THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:34

Làng khoa bảng xứ Đoài

 

Cổng làng.

 

Ngôi làng của các đại khoa, tiến sĩ

Theo thần phả ghi trong Văn chỉ làng, Hương Ngải được hình thành thế kỷ thứ 3 sau công nguyên. Trước kia Hương Ngải có 4 thôn, dân ở đây quen gọi là nậu: Nậu Thượng, Nậu Hạ, Nậu Trung, Nậu Tư. Người Hương Ngải còn có truyền thống khoa bảng, trở thành đất học nổi tiếng, được truyền tụng: “Kẻ Ngái ông Nghè như lá tre”.

Bia Hương Hiền dựng tại Văn chỉ làng Hương Ngải năm 1857 và 20 bản gia phả, tộc phả các dòng họ ghi lại: Thời phong kiến, làng có 6 vị đỗ Đại khoa, trong đó 2 người đỗ Thái học sinh dưới triều Lý đều họ Liêu là: Liêu Hữu Chương và Liêu Tiến Quang, 4 người đỗ Tiến sĩ: Đỗ Hịch, Phí Thạc, Đỗ Thê và Nguyễn Đăng Huân; ngoài ra còn có 53 vị đỗ Trung khoa. Điển hình như dòng họ Đỗ, 8 đời nối tiếp nhau đỗ đạt. Họ Vương cũng trải mấy đời liền đỗ Trung khoa đều được lưu tại bia Trung Khoa trong Văn chỉ của làng. Lại có người đi thi đỗ đạt ở tuổi 19 như cụ Nguyễn Tiến Thiện đỗ đầu thi Hương, cụ Vũ Đăng Giai đỗ Hương cống, cụ Cấn Kỳ nổi tiếng hay chữ được dân trong vùng suy tôn là “Sơn Tây tứ kiệt” (4 người hay chữ nhất vùng Sơn Tây)...Sang đến thời cận đại, làng có một tài năng nổi trội là lương y, nhà văn Nguyễn Tử Siêu (1887 - 1965). Danh nhân Nguyễn Tử Siêu xuất thân trong một gia đình nho học, thân sinh đỗ cử nhân, anh trai ruột đỗ tú tài Hán học, bản thân ông đã qua tam trường vào năm cuối chế độ thi cử cũ và chuyển sang thi cử bằng quốc văn.

Sinh thời, danh nhân Nguyễn Tử Siêu viết văn, dạy học và làm nghề đông y. Cụ đã để lại 43 tác phẩm, gồm 71 cuốn với nhiều thể loại. Về viết văn, cụ chuyên viết về lịch sử, tiểu thuyết; trong thời gian 20 năm (1925 - 1945) đã xuất bản hơn 20 cuốn với nội dung cổ vũ lòng yêu nước, chống cường quyền ngoại xâm, tiêu biểu như cuốn “Tiếng sấm đêm đông”, “Hai Bà đánh giặc”, “Vua Bà Triệu”, “Vua Bố Cái”, “Đinh Tiên Hoàng”, “Việt Thanh chiến sử”, “Trần Nguyên chiến kỷ”... Nhiều tiểu thuyết của cụ khi ra đời đã ảnh hưởng tích cực đến phong trào yêu nước, nên bị chính quyền thực dân cấm lưu hành. Ngoài công việc viết văn, viết và dịch sách đông y, dược học và hành nghề đông y, ông từng tham gia Chủ tịch mặt trận Liên Việt tỉnh Sơn Tây, Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Sơn Tây, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Đông y Việt Nam khóa 1 và 2 (1957 - 1965). Để ghi nhận những đóng góp của ông cho nền văn học, y học nước nhà, tên tuổi của ông được ghi vào sách “Từ điển các nhân vật lịch sử Việt Nam”, do NXB Khoa học Xã hội xuất bản năm 1992.

 

Văn bia ghi tên các đại khoa, tiến sĩ của làng.

 

Biểu tượng cho truyền thống hiếu học làng Hương Ngải chính là quán Nghinh Hương ở đầu làng, được xây dựng khoảng đầu thế kỷ XI. Đây là nơi các sĩ tử Hương Ngải đến học tập, ôn luyện thi cử, cũng là nơi dân làng đón tân khoa đỗ đạt vinh quy bái tổ. Nghinh Hương quán được xây dựng bởi chính bàn tay khéo léo của người thợ mộc Hương Ngải với những tinh hoa độc đáo của nghệ thuật kiến trúc truyền thống. 4 mặt Nghinh Hương quán để trống với 4 mái đao cong hình thuyền, bên ngoài trồng 7 cây đa cổ thụ ứng với 7 ngôi sao trong chòm sao Bắc Đẩu, bên trong dựng 4 cột đá xanh vững chãi và 16 cột gỗ theo lối kiến trúc “Nhất biến tam, tam biến cửu”, thể hiện mong ước phát triển không ngừng cho hậu thế.

Truyền thống hiếu học

Ông Nguyễn Trần Vượng, Chủ tịch UBND xã Hương Ngải cho biết, những năm 1730, hương ước của làng đã ghi rõ: "Trẻ em trong làng lên 6 tuổi phải đến trường học. Những trẻ nhỏ thông minh nhưng nhà nghèo không theo học được thì làng sẽ cấp giấy bút cho đi học để thành tài"; "Hàng năm, đến kỳ bổ thuế dân, phải chiếu bổ lương cho thầy giáo dạy học trường làng"...

Theo ông Vượng, từ thời xa xưa đã có không ít dòng họ của làng duy trì khuyến học bằng học điền như: Họ Nguyễn Đỗ Hữu dành riêng 2 mẫu 4 sào ruộng hỗ trợ cho người học. Dòng họ Nguyễn Ngọc có cụ Nguyễn Huy Suyền đã tự nguyện mua gần 4 sào xứ đồng Cửa Ác - vùng đất “bờ xôi ruộng mật” để môn sinh của mình lần lượt thay nhau cày cấy hỗ trợ cho việc học. Cụ còn mua 3 mẫu ruộng   tốt làm học điền ủng hộ cho dòng họ Nguyễn Ngọc…

 

Văn chỉ làng Hương Ngải.

 

Ngày nay, truyền thống lo cho sự học của người dân vẫn được cấp ủy Đảng và chính quyền xã phát huy, thông qua các quỹ khuyến học tại địa phương. Hiện có 65% số gia đình ở Hương Ngải đạt tiêu chuẩn gia đình hiếu học. Không chỉ có quỹ khuyến học của xã, các trường học đều có quỹ khuyến học và phong trào xây dựng gia đình hiếu học được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Đó là chưa kể mỗi dòng họ, các hội, đoàn thể cũng có quỹ khuyến học riêng, trong các dịp giỗ họ, đều có quà động viên, tuyên dương các em học sinh, sinh viên có thành tích tốt trong học tập. Điển hình là các dòng họ Nguyễn Khắc, Nguyễn Hương, Nguyễn Hữu, Phí Đình, Nguyễn Ngọc, họ Cấn, họ Phí... Hương Ngải đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao.

Theo ông Nguyễn Trung Thúy, Ủy viên văn hóa xã Hương Ngải, nếu tính cả số người xa quê nhưng nguồn gốc con em Hương Ngải thì có tới gần 2.000 người có bằng đại học và trên đại học, trong đó có 2 phó giáo sư, hơn 30 tiến sĩ, phó tiến sĩ. Hằng năm, qua mùa thi tuyển, toàn xã Hương Ngải có từ 45 đến 50 em thi đỗ vào các trường đại học và gần 100 em theo học hệ cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Theo thống kê, xã có khoảng 4.400 người trong độ tuổi lao động, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt gần 40%. Cả xã có khoảng 700 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, Đài Loan, Algieria... Hiện tỷ lệ hộ nghèo ở xã  còn 2,8%.

Nhờ con đường học tập, vùng quê Hương Ngải còn vinh dự bởi có những người con trở thành giáo viên, nhà giáo ưu tú, thành những vị tướng lĩnh và các nhà quản lý như: Nhà giáo ưu tú Cấn Anh Sùng, Thiếu tướng Vũ Trí Đạo (tên thật là Nguyễn Hữu Chính), Thiếu tướng Phí Văn Hải (nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp, Phó tư lệnh Quân đoàn 21) và Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn (Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô)…

 

Nghinh Hương - Biểu tượng cho truyền thống hiếu học làng Hương Ngải.

 

Xã Hương Ngải đang chuyển mình trong phát triển kinh tế, xã hội, đời sống người dân không ngừng được nâng cao nhờ có trình độ học vấn và ham hiểu biết. Và đúng như ý nghĩa của bức đại tự do Vua Tự Đức ban tặng năm 1874 với 4 chữ: “Mỹ tục khả phong” (Phong tục tốt đẹp), truyền thống hiếu học, chịu khó vươn lên của quê hương Hương Ngải đang được những người con cần cù, giỏi giang ngày đêm vun đắp; đem tài năng của mình để đóng góp cho sự phát triển của quê hương và đất nước.

Xã Hương Ngải ngày nay có 2.105 hộ, có tới gần 10% số gia đình có người là giáo viên, xóm nào cũng có người học đại học. Nhiều gia đình có 1-2 đời có người làm nghề dạy học, trong đó có 15 gia đình có 2, 3 giáo viên, 5 gia đình có từ 4 giáo viên trở lên. Riêng gia đình bà Đỗ Thị Từ Tâm có truyền thống dạy học đã 5 đời, từ đời ông nội đến thế hệ cháu của bà Từ Tâm bây giờ. Hiện nhà bà có 8 người đang theo nghề giáo viên. Trên địa bàn Thạch Thất hiện nay có 86 ngôi trường, gần 80% số trường có con em Hương Ngải đứng trên bục  giảng; ở một số trường có 1/3 số giáo viên là người Hương Ngải.

 

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh