Làng nghề làm lồng đèn ở TP.HCM tất bật với những chiếc lồng đèn ‘khổng lồ’
- Văn hóa - Giải trí
- 21:50 - 14/09/2018
Có nguồn gốc từ làng Báo Đáp (tỉnh Nam Định), nghề làm lồng đèn đã theo chân những người dân đi vào miền Nam hơn 50 năm qua. “Nghề làm lồng đèn giấy kiếng đã tồn tại cả trăm năm ở làng cha ông tôi. Ban đầu cha tôi dạy cho tất cả những người con trong gia đình nhưng cuối cùng thì chỉ có 2 người là tiếp tục theo cái nghề truyền thống của gia đình”, anh Nguyễn Trọng Bình (nghệ nhân hơn 20 năm làm lông đèn) cho biết.
Làng nghề trên 50 năm danh tiếng.
Trung thu đang đến gần, men theo những con hẻm nhỏ, đi sâu vào xóm đạo Phú Bình, (phường 5, quân 11, TP.HCM) nơi đây đang rộn ràng chìm trong sắc đỏ những chiếc lồng đèn giấy kiếng truyền thống. Chúng tôi cảm nhận được mùi tre nứa, mùi sơn, mùi giấy kiếng phảng phất như muốn níu chân người ở lại.
Đã tồn tại hơn 50 năm, làng nghề sản xuất lồng đèn Phú Bình trải qua biết bao nhiêu thăng trầm trong cuộc tìm kế sinh nhai. Tưởng chừng nghề làm lồng đèn sẽ mai một qua từng năm tháng. Thế nhưng với sự cố gắng và muốn giữ lại nghề truyền thống của ông bà, nhiều gia đình ở đây vẫn cứ bám trụ để tiếp tục gìn giữ nghề tuyền thống của gia đình trước nguy cơ mai một.
Mỗi chiếc lồng đèn khổng lồ” có giá từ 2 triệu đến 6 triệu tùy theo kích thước và mẫu.
Mỗi dịp Tết Trung thu đến, các hộ gia đình ở đây lại tất bật với công việc sản xuất lồng đèn để kịp cung cấp ra thị trường. Công việc ngày càng bận rộn khi những đơn đặt hàng tăng lên vùn vụt, đòi hỏi các nghệ nhân phải làm thêm vào buổi tối cho kịp số lượng lồng đèn để giao cho khách đúng hẹn. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, những gia đình làm lồng đèn ở đây luôn tạo ra những mẫu mới, độc và lạ. Từ những chiếc lồng đèn hình ngôi sao, hình những con bướm, cá, gà...cho đến những chiếc lồng đèn bằng thuyền với nhiều kích cỡ khác nhau theo yêu cầu của khách hàng.
Gia đình có 3 thế hệ làm lồng đèn.
Có truyền thống 3 đời làm nghề lồng đèn, những ngày gần Tết Trung thu, gia đình nghệ nhân Nguyễn Trọng Thành (50 tuổi, quận 11, TP.HCM) tất bật từ sáng đến tối để kịp hàng giao cho khách đúng hẹn.
Nghệ nhân Nguyễn Trọng Thành, đang thiết kế khung chiếc lồng đèn “khổng lồ” dài 4m.
Nghệ nhân Nguyễn Trọng Thành là thế hệ thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm đèn lồng Phú Bình cho hay: “những năm gần đây, cách Tết Trung thu chừng hơn tháng, thương lái và nhiều bạn trẻ đã đổ xô tìm đến đặt hàng, khi đèn lồng điện tử lên ngôi, đèn lồng truyền thống không còn giữ được vị thế nhưng vẫn có một bộ phận khách hàng yêu nét văn hóa cổ truyền vẫn tìm đến xóm nhỏ này”.
Trong năm, hoạt động sản xuất và bán lồng đèn chỉ nhộn nhịp trong mùa Trung thu, nhưng để có sản phẩm tung ra thị trường, từ ngay sau Tết Nguyên đán, người dân Phú Bình đã chuẩn bị nguyên liệu, buộc lạt, chẻ tre, vẽ trên giấy kiếng… để đến Trung thu kịp dán đèn giao cho khách hàng. Mỗi chiếc lồng đèn có giá từ 10.000 đồng đến 4 triệu tùy thuộc vào độ lớn và độ khó của đèn.
Đèn lồng gia đình ông Thành làm chủ yếu là hình các con thú như chó, mèo, cá, gà,… "Muốn làm được một chiếc lồng đèn phải trải qua rất nhiều công đoạn, nhưng 2 công đoạn khó nhất là tạo khung và vẽ họa tiết. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất với số lượng lớn mỗi ngày, tất cả các công đoạn đều được phân công cho từng người khác nhau thực hiện, riêng 2 công đoạn khó nhất tôi sẽ làm", nghệ nhân Thành cho biết.
Những chiếc lồng đèn “khổng lồ” sắp hoàn thiện để giao cho khách theo đơn đặt hàng.
Có thể nói chưa có nghề thủ công nào tỉ mỉ, tốn công như nghề này. Nếu tính từ khi chọn nguyên liệu cho đến hoàn tất sản phẩm, có cả chục công đoạn. Công đoạn nào cũng phải bỏ công sức và tình cảm vào. Để làm ra chiếc đèn con bướm cũng phải cần 5 loại nan khác nhau để tạo dáng, khi uốn nan hay chẻ nan phải thật đều tay thì chiếc nan mới đều, mới tạo được dáng đẹp cho chiếc lồng đèn.
Những chiếc lồng đèn khổng lồ
Nhờ danh tiếng của xóm lồng đèn Phú Bình đã vang xa tới cả nước ngoài như Úc, Mỹ, Canada, thái lan, lào…Gần đây gia đình ông Thành nhận được những đơn đặt hàng làm lồng đèn hình chiếc thuyền, ngôi sao… “khổng lồ” có kích thước từ 2 đến 4m, từ các doanh nghiệp ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đặt hàng. Mỗi chiếc lồng đèn này với giá thành từ 4 đến 7 triệu đồng/chiếc, tùy vào kích thước, mẫu mã khách đặt làm.
Mặc dù còn khoảng 15 ngầy nữa mới tới Trung thu nhưng hiện nay, các thương lái đã ra vào liên tục để mang hàng vận chuyển khắp nơi, tạo nên một khí nhộn nhịp ở cái xóm bình thường vốn trầm lặng này.
Khó khăn vẫn giữ nghề.
Vẫn còn khó khăn nhưng những nghệ nhân luôn tâm quyết giữ nghề, đam mê nhiệt huyết, gìn giữ và sống bằng nghề, đây cũng chính là nét văn hóa truyền thống được cha ông giữ gìn qua bao thế hệ.
Người dân Phú Bình vẫn giữ nghề vì đam mê và không đành để thất truyền một nghề thủ công mà ông cha đã gầy dựng, gìn giữ suốt thời gian dài. Để sống được người dân làm lồng đèn ở Phú Bình phải làm thêm các công việc khác, khéo vun vén lắm mới đủ trang trải cuộc sống.
Xóm lồng đèn vẫn còn đó, vẫn còn le lói những con người tâm huyết với nghề. Họ là những nghệ nhân luôn tâm quyết giữ nghề, lúc nào cũng đau đáu mong chính quyền có phương cách bảo tồn làng nghề, dẫu sao đây cũng là nét văn hóa truyền thống được cha ông giữ gìn qua bao thế hệ.
Những chiếc lồng đèn khi đã hoàn thành.
Trong điều kiện cuộc sốg ngày càng hiện đại hóa, mặc dù những chiếc đèn lồng điện tử đang lên ngôi, nhưng tin rằng hình ảnh những chiếc lồng đèn được tạo nên bằng tất cả tâm huyết, sự tỉ mỉ và cả tình cảm của người nghệ nhân đag cố gắg từng ngày để giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc sẽ là những điều thật đáng trân trọng và là 1 phần không thể thiếu trong kí ức tuổi thơ của nhiều người.