Làng cổ Đường Lâm ngày cuối năm
- Văn hóa - Giải trí
- 22:12 - 31/01/2019
Giữa bộn bề, nhộn nhịp của nhịp sống thị thành ngày cuối năm, ngôi làng cổ ở Sơn Tây có tuổi đời vài trăm năm tuổi trở về với những nét u tịch, trầm mặc vốn có
Những chiếc cổng gỗ cũ mòn, những bờ tường đá ong phủ đầy rêu phong hay cây đa hơn 300 tuổi đầu làng vẫn sừng sững đứng. Cảnh này cho thấy theo thời gian, có thể nhiều giá trị xưa bị mai một nhưng không dễ gì bị mất đi.
Không khí làng cổ Đường Lâm những ngày giáp Tết trở nên bình yên lạ thường
Nhịp sống yên bình chỉ có ở Đường Lâm ngày cuối năm
Trong những ngôi nhà cổ gần 300 năm, không khí Tết cũng rộn ràng vẫn vẫn giữ được những nét truyền thống. Nếp nhà thuần Việt 5 gian, 2 trái được làm hoàn toàn bằng gỗ vẫn giữ được nét cổ kính, thâm trầm. Hiên nhà với những cột, kèo được chạm khắc tinh xảo. Bên trong nhà, gian thờ ở gian chính giữa ngôi nhà với khám thờ, các vật thờ cúng được gia đình giữ vẹn nguyên. Không khó để bắt gặp hình ảnh những lu tương nếp bằng sành được bày biện ngay ngắn ngay trước nhà như một đặc trưng của làng cổ.
Những ngày giáp Tết, nhà nhà đều nô nức chuẩn bị những mẻ chè lam, kẹo lạc, kẹo dồi chó, bỏng gạo mới. Tất cả đều được làm thủ công bằng tay với những nguyên liệu thuần chất do chính người dân làm ra. Đó là gạo nếp, gạo tẻ, là mạch nha, gừng cay... Những thứ tưởng chừng có thể bắt gặp ở bất cứ làng quê nào nhưng ở Đường Lâm, qua bàn tay của người dân chúng trở thành những đặc sản mà khách phương xa đến, đều thích thú.
Các địa danh như: đình Mông Phụ, chùa Mía, đền bà chúa Mía, lăng Ngô Quyền và đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng...là không gian văn hóa độc đáo của người dân Đường Lâm. Qua bao nhiêu năm tháng thăng trầm cùng lịch sử, những di tích ấy vẫn còn được giữ lại khá vẹn nguyên những nét văn hóa đậm nét xứ Đoài.
Giữ bộn bề phố thị tấp nập, làng cổ Đường Lâm vẫn giữ được không gian yên bình hiếm có