Lạng Sơn: Nỗ lực để đạt mục tiêu giảm 3% tỷ lệ hộ nghèo
- Tây Y
- 05:56 - 22/11/2023
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, các sở, ngành chuyên môn của tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết và các Chương trình, cơ chế, chính sách giảm nghèo theo quy định. Trong 9 tháng đầu năm 2023, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 13/3/2023 thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Kế hoạch số 101/KH - UBND ngày 27/4/2023 về rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Sở LĐ-TB&XH đã ban hành các kế hoạch để triển khai, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thành phố đã ban hành các kế hoạch để triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 nhằm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh đạt 3%.
Công tác tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số 47-NQ/TU, ngày 09/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được các cấp, các ngành thực hiện đầy đủ, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. BCĐ các Chương trình MTQG các cấp đã phát huy vai trò tham mưu giúp UBND các cấp chỉ đạo điều hành triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp về Chương trình giảm nghèo theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra.
Đến nay, 7 Dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 được gấp rút triển khai. Về cơ bản, các dự án đạt tiến độ đề ra. Ông Đàm Văn Chính - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai Lạng Sơn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Việc sử dụng nguồn vốn thực hiện đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất ở một số nơi còn dàn trải, thiếu tập trung, chưa phát huy hết hiệu quả. Sự phối hợp, huy động và lồng ghép các chương trình, dự án và nguồn lực chưa nhiều, chưa khai thác được nội lực để thực hiện có hiệu quả chương trình, dự án tại địa phương.
Công tác tuyên truyền còn chưa trọng tâm, trọng điểm, chưa linh hoạt trong nội dung tuyên truyền, một bộ phận hộ nghèo chậm chuyển biến nhận thức, chưa tích cực, chủ động trong phát triển sản xuất để thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Việc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo ở cơ sở một số nơi còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát. “Khả năng tiếp nhận chính sách hỗ trợ của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, nhận thức của người dân trong việc thay đổi tư duy sản xuất, tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ về khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chưa thoát khỏi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, thuần nông trong phát triển sản xuất; do ảnh hưởng của thời tiết, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi tiếp tục có những diễn biến phức tạp,... ảnh hưởng đến kết quả triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Người dân chưa thực sự thay đổi về nhận thức (cách nghĩ và cách làm), một bộ phận không nhỏ người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa nỗ lực, chủ động vươn lên thoát nghèo”, ông Chính chỉ ra một số hạn chế trên.
Để triển khai hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh Lạng Sơn đưa ra một số giải pháp trong các tháng cuối năm 2023: Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Các địa phương cần có giải pháp huy động mọi nguồn lực tập trung phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đặc biệt là các xã, thôn có điều kiện kinh tế khó khăn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội. Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo tại các thôn, xã có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo, đối tượng yếu thế tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.