Lắng nghe con trước khi quá muộn
- Y học 360
- 23:37 - 30/03/2021
Tự tử ở độ tuổi học sinh gia tăng
Ngày 22/3/2021, Công an quận 12, TP. Hồ Chí Minh điều tra, làm rõ nguyên nhân hai nữ sinh 16 tuổi nghi rơi lầu tử vong tại chung cư Topaz Home trên đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất. Trước đó, hai nữ sinh đã bỏ nhà đi nhiều ngày và có những tin nhắn có ý định tự tử.
Đầu tháng 3, nữ sinh lớp 6 treo người lơ lửng trên tầng cao của Trường THCS Minh Đức (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) khiến nhiều người chứng kiến hoảng loạn. Rất may, nữ sinh được cứu kịp thời. Cũng vào thời điểm trên, một nữ sinh mặc đồng phục Trường THCS Minh Đức đu trên thành tường lan can ở lầu cao nhất của trường. May mắn có người xuất hiện kịp thời, kéo nữ sinh này vào và thoát khỏi nguy hiểm. Được biết, nữ sinh này buồn chuyện gia đình, nảy sinh ý định dại dột.
Tháng 12/2020, nữ sinh lớp 10 ở An Giang được cho là uống thuốc tự tử vì uất ức trong xử lý vi phạm của nhà trường. Mẹ của nữ sinh cho biết, con gái mình bị nhà trường xử lý vi phạm quy chế vì không tham gia học phụ đạo do trường tổ chức có thu phí. Nhà trường sau đó đã thừa nhận sai sót.
Trước đó, hàng loạt vụ tự tử xảy ra như: Nam sinh lớp 10 ở TP. Hồ Chí Minh để lại thư tuyệt mệnh rồi nhảy lầu tự tử ngay trong trường học; nữ sinh lớp 11 ở Bình Phước tự tử để lại 5 bức thư tuyệt mệnh… đều là những vụ đau xót xảy ra mà nguyên nhân từ áp lực học tập.
Lắng nghe, tìm hiểu, hỗ trợ khi con cần
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, việc học sinh tìm đến cái chết phản ánh sự dồn nén, ấm ức khó chia sẻ và không tìm được giải pháp. "Bố mẹ kỳ vọng nhiều vào con, ép con phải học trong khi lại dành ít thời gian cho con. Giảm kỳ vọng, bố mẹ hãy kỳ công với con, lắng nghe, tìm hiểu và hỗ trợ khi con cần. Đã không hiểu mong muốn của trẻ lại giáo dục với tư duy áp đặt thì dễ nảy sinh mâu thuẫn", TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, ở Việt Nam, tỷ lệ thanh thiếu niên và trẻ em gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần cần được tư vấn, trị liệu chiếm khoảng 12%. Trong khi đó, các nhà trường hiện mới chỉ chú trọng giáo dục kiến thức, thể chất mà chưa quan tâm đúng mức tới sức khỏe tâm thần.
Theo PGS, TS Trần Thành Nam, học sinh gặp nhiều vấn đề liên quan sức khỏe tâm thần nhưng không biết chia sẻ cùng ai. Độ tuổi vị thành niên, các em có sự thay đổi rất lớn trong tâm sinh lý và nhạy cảm với những tác động xung quanh. Do vậy, thầy cô không nên giáo dục áp đặt, kỷ luật đi ngược lại phương pháp giáo dục tích cực. Còn cha mẹ cần dành thời gian quan sát, đồng hành với con mỗi ngày, nhận biết những thay đổi bất thường của con để quan tâm, chia sẻ.
Theo Ths tâm lý Vũ Thu Hà, ở độ tuổi chưa phát triển, cảm xúc còn mong manh, các em chưa tìm ra được hướng tích cực, thường đi vào hướng tiêu cực và định kiến tiêu cực. Không chia sẻ được với ai và không có kỹ năng giải quyết vấn đề, đến lúc không thể chịu đựng, các em buộc phải có hành động để giải thoát cho bản thân. "Để giải quyết vấn đề này cần sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường. Nhất là gia đình phải luôn cùng đồng hành, quan sát con, nếu con có vấn đề phải cùng con giải quyết. Gia đình nên tìm đến các chuyên gia tâm thần, tâm lý, tham vấn cộng đồng", bà Hà lưu ý.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Cố vấn cao cấp về giáo dục tâm lý của Hệ thống giáo dục ATY cho biết, nhiều bạn nhỏ rất dễ bị tổn thương, khi cha mẹ, thầy cô nhắc nhở về hành động chưa tốt, trẻ lại hiểu mình bị ghét bỏ. Các em thiếu kỹ năng xã hội, khi có xung đột không biết giải quyết thế nào nên có em đã tìm đến cái chết. Giải pháp căn cơ hiện nay chính là nhà trường phải tăng cường dạy học trò giao tiếp, ứng xử khi xung đột, giải quyết các tình huống.
Các trường học hiện đã tăng cường giáo dục kỹ năng sống, nhưng một số nơi đang làm rất hình thức, học sinh chưa được thực hành, trải nghiệm. Trong khi đó, vai trò phòng tham vấn tâm lý học đường và giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng lại chưa được khai thác hết.
Theo ông Nhân, để giảm tỷ lệ trẻ tự tử, phải thu hút trẻ tới chia sẻ với giáo viên, chuyên gia tư vấn để giải quyết được các vấn đề khúc mắc. Hiện nay, giữa con cái và cha mẹ đang có khoảng cách lớn. Quá trình tham vấn cho thấy, có nhiều học sinh đối xử rất quá đáng với cha mẹ, nhưng họ vẫn âm thầm chịu đựng, trong khi các em mới chỉ tổn thương một chút đã có suy nghĩ tiêu cực. Do vậy, nhà trường cần có những diễn đàn để giúp học sinh chia sẻ, kết nối cảm xúc và gắn kết với cả cha mẹ.