CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:33

Làm sao giải quyết quyền lợi cho 59 ngàn lao động bị nợ 1.003 tỷ đồng bảo hiểm?

 

Theo đó, đến 30/9/2018 tổng số tiền nợ là 1.003 tỷ đồng với 59 ngàn lao động.

Hậu quả của việc này, theo Bảo hiểm xã hội, người lao động không được đảm bảo về quyền lợi do chưa được giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội kịp thời. Người lao động nghỉ hưu chưa được giải quyết chế độ hưu trí dẫn đến không có thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh gây nhiều bức xúc cho người lao động khi nghỉ việc.

Ngoài ra còn ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội, gây ra khiếu kiện kéo dài, đình công, tranh chấp .... Ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các pháp luật khác, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.

 

 

Theo báo cáo, hiện nay, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã cho phép các doanh nghiệp đang còn hoạt động chậm đóng các loại bảo hiểm trên có thể giải quyết quyền lợi cho những người lao động đủ điều kiện hưởng các bảo hiểm đó hoặc thôi việc, chuyển đơn vị; quy định về ưu tiên giải quyết các khoản tiền chậm đóng các loại bảo hiểm đó khi doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động.

Tuy nhiên, không phải là khoản thanh toán được ưu tiên đầu tiên (sau chi phí phá sản, nợ đảm bảo ngân hàng, nợ lương, trợ cấp thôi việc...). Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài bỏ trốn tài sản được thế chấp tại các ngân hàng, khi thanh lý tài sản sau khi trừ tiền nợ ngân hàng còn rất ít hoặc không còn để nộp tiền chậm đóng các loại bảo hiểm nên ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của người lao động như nêu trên.

Báo cáo cũng nêu rõ, theo quy định tại khoản 7 điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động.

Mặc dù, nội dung này đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự thảo trình Chính phủ để xử lý, nhưng cũng gặp vướng mắc về nguồn kinh phí để thực hiện, đảm bảo quyền lợi người lao động.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Bảo hiểm xã hội đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước mắt thống nhất phương án nguồn kinh phí từ số tiền phạt chậm đóng để đảm bảo quyền lợi người lao động.

Bảo hiểm xã hội cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về xử lý nội dung nêu trên, theo nguyên tắc bảo đảm quyền lợi người lao động.

Với Quốc hội, đề nghị của cơ quan gửi báo cáo là sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản số 51/2014/QH13 quy định thứ tự phân chia tài sản ưu tiên trả nợ lương, trợ cấp thôi việc, ba loại bảo hiểm nói trên đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết sau đó mới đến thanh toán khoản nợ bằng tài sản bảo đảm và các khoản nợ khác.

Ủng hộ những đề nghị này, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý nhấn mạnh, quyền lợi của 59 ngàn lao động đang ở cảnh bị nợ bảo hiểm như ở báo cáo đã và đang bị ảnh hưởng không nhỏ.

Việc quan trọng hơn chính là cần nhanh chóng sửa đổi, ban hành, hoàn thiện hành lang pháp lý theo như đề nghị của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để giải quyết vấn đề môt cách căn cơ. Đặc biệt Chính phủ cần nhanh chóng thực hiện quy định tại khoản 7 điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 để bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động. 

Theo Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh