Lâm nghiệp xuất siêu 7,2 tỷ USD
- Huyệt vị
- 02:07 - 02/07/2021
Trong đó, xuất khẩu gỗ các loại 1,76 tỷ USD, tăng 23,6%; xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 6,35 tỷ USD, tăng 75,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt 0,6 tỷ USD, tăng 72,9%. Cả năm 2020 đạt trên 16 tỷ USD.
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường nhập khẩu quan trọng của gỗ và lâm sản Việt Nam. Giá trị xuất khẩu lâm sản vào 5 thị trường này trong 6 tháng đầu năm ước trên 7,68 tỷ USD, khoảng 89% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Trong đó, Hoa Kỳ ước trên 5 tỷ USD, tăng trên 99% so với cùng kỳ năm 2020; Nhật Bản đạt 0,73 tỷ USD, tăng 11%; Trung Quốc đạt 0,82 tỷ USD, tăng 22,9%; EU ước đạt 0,68 tỷ USD, tăng 54%; Hàn Quốc ước đạt 0,76 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2021 ước trên 1,54 tỷ USD, tăng 39% so cùng kỳ. Trong đó: Nhập khẩu gỗ nguyên liệu 1,15 tỷ USD, tăng 10,8%; nhập khẩu sản phẩm gỗ 0,389 USD, tăng 476,1%.
Như vậy, trong 6 tháng năm 2021, ngành lâm sản xuất siêu 7,2 tỷ USD, tăng 67,4% so cùng kỳ năm 2020.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, việc khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc 6 tháng năm 2021 đạt 6,8 triệu m3, tương đương 32% kế hoạch năm 2021, bằng 114% so với cùng kỳ năm 2020.
Về trồng rừng, tính đến ngày 23/6/2021, cả nước đã trồng mới thêm 108.258 ha rừng, đạt 41,63% kế hoạch năm 2021, bằng 122% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, trồng rừng phòng hộ được 1.315 ha; trồng rừng sản xuất được 106.868 ha. Triển khai đề án trồng 1 tỷ cây xanh, đến thời điểm này cả nước đã trồng được 41,272 triệu cây phân tán, đạt 34,4% kế hoạch cả năm.
Quỹ Dịch vụ môi trường rừng đã thu được 1.421,65 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, đạt 51% kế hoạch thu năm, bằng 166% so với cùng kỳ năm 2020. Ước cả năm 2021 thu được 2.800 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, hoàn thành thanh toán nguồn tiền năm 2020 cho toàn bộ chủ rừng và tạm ứng nguồn tiền năm 2021 trước Tết Nguyên Đán 2022.
Theo ông Trị , công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm nóng về tình trạng phá rừng tại một số tỉnh như: Bắc Kạn, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Đắc Nông, Gia Lai. Nguyên nhân chủ yếu là phá rừng lấy đất làm nương rẫy.
Trong 6 tháng đầu năm, đã phát hiện 1.329 vụ vi phạm ảnh hưởng tới rừng, giảm 114 vụ (tương ứng giảm 8%) so với cùng kỳ năm 2020. Diện tích rừng bị thiệt hại lũy kế 6 tháng là 1.210 ha, giảm 1.380 ha (tương ứng giảm 53%) so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, diện tích thiệt hại do cháy là 283ha, do phá rừng trái pháp luật 672ha.