó, thu nhập thấp; do nhận thức và hiểu biết của người sử dụng lao động và chính bản thân các em còn hạn chế…

Kế hoạch nêu trên của UBND tỉnh Lạng Sơn nhằm hướng tới không còn trẻ em lao động trái quy định của pháp luật. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 không có trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi lao động trái quy định của pháp luật. 100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi. Từ 90% trở lên trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.

Tỉnh phấn đấu có từ 90% trở lên cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em; 80% cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người dân cộng đồng dân cư được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. 80% trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. 90% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Bên cạnh đó, 90% công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện, cán bộ, công chức cấp xã ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến vấn đề lao động trẻ em được tập huấn kiến thức, kỹ năng về quản lý, phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em. 90% doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã lĩnh vực có khả năng cao sử dụng lao động trẻ em (may mặc, khai thác đá, bốc xếp, nông nghiệp), 70% hợp tác xã, hộ gia đình được tập huấn các kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em.

Định hướng đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn duy trì không để xảy ra trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em được hiểu chính sách, pháp luật về lao động chưa thành niên; giảm tối đa tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người chưa thành niên.

Theo Kế hoạch, UBND tỉnh Lạng Sơn giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Cơ quan thường trực về công tác trẻ em) phổi hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp tài liệu liên quan đến công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức cấp xã ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đội ngũ cộng tác viên kiêm nhiệm công tác trẻ em và các cơ quan, ban, ngành, tổ chức liên quan đến vấn đề lao động trẻ em về quản lý, phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em; thực hiện thí điểm mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện, can thiệp trẻ em có nguy cơ lao động trái pháp luật, xử lý vi phạm sử dụng lao động trẻ em theo thẩm quyền…

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh