CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:19

APEC 2017: Thông qua khuôn khổ về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp- Trưởng ban tổ chức Đối thoại (giữa) và ông  Dong Sun Park - trưởng nhóm HRDWG (thứ 2, từ phải sang) chủ trì buổi họp báo


Phát biểu với báo giới ngay sau khi kết thúc Đối thoại, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp - trưởng nhóm HRDWG cho biết, tại đối thoại, đại diện các nền kinh tế APEC đã thông qua khuôn khổ APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Khuôn khổ đề xuất một nhóm các định hướng chính sách và biện pháp thích hợp, nhằm hỗ trợ cho các nền kinh tế trong việc chuẩn bị cho người LĐ tham gia thị trường việc làm đối phó với những cơ hội và thách thức việc làm hôm nay và về sau.

“Đối với những thách thức và cơ hội liên quan đến số hóa, quan trọng là APEC phải được sử dụng như một Diễn đàn khu vực để đối thoại chính sách và hợp tác về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thông tin.

Thứ trưởng cũng cho biết, Khuôn khổ này cũng bổ sung cho các sáng kiến hiện hành của APEC như: Chiến lược giáo dục APEC về cải cách nền giáo dục và góp phần vào nỗ lực toàn cầu, bao gồm cả sáng kiến của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về “Thế kỷ việc làm tương lai” và các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Đặc biệt là Mục tiêu 4 về đảm bảo giáo dục có chất lượng, hòa nhập, bình đẳng cho mọi người và thúc đẩy học tập suốt đời và Mục tiêu 8 về tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm, chia sẻ tương lai chung của khu vực chúng ta.

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp trả lời nhiều câu hỏi quan tâm của báo chí

 

Mục tiêu cụ thể của Khuôn khổ này nhằm cung cấp định hướng chính sách cấp cao tăng cường hợp tác khu vực về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; vạch ra các thách thức chung về chính sách phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh thay đổi công nghệ; xác định và tiến hành các hoạt động trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên nơi APEC có thể đóng góp giá trị bổ sung.

Các lĩnh vực và hoạt động ưu tiên như: tương lai việc làm trong kỷ nguyên số và hàm ý chính sách thị trường LĐ; GD&ĐT kỹ năng nghề; ASXH. Khung thời gian đề xuất để thực hiện Khuôn khổ này là từ năm 2017- 2025, sẽ được các Bộ trưởng phụ trách phát triển nguồn nhân lực đánh giá lại vào năm 2022.

Các đại diện 21 nền kinh tế đã thông qua Tuyên bố chung của đối thoại cao cấp về phát triển nguồn nhân lực của kỷ nguyên số.

Việc thực hiện các lĩnh vực và hành động ưu tiên của Tuyên bố chung này chủ yếu thông qua Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực và bổ trợ cho các Tuyên bố cấp bộ trưởng như: Tuyên bố cấp Bộ trưởng APEC về giáo dục thông qua tại Lima, Peru năm 2016 và Tuyên bố cấp Bộ trưởng về phát triển nguồn nhân lực thông qua tại Hà Nội năm 2014 bao gồm: Tăng cường hợp tác thông qua phối hợp, đại diện và đối thoại xã hội; khuyến khích sự kết nối và các sáng kiến khác của APEC; thúc đẩy sự kết nối với các nhóm công tác khác của APEC.

Cũng tại buổi họp, đại diện Nhóm công tác về Phát triển nguồn nhân lực APEC giải đáp nhiều câu hỏi của báo chí về những thách thức, cơ hội việc làm cho lực lượng lao động trong kỷ nguyên số, bài học kinh nghiệm được chia sẻ từ các nền kinh tế phát triển, giải pháp tăng năng suất lao động trong khu vực APEC.

 

 

Về những chia sẻ kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số hiện nay của các nền kinh tế phát triển trong cộng đồng APEC (như Mỹ, Nga, Nhật) tại Đối thoại, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, chẳng hạn như Nga đã đưa ra khá nhiều bản thảo, kế hoạch để tận dụng kỷ nguyên số.

“Trong phát biểu tham luận của mình, đại diện đến từ Nga cho biết nước này hiện tập trung vào 50 ngành nghề có nhu cầu cao nhất để tập trung đào tạo. Nước Nga thúc đẩy công tác thông tin thị trường để người lao động có thể nắm bắt được những ngành có nhu cầu tuyển dụng”, Thứ trưởng cho biết.

Tương tự, đại diện từ Hàn Quốc cho biết, xứ sở kim chi cũng tổ chức hệ thống thông tin khá tốt. Ví dụ, thông tin về những khó khăn của các sinh viên mới ra trường, những khó khăn của đối tượng người lao động cao tuổi được chú trọng. Qua đó, Chính phủ có những chính sách cụ thể và thiết thực như các quỹ bảo hiểm, chương trình đào tạo các kỹ năng mới.

Kết quả của Đối thoại và các sự kiện liên quan sẽ được báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng APEC và Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế vào tháng 11 tới, tổ chức tại TP. Đà Nẵng, Việt Nam. 

 

 

 

Ông Dong Sun Park - trưởng nhóm HRDWG: “Đây là lộ trình để đưa chúng ta tới tương lai”

 Cho biết các ưu tiên của nhóm phát triển nguồn nhân lực trong thực hiện Khuôn khổ đối thoại cấp cao vừa được thông qua, ông Dong Sun Park- trưởng nhóm HRDWG bày tỏ, để nói được hết về các ưu tiên này phải mất đến 1 ngày để liệt kê hết. Tổ chức tốt hơn thị trường LĐ, cần những đánh giá cụ thể hơn kỹ năng LĐ. Không chỉ Việt Nam mà các nước đều cần phải quan tâm chú trọng kỹ năng nghề trong kỷ nguyên số.

Vì số hóa tác động đến mọi tầng lớp lao động, và chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội cách mạng 4.0 đem lại, đồng thời cũng phải có những “giá đỡ” về an sinh xã hội. Chỉ có thể nói, đây là lộ trình để đưa chúng ta tới tương lai. Ít nhất với cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4 này, con đường đi tới tương lai ấy chắc chắn hơn với những hứa hẹn lớn, còn những sai lầm ở mức tối tiểu. Chúng tôi vừa thông qua và có một khuôn khổ như vậy. 

T.NHUNG - M.DŨNG - C.GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh