THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:59

Làm thế nào để phòng bệnh suyễn cho con?

 

Theo Bác sỹ Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng Khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.Hồ Chí Minh, bệnh suyễn chính là tình trạng viêm mạn tính đường thở, hậu quả của quá trình tương tác giữa cơ địa dị ứng với các yếu tố gây bệnh.

Bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 2 tư vấn về bệnh suyễn ở trẻ em

Hiện nay trên thế giới có khoảng 300 triệu người mắc bệnh suyễn, 25 vạn người chết do suyễn hằng năm. Ở nước ta, có khoảng 5% dân số bị bệnh suyễn.

Những triệu chứng của bệnh suyễn ở trẻ em là ho, khò khè, khó thở và nặng ngực. Các triệu chứng đó tái phát, về đêm gần sáng, thay đổi thời tiết, tiếp xúc với dị nguyên – yếu tố kích thích gây ra tình trạng dị ứng…

Suyễn là một căn bệnh viêm mạn tính nên cần nhiều thời gian để điều trị. Hiện nay chưa có thuốc để chữa trị dứt điểm mà chỉ để kiểm soát bệnh.

Cha mẹ  phải có kiến thức để bình tĩnh xử lý khi con lên cơn suyễn. Ảnh minh họa

Để phòng ngừa và điều trị suyễn cần cho trẻ tránh tiếp xúc với các yếu tố làm khởi phát cơn suyễn và dùng thuốc để điều trị. Yếu tố làm khởi phát cơn suyễn đó là dị nguyên. Dị nguyên trong nhà chính là con mạt nhà, các bậc cha mẹ cần thường xuyên giặt vật dùng nhồi bông, hút bụi… Súc vật có lông như chó, mèo, gà, vịt…không được nuôi trong nhà và loài gián cần được diệt sạch, không để thức ăn cũ, thừa cho loài gián tìm đến ăn trú ngụ, phát triển.

Dị nguyên ngoài nhà có phấn hoa, các bậc cha mẹ tránh cho con ra ngoài nhiều vào mùa có phấn hoa, cho trẻ đeo khẩu trang để phòng tránh.

Yếu tố thứ hai làm khởi phát cơn suyễn đó là ô nhiễm môi trường. Môi trường trong nhà như khói thuốc; khói nấu bếp từ than củi, rơm, rạ; hóa chất diệt côn trùng như thuốc xịt muỗi, nhang trừ muỗi… Môi trường ngoài nhà như khói xe, khói nhà máy, khói bụi đường.

Yếu tố thứ ba làm trẻ khởi phát cơn suyễn đó là thực phẩm hải sản, bò, gà, trứng…và chất phụ gia có trong thực phẩm chế biến sẵn.

Yếu tố thứ tư đó là trong một số thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau Aspirin, Ibuprophen…có thể làm trẻ khởi phát cơn suyễn.

Yếu tố cuối cùng là trẻ bị nhiễm trùng hay nhiễm siêu vi đường hô hấp. Một số bệnh lý khác như trào ngược dạ dày thực quản, viêm xoang…

Rất đông phụ huynh đưa con đến tìm hiểu về bệnh suyễn

Tùy theo chỉ định của bác sỹ mà trẻ dùng thuốc dự phòng điều trị suyễn liên tục mỗi ngày trong nhiều tháng, nhiều năm. Không tự ý ngưng thuốc hoặc giảm liều khi không có chỉ định của bác sỹ.

Bác sỹ Phong đưa ra lời khuyên: “Khi trẻ có yếu tố khởi phát lên cơn suyễn, cha mẹ nên bình tĩnh và hãy giữ trẻ nguyên tư thế thẳng người. Cho trẻ hít thuốc cắt cơn suyễn theo đơn. Nếu trẻ vẫn còn triệu chứng hãy đưa trẻ đến bệnh viện hoặc phòng khám để được chữa trị kịp thời”.

Bình Nghi/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh