THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 07:47

Lan tỏa tấm lòng thiện nguyện

 

Quán cơm 1.000 đồng giữa lòng Hà Nội

Chỉ 1.000 đồng, những người có hoàn cảnh khó khăn, các bạn sinh viên nghèo sẽ được thưởng thức suất cơm ngon lành với đầy đủ các món tự chọn trong một quán ăn khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng giữa ngày đông lạnh giá của Thủ đô Hà Nội.

Những suất cơm từ thiện đặc biệt này nằm trong một quán ăn tại ngõ 120 đường Trần Bình (Hà Nội), phục vụ lao động nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vào trưa thứ 2 hàng tuần. Quán cơm có  đầy đủ các món ăn tự chọn và ngon, không thua kém bất kỳ quán cơm nào khác có giá từ 20.000 - 40.000 đồng tại Hà Nội và được rất nhiều người ủng hộ. Chi phí mua đồ ăn, trả lương nhân viên... được trích một phần từ thu nhập của quán và cá nhân chủ quán.

Quán cơm từ thiện chỉ 1.000 đồng/suất là địa chỉ quen thuộc của người nghèo.

 

“Không gian sạch, đẹp của nhà hàng, thậm chí chúng tôi còn phục vụ miễn phí những người có hoàn cảnh khó khăn khi không có tiền. Hoặc những người trong bệnh viện hay đang lao động không đến được  có thể nhờ những người đến đây mua về những suất cơm 1.000 đồng này cho họ", anh Nguyễn Anh Vũ, chủ quán cơm cho biết.

Nguyễn Minh Anh, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương chia sẻ: "Chúng em đến đây luôn cảm thấy thoải mái bởi tấm lòng thiện nguyện của chủ quán và nhân viên. Gia đình em có hoàn cảnh khó khăn, lên đây học chịu gánh nặng kinh tế rất lớn. Những suất ăn như thế này giúp chúng em rất nhiều và là động lực khiến chúng em phấn đấu nhiều hơn nữa".

Anh Nguyễn Văn Nam (quê Hà Nam) làm nghề xe ôm ở bến xe Mỹ Đình cho biết: “Hơn 1 năm trước tôi chở khách qua đây vô tình biết được quán này. Cơm rất ngon và sạch sẽ, nhân viên rất  nhiệt tình nên thứ 2 tuần nào tôi cũng đến đây ăn”.

Chị Hoàng Thị Mai (quê Hưng Yên) làm nghề bán hoa quả dạo cho biết, sáng sớm tinh mơ chị đã chở hoa đi bán, tối mịt mới về đến phòng trọ. Bữa trưa của chị thường là chiếc bánh mì. Từ khi biết quán cơm với giá chỉ 1.000 đồng, trưa thứ 2  hàng tuần, chị đều qua ăn. “Được ăn bữa cơm ngon, sạch và đầy đủ như thế này, tôi thấy mình thật may mắn và cảm động trước tấm lòng của chủ quán. Hy vọng có nhiều quán cơm như thế này để nhiều người biết đến", chị Mai cho hay.

 

Bát cháo ấm miễn phí lúc 0 giờ cho người vô gia cư

Thời tiết nóng, lạnh, mưa hay khô thì những thành viên của nhóm Từ thiện chung tay S vẫn tận tâm với bát cháo tình nghĩa dành cho người vô gia cư ở Hà Nội. Trong cái giá rét thấu xương, những bát cháo ấm lúc 0 giờ  càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Tặng cháo cho người vô gia cư trong đêm lạnh.

 

Từ 9 giờ tối, sau khi nhận đồ từ thiện của những tấm lòng hảo tâm tại nhà của một thành viên trong con ngõ nhỏ Bùi Ngọc Dương ( phường Thanh Nhàn, TP.Hà Nội), nhóm từ thiện chung tay S tập kết phân loại, nấu cháo và chuẩn bị những thứ cần thiết cho hành trình của đoàn. Ngoài những bát cháo ấm, đoàn tình nguyện còn dành những chai nước, thuốc men cho khoảng 100 người vô gia cư trên địa bàn TP. Hà Nội. Đây là công việc diễn ra hàng tuần của nhóm từ nhiều năm nay. Họ đi khắp các con phố, thân thuộc với người vô gia cư. Đoàn tình nguyện chia thành nhóm để đi hai cung đường khác nhau, để có thể tặng những bát cháo nóng, thuốc men, sữa, bánh mì. Không chỉ những người vô gia cư, nhóm còn tặng những lao động nghèo bát cháo ấm để họ ấm bụng làm việc trong đêm đông.

Những bát cháo nghi ngút khói xua đi cái lạnh, cái đói của những người vô gia cư. Thành viên của nhóm hầu hết là những bạn trẻ hoặc sinh viên hoặc đã đi làm đều chung tấm lòng thiện nguyện muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Một cụ chia sẻ :''Tôi quê ở Thanh Hóa mới ra Hà Nội bán tăm bông. Trời lạnh, chân lại đau mỏi nên tôi không đi được nhiều, bán được ít hàng. Đêm đến được các cháu biếu bát cháo, ít thuốc thật cảm động vô cùng".

Đi tặng bát cháo cho người vô gia, nhóm tình nguyện còn dành thời gian quan tâm, trò chuyện, chia sẻ với họ những khó khăn, vất vả. Thấy được những nụ cười trên gương mặt người vô gia cư luôn là niềm hành phúc, động lực cho đoàn tình nguyện tiếp tục phát triển những hoạt động ý nghĩa.

Anh Phạm Ngọc Thành (Hội phó Từ thiện chung tay S) chia sẻ: ''Nhóm đã hoạt động được 4 năm, những người vô gia cư trên các nẻo đường chúng tôi đều biết. Thời gian nào họ ở đâu, hoàn cảnh gia đình ra sao, đau ốm bệnh tất thế nào, tất cả các thành viên trong nhóm đều nắm rõ. Hoạt động tặng cháo người vô gia cư, lao động nghèo trong đêm được Hội tổ chức thường xuyên và đều đặn, bất kể mưa rét. Giáp Tết năm trước, trời mưa giá buốt nhưng anh em vẫn đi, khi đó người vô gia cư họ xúc động lắm. Có lẽ đó cũng là những kỷ niệm mà cả đoàn không bao giờ quên''.

Một thành viên của nhóm chia sẻ: ''Em mới tham gia hoạt động cùng với nhóm được 4 tháng. Thấy được những hoạt động ý nghĩa của nhóm được lan tỏa trên mạng xã hội nên em đã quyết định tham gia. Sau những chuyến đi này tự bản thân em thay đổi, sống có ý nghĩa hơn".

 

Tủ quần áo “cũ người, mới ta”…

Với khẩu hiệu: “Ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến lấy đi”, nhóm từ thiện gồm các bạn trẻ đã bỏ tiền túi để xây dựng tủ quần áo miễn phí dành cho người nghèo ở Hà Nội. Hành động đẹp của các bạn trẻ nhanh chóng được nhiều người ủng hộ. Đối với người nghèo được nhận những bộ quần áo ấm trong ngày đông càng thêm ý nghĩa. Tại địa điểm 97 Nguyễn Chí Thanh, một tủ quần áo được treo và gập ngăn nắp, gọn gàng với những chiếc áo khoác dạ, quần jean, quần áo rét của trẻ nhỏ cũng được đưa ra để những người nghèo lựa chọn. Không chỉ những người lớn tuổi, ngay cả những bạn sinh viên cũng đến để lựa cho mình những bộ đồ phù hợp.

Những tủ quần áo miễn phí này được nhiều người nghèo tìm đến.

 

Nguyễn Minh Tuấn, sinh viên Đại học Luật Hà Nội cho biết, em chọn được vài chiếc áo ấm từ tủ quần áo từ thiện này. “Đây là hành động vô cùng ý nghĩa, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của người Việt Nam. Những bộ quần áo vẫn còn đẹp và ấm của nhiều người không dùng đến nhưng với chúng em cũng như nhiều lao động nghèo thì vẫn còn giá trị. Em gửi lời cảm ơn tới các anh chị đã nghĩ ra ý tưởng này”, Tuấn chia sẻ.

Hoàng Thị Xuân (SN 1990, quê Hải Dương) người quản lý đồng thời cũng là người tiếp nhận những cuộc gọi khi có người muốn ủng hộ quần áo cho biết: “Nhóm chúng tôi có khoảng 10 người, đa số là những người đã đi làm. Trước đây chúng tôi có vận động để giúp đỡ đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, thấy nhiều quần áo còn mới, còn đẹp mà không biết đồng bào trên đó thích đồ gì, đồ nào họ mặc vừa, đồ nào không. Chính vì thế, chúng tôi lên ý tưởng làm các quầy hàng miễn phí này để giúp những người nghèo ở Hà Nội. Họ có thể đến đây tự chọn những món đồ mình thích và vừa vặn với bản thân mình. Với suy nghĩ đó tự mỗi thành viên bỏ tiền túi mùa đồ, đóng tủ và đã đi vào hoạt động”.

Không chỉ có vậy, Xuân cũng như những bạn trong nhóm đều có chung một suy nghĩ: “Khi còn sống hãy cố gắng làm nhiều việc thiện, việc tốt giúp đỡ mọi người. Đó cũng là cách tích đức cho con cháu sau này”. Chia sẻ về kinh phí, Xuân cho biết, thực tế chi phí để đóng tủ đựng quần áo như ở Nguyễn Chí Thanh chỉ khoảng 2,5 triệu đồng, với một người đó là khoản tiền lớn, vì thế nhóm quyết định chia theo đầu người, mỗi người vài trăm để có thể đóng được chiếc tủ đựng đồ đó. “Do chiếc tủ lớn, hơn nữa khi kéo đi kéo lại gây ảnh hưởng giao thông, nên hiện tại chúng tôi quyết định khóa cửa tủ và mua dây xích cố định luôn tại chỗ và sáng ra lại đến mở để người dân chọn đồ”, Xuân cho hay.

Nói về những khó khăn khi thực hiện ý tưởng này, Xuân cho biết: “Khó khăn nhất là địa điểm đặt tủ đồ. Vì không phải vỉa hè nào cũng đặt được, nếu đặt ở nơi có vỉa hè quá hẹp, người dân đứng chọn đồ đông sẽ gây tắc đường. Ngoài ra, kinh phí cũng như thời gian là vấn đề không ít trở ngại, vì các thành viên trong nhóm đa số là người mới đi làm và sinh viên nên kinh tế có hạn”.

Những hành động thiện nguyện của các bạn trẻ đã thắp lên niềm tin, tình yêu thương lan tỏa những hành động đẹp trong xã hội. Đâu đó trong mọi miền Tổ quốc vẫn có rất nhiều người cần sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh