THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:53

Lắng nghe, tôn trọng tiếng nói trẻ em

Thực hiện quyền tham gia của trẻ em, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những nỗ lực trong việc đề ra các chủ trương, chính sách nhằm thi hành triệt để các công ước quốc tế cũng như luật pháp Việt Nam về quyền trẻ em. Các cấp lãnh đạo và các bậc phụ huynh đã nhận thức rõ hơn tính pháp lý, tính luật trong công việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Bộ máy các cơ quan chuyên trách về trẻ em đã được củng cố, kiện toàn từ Trung ương đến tận cơ sở.

Lắng nghe, tôn trọng tiếng nói trẻ em - Ảnh 1.

Trẻ em tham gia họp Hội đồng trẻ em.

Cụ thể, Luật Trẻ em dành một Chương quy định trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em (Chương V) quy định cụ thể: Phạm vi, hình thức trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em; bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong gia đình; bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; tổ chức đại diện, tiếng nói nguyện vọng của trẻ em; bảo đảm để trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em.

Để cụ thể hóa Luật Trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp trong việc bảo đảm để trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em (Điều 49, Điều 50).

Ngày 3/8/2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1235/QĐ-TTg phê duyệt chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu của Chương trình nhằm tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. 

Lắng nghe, tôn trọng tiếng nói trẻ em - Ảnh 2.

Trẻ em tham gia Diễn đàn trẻ em các cấp.

Theo đó, 100% pháp luật, chính sách về trẻ em ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện được tham vấn ý kiến trẻ em; 90% các quyết định có liên quan đến trẻ em trong nhà trường được tham vấn ý kiến trẻ em; 90% các quyết định có liên quan đến trẻ em trong cộng đồng, xã hội được tham vấn ý kiến trẻ em; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện ít nhất 2 mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.Thực hiện Quyết định số 1235/QĐ-TTg, hằng năm, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, có công văn gửi các bộ, ngành, tổ chức liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 63/63 tỉnh, thành phố ban hành quyết định, kế hoạch, công văn triển khai thực hiện Quyết định số 1235/QĐ-TTg để triển khai thực hiện hằng năm hoặc theo giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, từ năm 2016 - 2019, đã có 17.511 diễn đàn trẻ em các cấp với 1.767.875 lượt trẻ em tham gia. Năm 2019, một số tỉnh có 100% cấp huyện tổ chức diễn đàn trẻ em. Diễn đàn trẻ em quốc gia định kỳ tổ chức 2 năm/1lần; Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh định kỳ tổ chức 1 năm/1 lần. Hội đồng Đội Trung ương đã ban hành công văn hướng dẫn xây dựng thí điểm mô hình "Hội đồng trẻ em" cấp tỉnh, thành phố giai đoạn 2017 - 2020. Đến đầu năm 2018, cả 5 tỉnh, thành phố thuộc diện thí điểm đã tổ chức thành công lễ ra mắt mô hình "Hội đồng trẻ em" cấp tỉnh và đi vào hoạt động hiệu quả. Tính đến năm 2019, cả nước có 9.461 câu lạc bộ quyền trẻ em với 640.469 lượt trẻ em tham gia và 35.118 câu lạc bộ trẻ em do Đoàn Thanh niên thành lập và chỉ đạo hoạt động thu hút khoảng 1.756.000 lượt trẻ em tham gia. Câu lạc bộ trẻ em cấp xã, phường được duy trì hoạt động thường xuyên. Trong giai đoạn 2016 - 2020, có 33.610 chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện với 4.975.331 lượt trẻ em tham gia.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phòng Phát triển tham gia (Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong quá trình xây dựng Luật Trẻ em, Nghị định 56/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều Luật Trẻ em, Cục Trẻ em đã phối hợp tổ chức tham vấn, phỏng vấn sâu, rất nhiều ý kiến của trẻ em đã được đưa vào bản dự thảo Nghị định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

"Ví như quy định về hỗ trợ và can thiệp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Nghị định 56/2017/NĐ-CP đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của trẻ em như: Trẻ có hoàn cảnh đặc biệt cần được nhân viên công tác xã hội tư vấn, đánh giá và theo dõi theo quy trình quản lý ca; quá trình lập kế hoạch chăm sóc thay thế cho trẻ cần có sự tham gia của trẻ em và người chăm sóc trẻ ngay từ lúc bắt đầu. Bắt buộc có sự tham gia trực tiếp của trẻ khi trẻ từ 7 tuổi trở lên", bà Hồng cho biết.

Hay như nội dung bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Nghị định 56/2017/NĐ-CP đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của trẻ em. Đó là cần có quy định cho các nhà cung cấp mạng bắt buộc phải có công cụ sàng lọc thông tin xấu và báo cáo cơ quan chức năng về các thủ phạm/nghi vấn. Nhà trường và gia đình cần hướng dẫn trẻ em cách tự bảo vệ mình trên mạng, hướng dẫn trẻ cách truy cập những trang web tốt và không truy cập các trang web xấu, giám sát việc sử dụng mạng của trẻ em. Cha mẹ và nhà trường cần có phần mềm theo dõi và ngăn chặn những thông tin độc hại…

Theo đại diện Cục Trẻ em, việc lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em giúp cho cơ quan chủ trì soạn thảo đưa ra các quy định phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của trẻ em, bảo đảm khả thi, hiệu lực, hiệu quả của văn bản. Đồng thời, góp phần bảo đảm quyền tham gia của trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em nói lên ý kiến, nguyện vọng của mình.

"Từ khi có Quyết định số 1235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em thông qua các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em đã khởi sắc và có bước tiến vượt bậc cả về nội dung, hình thức, quy mô trẻ em tham gia và Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về việc cụ thể hóa quyền tham gia của trẻ em bằng chương trình hành động ở cấp quốc gia và tổ chức các hoạt động có sự tham gia của trẻ em", đại diện Cục Trẻ em khẳng định và cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu "Phát triển và nhân rộng các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; nâng cao nhận thức, năng lực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em bảo đảm thực hiện quyền tham gia của trẻ em chất lượng, hiệu quả góp phần xây dựng thế hệ công dân Việt Nam phát triển toàn diện và hội nhập".

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh