THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:00

Làm sân khấu "tử tế": Cần “bàn tay” nâng đỡ

 

Xã hội hóa sân khấu, theo thời gian, cho thấy là một chủ trương đúng, mở ra cho nghệ sĩ cơ hội được tự do sáng tạo, phát huy tối đa khả năng đóng góp cho xã hội, đồng thời cũng đem đến cho họ những thách thức không nhỏ để tồn tại trong cơ chế thị trường.

Những “người hùng” cô đơn

Trong một xã hội mà dân trí chưa cao, lại bị thị trường thuận mua vừa bán chi phối, những người làm nghệ thuật với mục đích tôn vinh cái đẹp chân chính luôn vấp phải khó khăn về doanh thu. Khán giả đến với sân khấu, phần đông là muốn giải trí, muốn thỏa mãn điều ưa thích, cảm giác lạ… Ít ai đi xem kịch để tìm kiếm những bài học đạo đức, hình thành nhân cách. Những người làm nghề đều hiểu để có một tác phẩm nghệ thuật hay, vừa dung chứa tính thẩm mỹ cao vừa thỏa mãn được yếu tố giải trí và mang thông điệp giá trị nhân văn là điều không dễ nên buộc họ phải chọn lựa: hoặc chạy theo số đông để tồn tại hoặc chấp nhận sự thiệt thòi hầu neo giữ những giá trị chân chính. Điều đó lý giải vì sao Sân khấu Hồng Vân một thời hãnh diện với những vở kịch Bắc sâu sắc, những vở tâm lý nhẹ nhàng lại trở thành “cứ điểm” của kịch ma, kịch kinh dị; Kịch Sài Gòn, Nụ Cười Mới, Thế Giới Trẻ… nghiêng hẳn sang mảng kịch hài; Sân khấu IDECAF nhiều tâm huyết cũng phải nghĩ thêm những mảng miếng để giữ khán giả. Chỉ còn Sân khấu 5B, Hoàng Thái Thanh và mới đây là Hồng Hạc là đi chuyên dòng kịch chính luận, tâm lý, luôn muốn đặt con người trước những vấn đề phải nghĩ suy, phải đưa ra thái độ sống.

 

Liệu hình ảnh tươi vui của nghệ sĩ Sân khấu Hoàng Thái Thanh với khán giả mộ điệu trong ngày sinh nhật lần 7 của sân khấu này có được nối dài? (Ảnh do Sân khấu Hoàng Thái Thanh cung cấp)Liệu hình ảnh tươi vui của nghệ sĩ Sân khấu Hoàng Thái Thanh với khán giả mộ điệu trong ngày sinh nhật lần 7 của sân khấu này có được nối dài? (Ảnh do Sân khấu Hoàng Thái Thanh cung cấp).

 

Chọn con đường hẹp để đi, các sân khấu chuyên về chính luận, tâm lý chẳng khác nào như những “người hùng” cô đơn. Bởi nếu nói đến khó khăn về doanh thu, họ chính là người đứng “đầu sóng ngọn gió”, hứng chịu đầu tiên những “ngọn roi” của thị trường mà không được ai chia sẻ. Lời ăn lỗ chịu, trân mình trước những bài toán thu chi chỉ để giữ cho đường hướng nghệ thuật đã chọn được “vuông tròn”. Trên thương trường, các vở diễn có vẻ được cạnh tranh một cách bình đẳng nhưng nhìn ở góc độ văn hóa, lại là sự “bất công” đối với những vở thuộc dòng kịch kén người xem. Những chương trình thực hiện với mục đích giáo dục như đem các vở kịch lịch sử đến trường học để dạy học sinh về truyền thống giữ nước của Sân khấu IDECAF bao năm qua cũng chỉ làm một mình, không được ai hỗ trợ.

Mãi là “vô gia cư”

Điều “bất ngờ” là sau hơn 40 năm hòa bình, TP HCM hiện nay không có một cơ sở vật chất nào cho các đoàn nghệ thuật hoạt động. Nhà hát Hát bội sau nhiều năm lận đận, vừa được giao cho rạp Thủ Đô tối tăm, ẩm mốc. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (trên nền rạp Hưng Đạo cũ) mới xây xong 2 năm, chưa kịp bàn giao cho nhà hát, phải “đắp chăn” nằm chờ sửa chữa, không biết chừng nào mới hoạt động được.

Ở sân khấu kịch nói, trừ Nhà hát Kịch TP HCM, Nhà hát Sân khấu nhỏ TP HCM (còn gọi Sân khấu 5B), các sân khấu khác hiện nay đều là những kẻ “vô gia cư” vì tất cả đều phải đi thuê địa điểm để biểu diễn. Cơ sở vật chất của Nhà hát Kịch

TP HCM được xem là “sang” nhất vì tọa lạc ở đường Trần Hưng Đạo, trung tâm quận 1, nhưng từ lâu đã xuống cấp trầm trọng, mới đây, một mảng trần bị mục ở khu vực hóa trang rớt xuống gây thương tích cho nghệ sĩ Trường Sơn nên nhiều vở diễn phải chạy lánh nạn. Nhà hát 5B đóng cửa gần một năm nay và có lẽ còn phải chờ thêm khoảng 3 năm nữa, theo dự án xây mới lại toàn khu nhà Hội Sân khấu TP, nghĩa là trước mắt, nếu 5B dựng vở mới sẽ phải đi tìm thuê điểm diễn. Kịch Hồng Vân, Kịch IDECAF, Kịch Sài Gòn… là những thương hiệu có thâm niên ở nhà thuê “ổn định” trên dưới 20 năm; hầu hết những sân khấu còn lại như Hoàng Thái Thanh, Nụ Cười Mới, Trịnh Kim Chi… đều phập phồng chuyện chuyển nhà. Ở thời buổi lĩnh vực giải trí có nhiều cạnh tranh như hiện nay, tiền thuê nhà cũng là một gánh nặng kéo các sân khấu nghiêng về cán cân thương mại trong các vở diễn.

Muốn có hoa phải vun trồng

Văn hóa, nghệ thuật có tầm quan trọng trong việc xây dựng, hình thành nhân cách con người. Thế nhưng cho đến nay, sau hơn 40 năm, TP HCM không những không có thêm một công trình văn hóa nào đúng tầm cỡ mà ngược lại, hầu hết những cơ sở văn hóa như rạp hát, rạp chiếu phim có từ trước năm 1975 dần đã biến mất, chuyển đổi thành những trung tâm thương mại hoặc làm nhà kho, đẩy những người làm văn hóa thành những kẻ không nhà hát, đặc biệt là ngành sân khấu.

Đừng để những vở kịch có chất lượng nghệ thuật cao, đậm tính nhân văn phải tự bơi trong cuộc ganh đua ở thị trường. Không ai ngoài nhà nước có thể giơ bàn tay tiếp sức cho những người làm nghệ thuật chân chính trong lúc này. Đừng để những người nhiều tâm huyết trong việc “trồng người” như NSƯT Thành Hội đến lúc phải thốt lên “Hết tiền thì nghỉ!”. Lúc ấy, cái mất mát lớn nhất thuộc về công chúng mộ điệu, những người luôn khát khao những món ăn tinh thần có giá trị và còn thuộc về xã hội khi cái thiện bị lấn át bởi cái ác.

 

Nghệ thuật chân chính nuôi dưỡng tâm hồn

Trước những tin tức giết người cướp của diễn ra hằng ngày một cách dửng dưng, lạnh lùng, đã có những câu hỏi đặt ra rằng tại sao con người bây giờ lại mất nhân tính đến vậy? Câu trả lời không thể khác là vì sự giáo dục văn hóa, nền nghệ thuật chân chính đã bị sức mạnh vật chất và những thứ phù phiếm đẩy xuống thế yếu. Người làm nghệ thuật chân chính nói chung, sân khấu nói riêng, bị rơi vào thế cô lập, bị bao vây bởi muôn vàn sức công phá của các loại văn hóa, giải trí dễ dãi trên các sân khấu thương mại, trên truyền hình,...

Nhân cách con người không tự nhiên mà có, phải qua quá trình giáo dục dài lâu trong gia đình, nhà trường và được nuôi dưỡng bằng những món ăn tinh thần bổ ích qua văn hóa, nghệ thuật. Sách vở nói: “Con người là mối tổng hòa của xã hội”. Ông bà đúc kết dân dã hơn: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”... Muốn xã hội bớt tệ nạn, bớt chuyện chém giết,... phải chú trọng đến việc giáo dục, xây dựng nhân cách thông qua các tác phẩm nghệ thuật tốt.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh