CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 10:12

Bệnh viện Nhi đồng 2 trở thành di tích

 

Bệnh viện có hàng me cổ thụ đẹp nhất VN
Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 tọa lạc trên một khu đất cao với diện tích 8,6 ha, giáp bốn mặt tiền đường: Lý Tự Trọng, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Du và Hai Bà Trưng (Q.1). Bệnh viện có vị trí đẹp và gắn liền với quá trình phát triển của thành phố.
Tài liệu của Trung tâm bảo tồn di tích (Sở VH-TT TP.HCM) ghi các mốc thời gian cụ thể: Tháng 2.1859, quân viễn chinh Pháp đánh chiếm Sài Gòn thì đến năm 1868 một cơ sở y tế của quân đội Pháp bắt đầu được xây dựng, gọi là Y viện Hải quân được đặt tại vị trí khu đất BV Nhi đồng 2 ngày nay, với mục đích phục vụ quân nhân trong cuộc chiến ở Đông Dương của người Pháp, chỉ nhận bệnh nhân là dân thường từ năm 1873. Qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, nơi đây đã lần lượt mang tên là BV Quân y, BV Grall, BV Đồn Đất và nhân dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6.1978 được chính thức mang tên BV Nhi đồng 2 cho đến nay. Đây từng là nơi làm việc của nhiều bác sĩ nổi tiếng của thế giới và VN như: Albert Calmette, Alexandre Yersin, Trần Đông A, Nguyễn Văn Bôn…
Buổi đầu hình thành, nơi đây chỉ có những công trình được làm bằng vật liệu nhẹ như gỗ, ván… Năm 1876, BV (lúc này gọi là nhà thương) được xây dựng lại theo mô hình kiến trúc như BV quân y ở các nước thuộc địa của Pháp với vườn rộng, nhiều cây cối đan xen các tòa nhà cổ kính, nhà nguyện. Đây là các dãy nhà thấp tầng, mái lợp ngói, phòng ốc xuyên thông, trang trí đơn giản, nhiều cửa sổ gỗ dạng vòm, lá sách; hành lang thông thoáng phù hợp với công năng sử dụng và miền khí hậu nhiệt đới. Đặc biệt là các vật liệu như ốc vít, dầm sắt, gạch… chủ yếu vận chuyển từ Pháp sang kết hợp với vật liệu bản địa. TS-BS Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc BV Nhi đồng 2, cho biết: “Đây là công trình có lối kiến trúc đặc thù, các phòng khi mở cửa ra hành lang đều mát mẻ, thông thoáng”.
Trải qua gần 150 năm, công trình đã nhiều lần sửa chữa, cải tạo nội thất nhưng vẫn giữ được đường nét kiến trúc ban đầu, ghi dấu một trào lưu kiến trúc Đông Dương ở Sài Gòn, kết hợp cả phong cách kiến trúc bản địa lẫn kiến trúc Pháp những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Đây không chỉ là một BV phục vụ xã hội mà còn là quần thể kiến trúc nghệ thuật tạo nên vẻ đẹp của cảnh quan đô thị, hài hòa với không gian kiến trúc chung của khu vực, là loại hình BV kết hợp với công viên rất độc đáo. Đặc biệt hàng cây gần 100 cây me (cách nhau đúng 3 m) trong khuôn viên BV được xem là hàng cây me cổ thụ đẹp nhất VN.
Bảo tồn như thế nào ?
TS-BS Hà Mạnh Tuấn nhận xét: “So với trường trung học xưa nhất Sài Gòn cũng được xếp hạng di tích nghệ thuật lần này - Trường Lê Quý Đôn - thì mức độ sử dụng hao mòn ở BV nhiều hơn do số lượng bệnh nhân rất đông, mỗi ngày có tới hàng ngàn lượt bệnh nhân và người thân ra vào BV. Tuy nhiên chúng tôi vẫn ý thức rằng phải cố gắng gìn giữ, bảo quản kiến trúc của BV vì đây là một tài sản vô giá của Sài Gòn - TP.HCM”.
Bệnh viện ngày xưa. 
Khuôn viên từ vị trí nhà nguyện, phòng ban giám đốc, dãy nhà B 12 - 13 - 14 ra đến khu vực đường Lý Tự Trọng của BV đã được khoanh vùng bảo tồn. Hiện tại, theo quan sát của chúng tôi, khu vực này được giữ gìn về cảnh quan, đường đi, cây xanh. Cũng theo TS-BS Hà Mạnh Tuấn, toàn bộ kiến trúc, màu sơn cổng chính phía trước vẫn giữ nguyên như từ khi xây dựng đến nay. Những hàng cây me, xà cừ xung quanh BV hằng năm đều được cắt tỉa gọn gàng để tránh ngã đổ vào mùa mưa, chứ không đốn, chặt. “Chúng tôi đang có ý định xin kinh phí để trùng tu lại nhà nguyện và phòng làm việc của ban giám đốc vì hiện nay đang bị xuống cấp nặng. Phần tường gạch nung không có bê tông, cốt sắt trải qua mưa nắng cả trăm năm nên bị nứt nẻ khá nhiều, nhất là một số khu vực đang bị sụp, lún rất nguy hiểm. Tuy nhiên, vẫn phải chờ ý kiến xem xét từ Sở VH-TT TP.HCM…”, TS-BS Hà Mạnh Tuấn cho biết.
Kiến trúc sư Thái Ngọc Hùng (Hội Kiến trúc sư TP.HCM) băn khoăn: “Trước đây, có lúc chúng ta định đập một phần BV Nhi đồng 2 để xây BV cao tầng mới nhưng rất may do dư luận lên tiếng dữ dội nên đề án đã dừng lại. Việc giữ lại một công trình kiến trúc cổ như thế này là điều tốt cho TP.HCM vì hiện nay những BV xưa cũ của thành phố không còn nhiều. Tuy nhiên, theo tôi phải làm sao để BV có cơ hội phát huy giá trị của một di tích, vừa bảo đảm công năng sử dụng phù hợp với thực tế và nhu cầu. Ở các nước châu Âu, việc giữ lại di tích nhưng thay đổi công năng bên trong, tạo ra vốn đầu tư và kinh phí lớn để tôn tạo mà không cần nhà nước đầu tư người ta đã làm từ lâu rồi, rất tiếc điều này ở ta vẫn còn khá mới mẻ”.
Ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích (Sở VH-TT TP.HCM), khẳng định: “Đối với các hạng mục nằm trong khu vực được bảo tồn, mọi vấn đề sửa chữa đều phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan chức năng. Tuy nhiên chúng tôi không bảo tồn hết toàn bộ BV mà chỉ bảo tồn một khu vực còn giá trị nhất. Nếu BV muốn đầu tư xây dựng bên ngoài khu vực bảo tồn để phục vụ nhu cầu điều trị của bệnh nhân vẫn được cho phép nếu công trình mới không ảnh hưởng đến việc bảo tồn và hài hòa với khu vực cần phải bảo tồn”.

 

Một số bệnh viện được công nhận là di tích
- Khu trại giam trong BV Chợ Quán (nay là BV Bệnh nhiệt đới), nơi nhà cách mạng Trần Phú bị thực dân giam giữ và đã hy sinh tại đây, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
- BV Lộc Ninh (Bình Phước) được người Pháp xây dựng từ năm 1936 được công nhận là di tích cấp tỉnh.
- “San” A7 của Nhà thương Phủ Doãn (nay là phòng thư viện và phòng hồ sơ của BV Việt Đức, Hà Nội), nơi diễn ra cuộc vượt ngục của 7 tù chính trị cộng sản, trong đó có nhà cách mạng Nguyễn Lương Bằng, được công nhận là di tích cách mạng kháng chiến của thủ đô.

Báo Thanh niên

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh