Thúc đẩy hội nhập và quyền năng kinh tế của phụ nữ khu vực APEC
- Tây Y
- 02:13 - 21/09/2017
Thứ trưởng Đào Hồng Lan chủ trì buổi họp báo.
Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thông tin về Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 và tình hình thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội 9 tháng đầu năm do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức. Thứ trưởng Đào Hồng Lan chủ trì buổi họp báo.
Với chủ đề chính của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế năm 2017 là :“Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi”. Theo đó, chủ đề của Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế trong APEC 2017 sẽ có ý đóng góp vào nỗ lực chung của APEC, đồng thời, cũng tiếp tục triển khai các khuyến nghị của các Nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC năm 2016 về hội nhập hiệu quả kinh tế, tài chính và xã hội, nâng cao quyền năng của phụ nữ cũng như tiếp cận bình đẳng của họ nền giáo dục có chất lượng và các nguồn lực kinh tế. Và đặc biệt, đóng góp vào thực hiện các ưu tiên của APEC 2017 vì thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm. Những nỗ lực này cũng góp phần thúc đẩy trách nhiệm của APEC đối với vấn đề toàn cầu.
Diễn đàn phụ nữ và kinh tế trong APEC năm 2017 được tổ chức với 3 sự kiện chính:
Hội nghị Đối tác chính sách về Phụ nữ và Kinh tế APEC lần thứ 2, ngày 26-27/9/2017 (PPWE) (Hội nghị lần thứ nhất đã tổ chức tháng 5/2017): khoảng 160 đại biểu, họp kín cấp làm việc, cập nhật, thảo luận và thống nhất nội dung công tác hàng năm của Diễn đàn, hoàn thiện Văn kiện chính thức, Dự thảo Tuyên bố Bộ trưởng năm 2017 để trình lên các Bộ trưởng (tại Đối thoại cao cấp). Chủ trì: Lãnh đạo cấp Vụ.
Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC vào ngày 28/9/2017 (PPD WE): Sự kiện do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức; với hơn 500 đại biểu, họp mở rộng với sự tham dự đại diện Chính phủ và đông đảo khu vực tư nhân.
Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế, ngày 29/9/2017 (HLPD-WE): Là cuộc họp kín, thường niên để các Bộ trưởng 21 nền kinh tế thống nhất đưa ra Tuyên bố với những khuyến nghị chính sách thúc đẩy phụ nữ tham gia kinh tế trình lên Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo APEC 2017 vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng. 250 đại biểu tham dự gồm Bộ trưởng/Trưởng đoàn và đại biểu của 21 nền kinh tế APEC. Chủ trì Đối thoại là Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Ngoài các sự kiện chính thức trên, Diễn đàn sẽ có 8 sự kiện bên lề (gồm cả hội nghị, hội thảo chuyên đề, diễn đàn và sự kiện văn hóa).
Dự kiến Diễn đàn sẽ thông qua Tuyên bố Bộ trưởng về Phụ nữ và Kinh tế. Tuyên bố chung này sẽ đưa ra những khuyến nghị chính sách cho 21 nền kinh tế thành viên APEC về 3 nội dung ưu tiên lớn của năm 2017 với những nội dung trọng tâm là:
1. Thúc đẩy bình đẳng giới vì tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm;
2. Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ;
3. Thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực. Bản Tuyên bố này sau đó sẽ được trình lên các Nhà Lãnh đạo APEC tại Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng;
Sáng kiến của Việt Nam cho Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và kinh tế trong APEC và các sự kiện, đối thoại liên quan được các nền kinh tế nhất trí thông qua: Hướng dẫn lồng ghép giới trong APEC - văn kiện khuyến kích áp dụng đối với tất cả các Diễn đàn của APEC và tại các nền kinh tế thành viên; Xây dựng và duy trì bản tin định kỳ về phụ nữ và kinh tế trong năm đăng cai APEC 2017 và bổ sung vào kết quả đầu ra của Kế hoạch chiến lược PPWE giai đoạn 2015 - 2018 về trách nhiệm của nền kinh tế đăng cai đảm nhiệm công tác này;
Sự tham gia của khoảng hơn 500 đại biểu ở các sự kiện chính và bên lề là đại biểu đại diện khu vực công và tư, các CEO, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến từ 21 nền kinh tế APEC, Diễn đàn sẽ góp phần làm cho mối quan hệ đối tác giữa Chính phủ và khu vực tư nhân ngày càng khăng khít hơn. Khu vực tư nhân ngày càng có cơ hội được bày tỏ, chia sẻ về những khó khăn, thách thức, đề xuất nhu cầu, nguyện vọng lên Chính phủ. Đồng thời đây cũng là dịp để Chính phủ của các nền kinh tế APEC được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chung của khu vực tư nhân, cùng với khu vực tư nhân bàn cách tháo gỡ, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.
Diễn đàn cũng sẽ mang lại là cơ hội quảng bá, xúc tiến đầu tư quý báu cho Việt Nam. Đồng thời nâng cao vị thế của Viêt Nam, góp phần quảng bá về văn hóa, con người và du lịch Việt Nam thông qua thực hiện thành công về dấu ấn tổ chức, văn hóa dân tộc, ẩm thực và du lịch.
Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phụ nữ và kinh tế và hội nhập quốc tế đối với bộ ngành, cơ quan và khu vực tư nhân của Việt Nam tham gia Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và kinh tế trong APEC và các sự kiện liên quan.
Những kết quả đó sẽ góp phần tăng cường sự kết nối giữa các doanh nhân nữ APEC; tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa khu vực công và khu vực tư; tạo thêm các cơ hội cho các doanh nghiệp, doanh nhân nữ tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung - ứng của khu vực; thúc đẩy hơn nữa sự hội nhập và quyền năng kinh tế của phụ nữ khu vực APEC theo 5 trụ cột ưu tiên của APEC về:
1. Tiếp cận vốn và tài sản;
2. Tiếp cận thị trường;
3. Tăng cường kỹ năng, năng lực và sức khỏe;
4. Tăng cường sự lãnh đạo, tiếng nói và phát huy tiềm năng kinh doanh của phụ nữ; 5) Tăng cường đổi mới sáng tạo và tiến bộ công nghệ.