THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:19

Làng Chăm mùa nước nổi

 

1. Tôi đã nhiều lần đến những làng Chăm ở xã An Phú, thị xã Tân Châu (An Giang) vào các thời điểm khác nhau, nhưng thấy thú vị nhất vẫn là vào mùa nước nổi. Du khách đến vào thời điểm này, được chiêm ngưỡng, khám phá tìm hiểu về kiến trúc độc đáo, đắc dụng của những ngôi nhà sàn “sống chung với lũ” từ bao đời nay của người Chăm. Đến với làng Chăm ở xã Châu Phong, du khách được trải nghiệm “sống chung với lũ” trong những ngôi nhà sàn có tuổi đời cả trăm năm,với nhiều cung bậc cảm xúc đầy hứng thú. Để có thể “sống chung với lũ”, các nhà sàn ở đây đều có sàn cao khoảng 2 m được đôn lên bởi hệ thống cột gỗ nguyên cây, bằng những loại gỗ thật tốt, đảm bảo độ bền chắc không bị mục, mọt khi ngâm trong mùa nước nổi. Đó thường là các loại gỗ quý như căm xe, cẩm lai, cà chất và đối với những chủ nhân giàu có thường dùng gỗ giáng hương. Kiến trúc nhà sàn Chăm An Giang có lại 4 gian và loại 5 gian, cũng có hai cửa cái ra vào và được thiết kế hơi thấp so với đầu người, giống như cửa cái nhà sàn của các dân tộc ít người vùng Tây Bắc, Việt Bắc. Đó là xuất phát từ quan niệm và có ý nghĩa khi người khách lạ đến nhà tất cả đều phải cúi đầu qua cửa cái, như thể để chào cái nhà và gia chủ cùng tổ tiên của gia chủ vậy.

Thánh đường Hồi giáo ở làng Chăm.

Quan sát kỹ, du khách sẽ nhận thấy, gỗ lót sàn cũng thể hiện sự giàu có hay bình dân của gia chủ của từng ngôi nhà sàn. Gia chủ bình dân thì dùng gỗ lót sàn bằng những loại gỗ ít tiền hơn những gia chủ giàu có, nhưng thường là loại gỗ đen, cẩm lai, thao lao. Đến thăm gia chủ nhà sàn Chăm, có một điều du khách đặc biệt phải lưu ý, đó là không được tự tiện bước qua cửa có tấm màn che được trang trí hoa văn rất đẹp, ngăn cách với gian ngoài ở phía trong (giống như phía “hậu cung” vậy). Theo quan niệm truyền thống của Hồi giáo, đây là khu vực hoàn toàn dành riêng cho phụ nữ sinh hoạt, không lẫn lộn với đàn ông.      

2.Trong những ngôi nhà sàn cổ kính ấy, từ lâu đời những người phụ nữ Chăm thường sống khép kín, chủ yếu ở trong nhà nội trợ và dệt thổ cẩm. Ngay từ khi còn nhỏ các cô gái Chăm đã được những bà mẹ chỉ dẫn truyền dạy cách xe chỉ, quay tơ, dệt thổ cẩm, nên khi trưởng thành họ đều dệt được thổ cẩm một cách thông thạo, nhuần nhuyễn. Nhờ nét đẹp văn hóagiáo dục truyền thống ấy mà ngày nay, khi đến với làng Chăm du khách sẽ được thỏa mãn với sở thích sở hữu những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu văn hóa Chăm truyền thống. Một trong những nơi dệt thổ cẩm nổi tiếng nhất của người Chăm, là làng Chăm ấp Phũm Xoài ở xã Châu Giang và xã Châu Phong.

Nhà sàn cổ của người Chăm.

Ai đến đây dù một lần cũng bị cuốn hút bởi vẻ đẹp vừa thùy mị,vừa nhẫn nại chăm chút từng đường tơ, mối dệt của những cô gái Chăm, tác giả của những tấm thổ cẩm tuyệt mỹ. Chị Mariya chủ cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Aly, chia sẻ: Thổ cẩm Chăm Châu Giang là sự kết hợp tinh tế nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, với những sản phẩm độc đáo có đường nét, hoa văn sắc sảo như xà rông, khăn choàng, áo khoác, nón... Ngày nay dù đã hòa nhập với cuộc sống hiện đại, nhưng phụ nữ Chăm vẫn luôn trung thành với những bộ trang phục truyền thống. Đó chính là chiếc xà-rông với hình ảnh rất đặc trưng không lẫn vào trang phục truyền thống của các dân tộc khác, mà hình ảnh ấn tượng là áo dài chỉ quá gối, rộng, cổ hình trái tim, được dệt hoa văn chìm rất công phu, độc đáo với những gam màu đầy biến hóa, đủ cả trắng, đen, xanh, đỏ, tím, vàng. Nhiều phụ nữ Chăm cho rằng, dù hội nhập vào xã hội hiện đại, nhưng những gì thuộc về văn hóa truyền thống thì rất cần thiết phải giữ gìn bảo tồn và phát huy.

Trước đây theo tập tục của Hồi giáo, tất cả phụ nữ Chăm đều mang chiếc mạng che mặt, không được tiếp xúc nhiều với cộng đồng ở bên ngoài, chỉ ở nhà quay tơ, dệt lụa và thổ cẩm. Bây giờ tập tục ấy đã được xóa bỏ, nên chiếc mạng che mặt được các phụ nữ  Chăm cách điệu và sáng tạo thêm thành chiếc khăn choàng, với những hoa văn sắc nét, tinh tế được thêu nổi, rua chìm thật công phu, làm tôn thêm vẻ đẹp e ấp vốn có của những thiếu nữ Chăm.

Du khách mua sắm trong của hàng thổ cẩm Chăm.

Mùa nước nổi cũng chính là mùa nông nhàn, nên hầu hết những người phụ nữ ở làng dệt thổ cẩm Chăm Châu Giang đều tập trung ngồi trước khung cửi, làm ra nhiều sản phẩm thổ cẩm đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách. Đến với làng dệt thổ cẩm Chăm du khách cả ta, lẫn tây đều cảm nhận được sự hiếu khách và sự chăm chỉ cần mẫn, năng động trong cách làm du lịch của những phụ nữ Chăm nơi đây. Biết tâm lý du khách dù rất yêu thích và muốn mua thổ cẩm Chăm, nhưng lại lo ngại mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng, nên họ đã bố trí những khung dệt thổ cẩm ngay tại cửa hàng của mình, để phục vụ nhu cầu của du khách. Chính nhờ cách làm năng động này, họ đã tạo được làng tin nơi du khách, nên sản phẩm của họ dệt ra đến đâu đều tiêu thụ hết. Cũng nhờ vậy mà du khách ngày càng tìm đến với làng dệt thổ cẩm Chăm Châu Giang đông hơn và mặn mà hơn với những sản phẩm do chính những phụ nữ Chăm xinh đẹp, hiền dịu tạo ra.

LƯƠNG ĐỊNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh