Viết tiếp những ước mơ dang dở
- Dược liệu
- 23:32 - 25/09/2016
Trước mắt tôi la liệt những đứa trẻ bệnh tật, đang hàng ngày, hàng giờ chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác. 12 bé trong một phòng đang nằm vật vờ trên giường, mặt mày đờ đẫn, ánh mắt thất thần khi nhìn thấy tôi. Vài em tỉnh táo chợt liếc nhìn sang mẹ như muốn mách với mẹ rằng có người lạ vào. Số còn lại nằm im thim thít, chỉ thi thoảng đưa ánh mắt sang nhìn một cách mệt mỏi.
Dù đau đớn các em vẫn giữ được nụ cười hồn nhiên
Hầu hết các em nằm viện đây đều đến từ những tỉnh lẻ, miền núi xa xôi, có hoàn cảnh không mấy khá giả, thậm chí nhà rất nghèo. Nhiều em, bao nhiêu tuổi đầu thì cũng chừng ấy năm phải nằm trong bệnh viện, chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo hành hạ thể xác và tâm hồn.
“Em chỉ muốn được cha mua siêu nhân màu xanh”. Câu nói phát ra từ bé Nam nay chỉ mới 3 tuổi quê ở Tiền Giang bị ung thư mũi bẩm sinh nằm chữa bệnh đã hơn một năm nay, nhưng bệnh tình vẫn chưa hề thuyên giảm. Lên rồi về, về rồi lên, nhà và viện như là “cơm bữa”. Mẹ bé Nam kể: Lần này đi trong nhà chỉ còn một con heo nái cũng đành phải bán làm lộ phí đi đường cho hai mẹ con. Hồi trước, gia đình cũng không đến nỗi khó khăn nhưng từ ngày em bị bệnh, mọi tài sản lần lượt “đội nón” ra đi, kinh tế kệt quệ. Cha của bé cũng bỏ việc đồng áng ở quê lên Sài Gòn, vừa đi làm thuê vừa thay nhau chăm bé trong bệnh viện.
Một bé khác nằm bên thì thào khi tôi bắt chuyện: “Em ước mình khỏe mạnh để làm thật nhiều tiền chữa căn bệnh hen xuyễn của mẹ”. Bé không biết, khi thốt ra những lời ấy, người mẹ đang gạt những giọt nước mắt lăn dài trên má.
Nghẹn ngào hơn khi nghe mẹ bé Gia Hân 3 tuổi (Bình Phước) nói: “Nhà chị cũng bán gần hết đất rồi. Hồi trước, cha mẹ chết đi để lại cho hai vợ chồng được miếng đất cắm dùi, dùng để làm vườn và chăn nuôi kiếm sống. Thế nhưng em bị bệnh mọi tài sản trong nhà không còn, đất phải chia ra bán từng miếng. Giờ chỉ còn mỗi cái nhà cấp 4 tạm bợ trơ trọi. Và nếu bệnh con không hết chắc cũng phải bán tiếp cái nhà, rồi đi mướn trọ để ở”.
Những ánh mắt miệt mỏi, đau yếu vì bệnh tật
Cũng là một câu chuyện đau, em Phan Thị Hồng Hoa (8 tuổi, quê Tây Ninh) có tình cảnh rất thương tâm. Từ nhỏ, Hoa sinh ra đã bị chứng bệnh ung thư bụng. Năm lên lớp 2, bụng của Hoa tự nhiên phình to ra, gia đình đã đưa tới bệnh viện khám thì phát hiện em bị ung thư giai đoạn cuối. Mọi ước mơ của em đã trở nên xa xôi và không bao giờ thành hiện thực. Khi được hỏi: “Em thích điều gì nhất”. Hoa chỉ biết cười và nói rất vô tư: “Em chỉ ước sao cho em nhanh khỏi bệnh được về nhà và tiếp tục đi học.”. Hoa luôn nuôi niềm tin dù bệnh em là “vô phương cứu chữa”, nhưng không khi nào trong em thôi mơ ước và hy vọng về một tương lai, một cuộc sống tốt đẹp phía trước.
Khoa Nhi (Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh) hiện có 5 phòng bệnh, mỗi phòng có 12 em và mỗi em là mỗi một số phận bất hạnh không ai giống ai. Nhưng không phải vì vậy mà các em tiều tụy, yếu đuối, ngược lại rất mạnh mẽ, luôn tràn đầy ước mơ và hy vọng, luôn nghĩ cho cha mẹ và gia đình.
Theo lời một y tá chăm sóc: Các em đến từ nhiều nơi, mỗi em là một căn bệnh, nhưng chung một gia cảnh nghèo giống nhau. Không phải vì cha mẹ các em không biết làm ăn, mà nghèo là do bệnh tình của các em. Nhiều lúc lên cơn đau các cháu kêu gào, khóc lóc tội lắm. Người làm cha làm mẹ chỉ biết nuốt nước mắt vào trong mà nhìn các em rên la, vật vã. Họ chỉ biết nựng nịu vài câu: “Nín đi rồi cha mua đồ chơi cho. Nín đi rồi mẹ mua bánh cho...” Đến khi hết đau các em lại hồn nhiên hỏi đồ chơi, bánh của con đâu. Nhưng đâu phải vì cha mẹ nào cũng đủ điều kiện để mua cho con những món đồ chơi như vậy.
“Khổ lắm mấy anh ạ! Nhiều bé bệnh nặng quá được bệnh viện trả về nhưng các bé cũng đâu có biết. Dẫn ra xe, bé cứ nghĩ mình được về nhà nên vui lắm, mừng rỡ. Con vui mừng còn cha mẹ khóc ròng. Nhìn mà đứt ruột.” – cô Hà, mẹ một bệnh nhi tiếp lời.
Có lẽ, hằn sâu trong ý nghĩa thơ ngây ấy, các em cũng chỉ mong là mình được đến trường. Đa phần các em sinh ra đã bám víu cả đời trên giường bệnh. Các em hầu như không được may mắn đến trường như bao trẻ em khác. Thất học, mù chữ, kém hiểu biết, chậm tiếp thu là những gì mà các em đang phải chịu đựng.
Nắm được khát khao này, từ năm 2009, một chương trình lớp học chữ mang tên “Viết tiếp ước mơ của Thúy” đã được những trái tim có tình yêu và sự đồng cảm với trẻ mở ra. Lớp học này đã viết tiếp nhiều ước mơ và hoài bão của biết bao em ung thư. Chặng đường 7 năm, hơn 450 bệnh nhi đã được đến trường, gần 1/3 số đó đã được trở lại gia đình và tiếp tục con đường đến trường.
Lớp học chữ “Viết tiếp ước mơ của Thúy”
Cô giáo cũng là tình nguyện viên Nguyễn Liêng cho biết, chị bén duyên với lớp học như là sự hữu duyên cuộc đời. Thời còn trẻ, chị từng trải qua vài biến cố, có lúc chẳng thể khóc bởi bất kì điều gì và trở nên chưng hửng với tất cả mọi thứ diễn ra xung quanh mình. Rồi cho đến một ngày, qua một người quen, chị vô tình biết đến các em, vô tình đọc được những nét chữ ngây ngơ trên tập vở của các em, những dòng chữ của những đứa trẻ chưa một lần gặp mặt. Khi ấy, chị như thấy mình như muốn được khóc trở lại. Kể từ ngày đầu tiên gặp các em trở về sau, chị đã để các em vào thời gian biểu của mình để dành cho lớp học chữ.
“Tôi đồng cảm với các em từ sâu thẳm trái tim mình từng trải. Và tôi còn e ngại hơn khi nhìn thấy tất cả người ta hình như đều đang thương hại và xót xa cho các em – Những đứa trẻ cần lắm tình yêu thương. Nhưng không, tôi chỉ muốn nói là “tôi muốn”, chỉ là tôi muốn được đến với các em, chỉ là tôi muốn được nghe các em gọi tên mình, chỉ là tôi muốn nghe những tiếng “Cô ơi, cô à”. Tôi muốn lũ trẻ. Tôi muốn chúng. Chỉ là tôi muốn vậy thôi!” – chị Liêng bộc bạch.