Làm thế nào để mỗi đứa trẻ được phát triển toàn diện, cân bằng, tự nhiên và có chiều sâu?
- Dược liệu
- 21:56 - 27/11/2023
Chiều 26/11, tại Hà Nội, Tổ chức Giáo dục IEG Global tổ chức Hội thảo “Cỗ máy chuẩn hóa hay đưa trẻ thành nhân?” dưới sự dẫn dắt của TS. Nguyễn Chí Hiếu cùng các diễn giả là các bạn học sinh THCS, THPT có hành trình truyền cảm hứng trong lĩnh vực giáo dục.
Không khó khi giờ đây, ở mọi phương tiện truyền thông chúng ta dễ dàng bắt gặp những học sinh tiểu học luyện thi các chứng chỉ quốc tế, học những công thức rập khuôn, máy móc và tham gia rất nhiều kỳ thi chuẩn hóa khi độ tuổi còn rất sớm. Hay không ít học sinh từ Tiểu học đến THCS luôn mang theo trên người những quyển sách photo của các đề thi KET – PET, IELTS rồi phiếu bài tập Tiếng Anh dày cộm với một bộ dạng thiếu sức sống. Các con đang bị ép chín, nhào nặn trở thành một hình mẫu học sinh theo tiêu chuẩn của gia đình, trường học và xã hội. Thậm chí những áp lực học tập, thi cử, điểm số dồn nén đó khiến các em luôn phải chạy đua theo thời gian để đáp ứng được mọi kỳ vọng của ba mẹ.
Trong khi đó, các bậc phụ huynh hiện nay với mong muốn con phải thật thành công, giỏi giang theo một thước đo nhất định nào đó của xã hội thì luôn lo lắng và đốt cháy giai đoạn phát triển, học tập của các con. Ba mẹ dường như đã quên mất đi một điều rằng: “Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, mang trong mình những tính cách và tiềm năng không hề hòa lẫn”. Cái kho tàng quý giá và tiềm năng thật sự trong mỗi đứa trẻ đó cần được đặt vào đúng môi trường và được khơi gợi, nuôi dưỡng, khích lệ từng chút từng chút một thì mỗi đứa trẻ mới có cơ hội phát huy hết mình.
Ba mẹ đã bao giờ tự hỏi: Với một đứa trẻ, điều con thực sự cần nhất có phải là điểm cao trên trường, giải thưởng quốc tế, huy chương vàng ngoài kia? Hay là ba mẹ và người làm giáo dục hoặc đang tác động đến con trẻ, chúng ta cần hành động như thế nào để giáo dục thật sự đi vào thực chất của con trẻ và mỗi đứa trẻ được phát triển một cách toàn diện, cân bằng, tự nhiên và có chiều sâu? Để từ đó, chúng ta có thể trả lại cho con trẻ sức sáng tạo không giới hạn và gieo thêm những ươm mầm đến từ sự hạnh phúc khi con tìm kiếm được động lực học tập thật sự.
Tại hội thảo "Cỗ máy chuẩn hóa hay đứa trẻ thành nhân?", TS. Nguyễn Chí Hiếu đã trực tiếp giải đáp những câu hỏi trên qua phần chia sẻ xung quanh ba nội dung chính: Ươm mầm sáng tạo và động lực học tập cho con; khai phá tiềm năng trong mỗi đứa trẻ; định hướng tương lai bền vững cho con.
TS. Nguyễn Chí Hiếu cũng chia sẻ câu chuyện của bản thân mình khi bắt đầu làm giáo dục từ 15 năm trước. Ban đầu ông nhận dạy, luyện thi các chứng chỉ quốc tế nhưng sau vài năm ông nhận ra những giải thưởng, huy chương, thành tích không trở thành động lực, không khiến nhiều học sinh của mình hạnh phúc. Bởi đó là mục tiêu của bố mẹ các em.
TS Nguyễn Chí Hiếu từng khuyên một học trò có một khoảng thời gian “tạm dừng” một năm để tìm hiểu cuộc sống xung quanh dù đã trúng tuyển đại học top đầu của Mỹ. Em học sinh này đã học và đạt được mọi thành tích mà bố mẹ đặt ra nhưng chỉ sống quanh quẩn ở nhà, trường, trung tâm luyện thi mà không được tìm hiểu, trải nghiệm thực tế. Ông cũng không nhận thấy động lực, khao khát khám phá, học tập ở em này.
Theo TS Nguyễn Chí Hiếu, mỗi đứa trẻ đều có năng lực trí tuệ tốt nếu người lớn biết khơi gợi, nuôi dưỡng và khích lệ đúng cách. Học sinh có thể đạt mục tiêu học tập dưới sự hỗ trợ của thầy cô, nếu đó là điều các con mong muốn.
Trong khi cha mẹ thường xác định mục tiêu, và áp đặt lên con cái mong muốn của mình mà không lắng nghe con mình. Chính vì thế, học sinh không có không gian, thời gian làm điều mình thích. Dần dần, cha mẹ và con cái mất kết nối, không thể trò chuyện với nhau.
TS Nguyễn Chí Hiếu khuyên các phụ huynh rằng, trẻ con ngày nay đang gồng gánh quá nhiều mục tiêu của người lớn. Phụ huynh hãy là người hỗ trợ cho các mục tiêu của con thay vì ép con theo đuổi mong muốn của mình. Thành tích chỉ một lát cắt rất nhỏ, không phản ánh toàn bộ con người một đứa trẻ. 12 năm phổ thông không có thành tích, giải thưởng cũng không sao, miễn là học sinh có năng lực tự học, tư duy độc lập, biết tự lo cho chính mình thì đó đã là thành công.
TS Nguyễn Chí Hiếu, Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Stanford, bằng MBA tại Đại học Oxford và bằng cử nhân ngành Kinh tế và Khoa học Chính trị tại Học viện Kinh tế và Chính trị London (LSE). Là một trong những du học sinh xuất sắc với nhiều thành tích và giải thưởng danh giá như top 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới (2006), tốt nghiệp thủ khoa LSE, thủ khoa MBA Đại học Oxford, 5 lần đạt giải thưởng dành cho giảng viên và trợ giảng xuất sắc của Đại học Stanford.
Anh cũng là người trực tiếp giảng dạy ở tất cả các khối lớp thuộc cấp tiểu học, trung học, ĐH, và cao học ở nhiều môn học và phân khúc trường học khác nhau. Với kinh nghiệm giảng dạy hơn 5.000 học sinh và đào tạo hơn 25.000 giáo viên.