CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:15

Làng chăm trẻ khuyết tật “3 trong 1” giữa lòng Thủ đô

Lớp học tại làng trẻ  Hòa Bình - Thanh Xuân. 

Làng trẻ Hòa Bình nằm ở quận Thanh Xuân, Hà Nội được biết đến là một trong những làng chăm sóc trẻ khuyết tật, hầu hết là trẻ chậm phát triển trí não do ảnh hưởng chất độc da cam. Thành lập từ năm 1991, đến nay làng trẻ Hòa Bình- Thanh Xuân (Hà Nội) đã phục hồi về vận động, phổ cập tiểu học, dạy nghề cho hơn 4000 lượt trẻ qua các chức năng như: Chăm sóc sức khỏe sử dụng vật lý trị liệu; giáo dục cơ bản cho trẻ em; hướng nghiệp trẻ tàn tật tới một số loại hình nghề nghiệp như may, thêu, dệt, khâu, đẽo đá, tin học; chăm sóc trẻ em sử dụng các phương tiện đặc biệt.

Khác với nhiều làng trẻ khác chỉ tập trung việc chăm nuôi trẻ em, làng trẻ Hòa Bình là một nơi tổng hợp được môi trường giáo dục vừa là gia đình, nhà trường, bệnh viện. Vì vậy, khác với những lớp học thông thường khi chỉ phục vụ, chăm sóc, lo từng bữa cơm cho cháu khuyết tật, các giáo viên ở đây còn kiêm luôn việc giảng dạy, khám chữa bệnh cho các con hằng ngày.

Cô Bùi Thị Phương, một trong những giáo viên hơn 10 năm trong nghề tại làng trẻ Hòa Bình.

Hiện, ở làng Hòa Bình – Thanh Xuân có hơn cho hơn 100 nhân viên: Bao gồm giáo viên giáo dục đặc biệt, bác sĩ, điều dưỡng...chăm sóc, điều trị cho hơn 200 trẻ em khuyết tật. Tổ chức dạy học cho hơn 10 lớp, bao gồm: 2 lớp giáo dục đặc biệt, 2 phòng can thiệp cá nhân, lớp phục hồi chức năng sinh hoạt, lớp tiền học đường.... Theo đó, mỗi lớp từ 10 đến 15 cháu, các lớp đều được giáo dục phụ thuộc mức độ, nhu cầu, khả năng của từng trẻ.

Tuy nhiên, do đối tượng trẻ của làng chủ yếu thuộc diện đa dị tật nên việc quản lí cũng như chăm sóc, dạy dỗ các cháu cũng khiến các thầy cô giáo ở đây gặp muôn vàn khó khăn. “Học sinh ở đây có đủ độ tuổi. Cháu nhỏ nhất là một tuổi, lớn nhất đã ngoài 20 tuổi. Có những cháu hơn 20 tuổi nhưng vẫn không biết đọc, biết viết, đánh răng, rửa mặt, thậm chí không tự mình đi vệ sinh được”, cô Cô Bùi Thị Phương, một trong những giáo viên hơn 10 năm trong nghề tại làng cho biết.Và cứ thế, theo thường lệ, chị Phương cùng các giáo viên khác sẽ phải loay hoay thu xếp lần lượt xong núi công việc đó với các con từ sáng sớm cho đến chiều muộn.

Bạn Thu Hương (sinh năm 1987) đang học may tại làng trẻ.

Chia sẻ về những khó khăn tại đây, chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, đại diện làng trẻ Hòa Bình cho hay: ‘Vấn đề kêu gọi được tài trợ, các nhà hảo tâm,... tại làng trẻ chúng tôi rất yếu. Những sự chia sẻ giúp đỡ chủ yếu là do các đoàn khách biết đến thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Hiện, có những cơ sở vật chất trang bị từ năm 1991 đã xuống cấp khá nhiều, do đó làng trẻ cũng gặp không ít trở ngại trong việc phục vụ, chăm sóc, tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu không may mắn”.

Tuy nhiên, với mong muốn phần nào đó chia sẻ và an ủi các cháu tật nguyền và các gia đình, đội ngũ cán bộ nhân viên của Làng đã không quản ngày đêm, vượt khó khăn vất vả để chăm sóc, dạy dỗ và phục hồi chức năng cho các cháu. “Hy vọng số cháu được phục hồi trở về hoà nhập với gia đình và cộng đồng ngày càng nhiều hơn, nhất là đối với những cháu bị bại não, 2-3 năm sau có thể tự phục vụ được mình đang là ước mơ lớn không chỉ riêng các cháu mà đội ngũ các thầy cô giáo ở đây”, một nhân viên của làng chia sẻ.

Hẳn cũng vì tình yêu thương và sự quyết tâm đó mà suốt 24 năm nay làng đã trở thành ngôi nhà chung, mang lại sự bình yên, thắp lên niềm hy vọng sống cho hàng nghìn trẻ em bị nhiễm chất độc da cam. Qua 24 năm hoạt động, làng đã phục hồi hơn 4000 lượt trẻ về vận động, học phổ cập tiểu học, học nghề.

Chia sẻ với chúng tôi, đại diện lãnh đạo làng trẻ Hòa Bình – Thanh Xuân cũng mong muốn rằng, sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ hơn từ các nhà hảo tâm, để  có thể đầu tư, xây dựng, sửa sang bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất. 

"Là những người trực tiếp nuôi dạy các con, chỉ mong làm sao làng có thêm điều kiện giúp đỡ các em ngoài được phục hồi, hy vọng còn có thể học được cái nghề nào đó, thêm nghị lực vươn lên, hòa nhập và có ích với cộng đồng, xã hội", đại diện làng trẻ trăn trở.

Bài, ảnh: MAI PHƯƠNG/Lao động và xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh