CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:19

Lạng Sơn: Dân dựng lều nhặt tiền lẻ trên Quốc lộ 1

 

Gần 10 năm nay, tại khu vực Km34 Quốc lộ 1 trên địa bàn huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn xảy ra hiện tượng một số người dân thường xuyên băng qua đường để nhặt tiền lẻ do lái xe rải khi qua đây, thậm chí có người dựng cả lều, “cắm chốt” từ sáng đến tối, gây cản trở giao thông và nguy hiểm đến tính mạng.

  

Quốc lộ 1 đoạn qua địa phận thôn Bản Dù, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn luôn dày đặc phương tiện qua lại.

 

8h sáng trên Quốc lộ 1, đoạn qua thôn Bản Dù, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), các loại ôtô tải, xe container, xe máy... di chuyển dày đặc với tốc độ nhanh. Khi đi qua ngôi miếu nhỏ bên đường, nhiều tài xế thả tiền lẻ qua cửa sổ xe. Ngay lập tức, một cụ bà chờ sẵn cạnh miếu băng ra đường để nhặt tờ tiền lên. Vài phút sau, lại một tờ tiền nữa được thả ra từ chiếc xe khác, lần này là một cụ ông đứng gần đó...

 

Lái xe qua đây có thói quen thả tiền lẻ trước ngôi miếu.

   

Chỉ trong vài chục phút, đã có hơn 10 lái xe thả tiền xuống đường; và gần như ngay lập tức, tiền vừa rơi là có người ra nhặt, bất kể xe dòng xe nườm nượp. Người dân sống tại khu vực này cho biết, việc nhặt tiền xuất hiện từ khi ngôi miếu được lập sau một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở đoạn đường này năm 2009. Thấy lái xe hay thả tiền lẻ, một số người dân sống gần miếu đã túc trực để nhặt. Có người còn dựng cả lều sát đường để che mưa che nắng, chia ca trực từ 5 giờ sáng tới 7 giờ tối.

 

Một số người dân ngồi sẵn trên vệ đường, chờ lái xe thả tiền để nhặt.

 

 Thậm chí dựng cả lều, chia ca từ sáng tới tối. 

 

Chị Mã Ngọc Dung, người dân sinh sống gần đó cho biết: “Ở đây xe khách với các loại xe nhiều lắm, từ lúc cái miếu này lập lên, mấy người nhặt tiền ở đây bị tai nạn mấy lần rồi, bị gãy chân”.

  

Xe vừa qua là có người ra đường nhặt tiền.

 

Ông Kiềng Văn Việt, năm nay đã 64 tuổi nhưng ngày nào cũng ra đường nhặt tiền, nói: “Nhà tôi ngay đây này. Mình nhặt mình nhìn xe chứ, không nhặt thì tiền người ta vứt xuống phí đi. Cái ông già kia, ông ấy nhặt tiền bị ôtô tông 3 lần mà không chết. Mỗi ngày bình quân cứ 100 nghìn, đấy là còn nhiều người, mỗi mình nhặt thì ngày phải 300-400 nghìn. Cứ vào Rằm, ngày 30, ngày mùng 1 nhà xe người ta đỗ lại thả quà, tiền nhiều lắm”.

 

Phần lớn là tiền mệnh giá thấp 1-2 nghìn đồng, tuy nhiên cũng có lúc tới 50-100 nghìn đồng.

 

Ông Hoàng Văn Phách, Chủ tịch UBND xã Vân Thủy cho biết: “Xã đã làm công tác tuyên truyền, trước đây sinh hoạt thôn đã có định hướng, phối hợp với công an để tuyên truyền bà con không ra nhặt tiền, nó nguy hiểm quá chứ xã cũng không bố trí được lực lượng túc trực để xử lý”.

 

Người nhặt tiền chủ yếu là người lớn tuổi, đã có vài vụ tai nạn xảy ra.

 

Đúng như ông Hoàng Văn Phách chia sẻ, chính quyền địa phương không thể bố trí người trực 24/24 để ngăn chặn người dân lao ra đường nhặt tiền lẻ do lái xe thả xuống, mà mấu chốt của vấn đề chính là từ phía những người tài xế trên những chiếc xe xuôi ngược qua đây. Liệu những người thả tiền qua cửa sổ xe có ý thức được rằng hành động của họ cũng là một cách gián tiếp đẩy rủi ro tai nạn đến cho người dân? 

 

Hiện tượng nhặt tiền lẻ này đã kéo dài gần 10 năm nay.

 

Ở góc độ pháp luật tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc nghiêm cấm hủy hoại đồng tiền Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã có Thông tư quy định cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền nước ngoài trên đường đi đưa tang. 

Đoạn quốc lộ 1 qua thôn Bản Dù, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn từng được coi là "điểm đen" thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Chính vì vậy, hành vi thả tiền xuống đường của không ít lái xe cần được chấn chỉnh, vừa đảm bảo tuân thủ luật pháp, vừa thể hiện ý thức văn hóa và quan trọng nhất là không gián tiếp đẩy người dân vào các tình huống dễ dẫn đến va chạm, tai nạn giao thông.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh