THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:44

Lãng mạn cùng đảo xa

.

Tôi hào hứng mong chờ ngày mới để được hiên ngang đứng chào cờ ở cây cột cờ đầy ý nghĩa này. 4 giờ 30 sáng, một cán bộ ở Ban Chỉ huy Quân sư, huyện Lý Sơn chở tôi từ trung tâm lên đỉnh Thới Lới để đón mặt trời mọc. Hành trình bắt đầu từ lúc trời vẫn đang tối sầm đến khi lên được đến đỉnh núi để đón những tia nắng đầu tiên của ngày cũng là chặng đường quanh co và con dốc cheo leo, thẳng đứng.

Lá cờ tung bay phần phật trong ánh nắng ban mai và trời vẫn còn tờ mờ sương giữa mênh mông biển đảo. Đây có lẽ là hình ảnh ấn tượng nhất mà tôi cảm nhận được từ lúc đặt chân lên đây. Cảm xúc thiêng liêng dâng trào khi nhìn về quốc kỳ và đứng nghiêm chào cờ và miệng thầm hát quốc ca. Những chiến sĩ ở đại đội pháo mặt đất đã bắt đầu ngày huấn luyện của mình bằng chuyến hành quân sớm. Trọng trách bảo vệ biển đảo đặt trên vai họ. Các sĩ quan ở đây kể rằng, bây giờ đang mùa hạ, sóng bình yên. Nhưng đến những ngày giáp Tết, gió mùa đông bắc cấp 6, cấp 7, biển lồng lộn hung dữ. Nhưng với người lính, sóng gió với họ là chuyện thường ngày. Bão tố càng làm họ thêm gắn bó với đơn vị, xứng danh "mắt đảo" giữa trùng khơi.


Từ đỉnh Thới Lới, tôi có thể nhìn thấy huyện đảo Lý Sơn đang dần dần tỉnh giấc. Tiếng gà gáy vang vọng từ khắp phía báo hiệu ngày mới. Khung cảnh thơ mộng và lãng mạn. Những cánh đồng hành, tỏi đang được phun tưới bằng những hệ thống tưới tiêu tự động. Những vườn rau tăng gia xanh ngắt của bộ đội và doanh trại khang trang tươi màu ngói đỏ. Đã có lác đác người đi dạo trên những bãi cát trắng đầy sỏi san hô. Đằng xa kia, cảng Lý Sơn đã bắt đầu tấp nập tàu thuyền và các hoạt động buôn bán. Tôi lặng người ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ của hòn đảo này một lần cuối trước khi xuống núi để khắc sâu hình ảnh "Tổ quốc nhìn từ biển" vào trong trái tim mình.

Đến đảo Nhơn Châu, Quy Nhơn (Bình Định) khi đã về chiều và mệt lử nên tôi không kịp khám phá hòn đảo thơ mộng. 5 giờ sáng, Chính trị viên Đại đội hỗn hợp Đ30 (Bộ CHQS tỉnh Bình Định) Bùi Quốc Tuấn rủ ra bến: "Chị sẽ thấy ở đây hay lắm". Bộ đội đã quá quen thuộc với người dân nơi đây nên đi đâu cũng nghe tiếng chào hỏi ríu ran. Sóng biển xanh rì rào vỗ nhẹ. Bờ kè vững chãi với hàng ngàn tảng bê-tông xếp lớp trên cầu cảng như thách thức thời gian. Những chiếc thúng của ngư dân sau một ngày đi câu bắt đầu vào bến. Ngước về phía tây, ngọn Hải đăng Nhơn Châu cao hơn 100m sừng sững trên biển và cột cờ Tổ quốc cao 22,66m, lá cờ rộng 24m2 như điểm nhấn thẩm mỹ cho bức tranh Nhơn Châu thêm hùng vĩ.

Nhơn Châu (hay còn gọi là Cù Lao Xanh) cách thành phố Quy Nhơn 24 km, có dân số hơn 2.000 người. Vì là xã đảo nên địa phương không có đất để sản xuất nông nghiệp, cũng không có các nhà máy, xí nghiệp. Người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt và chế biến hải sản, phụ nữ chủ yếu vá lưới, phụ gỡ cá và nội trợ trong gia đình nên cuộc sống rất bấp bênh.  "Chợ" được họp ngay trên bến. Mỗi người bán chỉ vài mớ rau xanh, dăm ba cân củ quả. Rau xanh ở đây cực hiếm và đắt đỏ. Không có cá lớn như các vùng biển khác mà chỉ là cá cơm, cá nục. Có thúng gỡ mãi cả chục sải lưới mà chẳng có con nào. Cá thì ít nhưng mực khá dồi dào. Mực nháy có nơi còn gọi là mực nhảy còn nguyên độ tươi với những tia phản quang, thấy rõ màu tím trên mắt, trên thân mình các con mực lớn nhỏ cứ nhấp nháy lên lấp lánh như những ánh sao. Những rổ mực tươi rói nhìn vào là thấy mê. Tuấn bảo: "Để em mua một ít đem đến quán ngay tại đây, làm bánh xèo mực sẽ rất ngon". Buổi sáng khách ăn khá đông. Bà chủ tay năm, tay mười mà vẫn không kịp. Thấy bộ đội, bà cười thật tươi và nhanh chóng giải quyết hết số mực làm "nhưn" cho bánh xèo. Rau rất ít, chúng tôi phải ăn nhin nhín nhưng thấy sao ngon lạ lùng. Có lẽ đây là bữa bánh xèo đặc biệt nhất.

Tàu rời bến, để lại Nhơn Châu bình dị mà thân thiết. Màu quân phục và bàn tay vẫy chào của những người lính Đ30 kiên cường. Nhớ quá. Mong một ngày trở lại Nhơn Châu ơi!

G.S

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh