THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:05

Làng may áo dài Trạch Xá: Tôn vóc dáng thanh thoát phụ nữ Hà thành

 

Nghề cha truyền con nối

Về làng Trạch Xá, hình ảnh đầu tiên dễ thấy là đền thờ bà Tổ nghề may khang trang nơi đầu làng. Bà tên Nguyễn Thị Sen - Tứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng với sự thông minh, khéo léo và sáng tạo, bà đã dạy cho các cung nữ từng đường kim, mũi chỉ để phát triển nghề may trong cung đình mà trước đây chưa hề có. Năm 979, Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích sát hại, bà Tứ phi Nguyễn Thị Sen đã đưa các con dời hoàng cung về làng Trạch Xá, truyền dạy nghề may áo dài và áo cung đình cho dân làng. Sau khi bà mất, vua Lý Công Uẩn thương tiếc, truyền chỉ cho dân làng lập đền thờ bà tại đây.

Từ đó đến nay nghề may đã gắn bó với người Trạch Xá và trở thành nghề truyền thống của làng Trạch Xá hiện có gần 1.000 thợ may tại các cửa hiệu trên các phố lớn của Hà Nội và hàng nghìn lao động tại làng. Từ trẻ con đến người già ai cũng yêu và gắn bó với nghề. Trẻ con trong làng từ 8 tuổi đã được làm quen với việc đơm cúc, thêu áo. Với đứa trẻ sáng dạ, khéo léo, 15 tuổi đã có thể may được chiếc áo dài đẹp. Các cụ già trong làng rất tâm huyết với nghề, hằng ngày truyền dạy lại bí quyết cho con cháu.

Những người đàn ông ở Trạch Xá may những chiếc áo dài rất đẹp, tôn dáng người mặc.

 

Một trong những nét đặc sắc của làng may áo dài Trạch Xá chính là cách thức may. Áo dài chủ yếu được làm thủ công. Từng tà áo, vạt áo đều được khâu bằng tay mà mũi chỉ vẫn đều tăm tắp. Đa số người ngoài chỉ biết khâu tay ngang thì người dân ở đây khâu tay dọc, bởi đây là kỹ thuật rất khó. Chính vì vậy, áo dài Trạch Xá luôn thướt tha, mềm mại, chứ không cứng và thô như các nơi khác.

Theo các nghệ nhân của làng, khó nhất là công đoạn may đường tà, bởi phải khâu tay sao cho “trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện”. Nghĩa là phải khâu đường tà thật khéo để khi lật bên trong như giấy dán hồ, còn bên ngoài mũi chỉ nhỏ xíu như trứng con nhện, thậm chí dùng chỉ trắng khâu cho áo màu đen mà cũng không bị lộ đường khâu. Những người được phong là nghệ nhân của làng đều là những bậc cao thủ, nhìn dáng người là ước chừng được số đo và kiểu dáng phù hợp. Người dân trong làng vẫn truyền tụng về nghệ nhân Tạ Văn Khuất - người được vinh dự mời vào cung may áo dài cho vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Dù phải đứng cách xa hoàng hậu đến 50m, với cách ước lượng chính xác, ông vẫn may được những bộ áo vừa vặn và đẹp mắt, ông được triều đình thưởng hậu hĩnh.

Ngày xưa, các cụ may áo dài thủ công hoàn toàn, mỗi ngày chỉ may được một cái. Hiện với sự trợ giúp của máy móc, một người có thể sản xuất được khoảng 4 chiếc áo dài. Xưa kia, để thành một thợ giỏi thì phải học từ 5 - 10 năm, còn bây giờ với sự phát triển của xã hội thời gian học đã rút ngắn đi nhiều. Chính vì thế, nhiều người tìm về làng Trạch Xá để học cách may áo dài, nay đều đã trở thành chủ những cửa hàng may có tiếng. Họ thường đệm chữ “Trạch” ở biển hiệu để khẳng định thương hiệu may có nguồn gốc từ làng Trạch Xá. Ở Huế, có hẳn một làng tên Phó Trạch là do người dân Trạch Xá vào truyền dạy nghề may. Thời phong kiến, người Trạch Xá chỉ truyền nghề cho con trai trong làng để đảm bảo bí quyết truyền thống. Thời kỳ kinh tế thị trường, người dân đã thay đổi tư duy khi truyền dạy nghề cho rất nhiều người nơi khác để nghề may áo dài Việt Nam phát triển.

Đường kim, mũi chỉ của các thợ may rất cẩn thận.

 

Giá trị văn hóa mãi trường tồn

Sinh ra trong một gia đình có 9 người con thì 3 người theo nghề may áo dài. Tuổi thơ của ông Ðỗ Văn Thường là ký ức về cái thước, cái kim và cuộn chỉ. Lên 6 tuổi, ông được cha rèn cho cách sử dụng kim khâu và sau mỗi buổi tan học về, ông lại phụ việc gia đình. 17 tuổi, cầm trên tay kết quả trúng tuyển trường đại học Ngoại ngữ nhưng gia cảnh quá khó khăn, ông tạm gác lại việc học hành. Những năm tháng sau đó, ông Thường cùng cha lăn lộn với nghề may ở nhiều nơi, từ Thanh Hóa, Hải Phòng đến Bắc Ninh để kiếm sống. Thời bao cấp, nhà nào có điều kiện mới đặt may áo dài  nên khi nhận được đơn hàng, hai cha con trong lòng vui khôn xiết, nhưng cũng cảm thấy bội phần lo lắng vì không biết có làm đúng theo yêu cầu hay không bởi chỉ một sơ suất nhỏ thì... lấy tiền đâu mà đền.

Năm 1992, ông Thường quyết định ra Hà Nội lập nghiệp. Ban đầu với số tiền ít ỏi chỉ đủ thuê nhà, nhưng với tay nghề cao, ông được nhận vào làm tại một cửa hàng bán áo dài trên phố Cầu Gỗ. Số tiền công kiếm được không nhiều, một phần ông gửi về gia đình, một phần để trang trải cuộc sống. Năm 2005, nhận thấy kinh tế thị trường đang phát triển, nhiều người ở quê không có việc, tận dụng mối quan hệ sẵn có với chủ cửa hàng, ông Thường nhận hàng về quê làm. Số tiền tích cóp được ông đầu tư 4 máy may dây chuyền, tạo việc làm cho 30 lao động. Có thể nói, nghề may áo dài đã mang lại cho gia đình ông một cuộc sống ổn định và tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sống cho nhiều người dân ở đất "may áo dài" Ứng Hòa.

Giới trẻ được truyền nghề.

 

Dù trải qua thăng trầm nhưng chưa bao giờ nghề may áo dài ở Trạch Xá bị pha tạp bởi xu hướng hiện đại. Kể cả những lúc trào lưu áo dài cách tân chiếm lĩnh thị trường và làm phai nhạt hình ảnh áo dài truyền thống. Ông Thường cho biết, những chiếc áo dài cách tân có thể sản xuất hàng loạt với nhiều kiểu cách, màu sắc đa dạng nên người dùng có nhiều sự lựa chọn hơn so với áo dài truyền thống, nhưng qua mỗi năm lại đổi mới theo thị hiếu của người dùng, vì thế khó giữ được nguyên giá trị văn hóa. Áo dài truyền thống chỉ có một kiểu duy nhất, nhưng giá trị văn hóa lại tồn tại mãi với thời gian. Chính điều này là nguồn mạch để người làng Trạch Xá gắn bó với nghề.

Dẫu vậy trước xu hướng cạnh tranh giữa áo dài cách tân và áo dài truyền thống, ông Thường băn khoăn nhất là nghề truyền thống của cha ông sau này ngày càng bị thu hẹp, bởi với nghề này, người học cần đôi bàn tay khéo léo và sự kiên trì. Vì thế, ông Thường cố gắng giữ nghiệp bằng cách truyền lại cho các con và khuyến khích lớp trẻ trong làng theo nghề.

Cũng như ông Thường, những người thợ may làng Trạch Xá đã và đang dùng tình yêu, sự nhiệt huyết thổi hồn vào mỗi chiếc áo để khi nhắc tới áo dài, người ta sẽ nhớ ngay tới địa danh Trạch Xá.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh