Làm gì để thành công?
- Huyệt vị
- 15:47 - 24/01/2023
“Kế thừa di sản” năm cũ
Năm mới là sự tiếp nối từ năm cũ. Vì thế trong lĩnh vực kinh tế, dù muốn dù không, chúng ta vẫn phải chấp nhận "kế thừa" những "di sản" từ năm cũ để lại gồm cả thuận lợi và khó khăn.
Những khó khăn của kinh tế trong năm qua được dự báo từ trước, nhưng trở nên trầm trọng hơn khi tình hình chính trị thế giới bất ổn kéo theo hàng loạt nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó bao gồm khủng hoảng năng lượng, lương thực, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính và chuỗi cung ứng hàng hóa. Kinh tế toàn cầu đối mặt nguy cơ suy thoái trên diện rộng, thị trường tài chính lao đao, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia đóng vai trò trụ cột... là những vấn đề lớn, tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam.Ở trong nước, giá nhiên liệu có những thời điểm tăng cao mức kỷ lục, kéo theo mặt bằng giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng mạnh. Tình trạng thiếu nguồn cung cục bộ, dù chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, nhưng cũng tác động không nhỏ tới sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động của hệ thống doanh nghiệp. Cùng với đó, lượng đơn hàng từ các thị trường chủ lực suy giảm khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hệ thống doanh nghiệp liên tiếp đối mặt khó khăn, việc làm của một bộ phận người lao động không được duy trì thường xuyên, đã có những doanh nghiệp phải cho nghỉ việc số lượng lớn người lao động.
Chỉ trong vài tháng, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, chỉ số Vn-Index từ mức 1.500 điểm giảm về dưới 1.000 điểm. Hàng loạt vụ án kinh tế nghiêm trọng bị cơ quan chức năng xử lý cho thấy những kẽ hở lớn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tồn tại từ lâu, khiến cho thị trường trái phiếu suy giảm mạnh, lòng tin của nhà đầu tư bị tổn thương trầm trọng.
Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản nhanh chóng đảo chiều. Nếu như hồi đầu năm 2022, giới đầu tư còn không ít kỳ vọng vào đà tăng giá được cho là "bền vững" thì đến giữa năm và những tháng tiếp theo, không chỉ giá bất động sản "bất động" mà có những nơi còn giảm, trong khi thanh khoản xuống rất thấp. Việc hệ thống ngân hàng "siết" cho vay đầu tư bất động sản, lãi suất tăng mạnh càng khiến cho giới đầu tư "hụt hơi". Đến tháng 10, nhiều chuyên gia đã đưa ra không ít cảnh báo về nguy cơ thị trường bất động sản "đóng băng", có khả năng rơi vào tình trạng khủng hoảng tương tự như tình hình những năm 2008 - 2012. Chỉ trong thời gian ngắn, thị trường bất động sản trở nên ảm đạm, nhiều nhà đầu tư bị mất phương hướng.
Có những ý kiến cho rằng, bất động sản đã trải qua tăng trưởng nóng, cần một thời gian "đóng băng" để người dân có cơ hội mua nhà giá rẻ. Nhưng trên thực tế, nền kinh tế không vận hành đơn giản như vậy. Bất động sản là ngành quan trọng, có tới 270 ngành phụ trợ; nổi bật như thép, xây dựng... đều là các lĩnh vực thâm dụng vốn và lao động. Nếu ngành bất động sản tê liệt, sẽ có ảnh hưởng dây chuyền khó lường đến cả nền kinh tế.
Bất động sản "đóng băng" sẽ dẫn tới việc một số lượng lớn nhân công ngành bất động sản, thép, xây dựng và nhiều ngành phụ trợ khác thất nghiệp; hệ thống ngân hàng gánh cục nợ xấu từ công ty bất động sản, nợ xấu từ người dân mua nhà nhưng bị mất thu nhập, không thể trả gốc lãi; các dự án đang xây dựng không thể hoàn thành do chủ đầu tư phá sản, người mua không có nhà để ở, gây lãng phí lớn... sẽ tạo nên hiệu ứng dây chuyền kéo lùi sự phát triển của cả nền kinh tế.
Một trong những vấn đề nan giải trong hoạt động kinh tế vào những tháng cuối năm là hiện tượng tiền tệ ách tắc, cả doanh nghiệp và thị trường đều "khát tiền".
Phải làm gì để xoay chuyển cục diện?
Mặc dù Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng, là "điểm sáng" trong bức tranh chung kinh tế thế giới, nhưng vẫn phải thừa nhận những khó khăn, thách thức mà năm 2022 để lại là có thật và sẽ tiếp diễn trong năm 2023. Tình hình chính trị thế giới chưa hết bất ổn, đồng nghĩa với hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục đối mặt nhiều thách thức lớn. Điều đó đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức phải có những điều chỉnh hợp lý nhằm phù hợp với diễn biến thời cuộc.
Việc cả thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đều suy giảm trong năm qua cho thấy, mức độ sàng lọc của thị trường đang ngày một khắc nghiệt. Bên cạnh đó, việc hàng loạt "đại gia" bất động sản như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát... bị pháp luật "sờ gáy" cũng cho thấy chuyện làm ăn dựa trên các mối quan hệ thân hữu dường như đã hết thời. Đã qua rồi cái thời kiếm tiền một cách dễ dàng, chỉ cần có ít tiền mua chứng khoán, vài ngày sau giá tăng bán kiếm lời, hay "ném cục tiền" vào một mảnh đất là coi như nắm chắc "phần thắng" trong tay. Bây giờ, để có thể kiếm được đồng tiền, cần phải có kiến thức, kinh nghiệm, cần phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" để tính toán, cân nhắc.
Và quan trọng là phải kiếm tiền bằng "bàn tay sạch" để có được những "đồng tiền sạch".
Dân gian có câu “Làm như mèo mửa”, để ví những lười nhác, ngại khó, ngại khổ. Tuy nhiên, mèo lại được cho là con vật nhạy bén, tinh khôn, thông minh và bản lĩnh. Đó là những đức tính mà con người cần "học hỏi" để có thể vượt qua khó khăn.
Vốn không phải là con vật có nhiều sức mạnh như hổ, báo, sư tử, nhưng con mèo vẫn có thể tồn tại một cách bình đẳng giữa muôn loài nhờ vào khả năng dự báo và nhận biết những gì đang và sẽ xảy ra xung quanh. Bằng một "giác quan đặc biệt", nó có thể biết được những cơ hội tiềm tàng và xác định đúng thời điểm để cụ thể hóa cơ hội của mình, tức "kết liễu con mồi" một cách nhanh gọn. Trong làm ăn cũng vậy, khả năng nhìn thấy cơ hội một cách chính xác là vô cùng quan trọng. Nhưng cơ hội đó còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố cả nội tại và ngoại cảnh, như không gian chính trị, diễn biến của thị trường, sự thay đổi của hệ thống chính sách... Cần thu thập thông tin để xem xét, phân tích một cách thấu đáo, toàn diện, nhất là phải biết lượng sức mình thì mới có thể đánh giá đúng tình hình và xác định được lĩnh vực có thể tham gia, xác định đúng mục tiêu cần đạt được.
Sự nhạy bén và tinh khôn cũng sẽ giúp các nhà đầu tư lựa chọn đúng các giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu của mình.
Con mèo là loài vật được đánh giá cao về bản lĩnh. Bởi nó không phụ thuộc vào ai, kể cả chủ của nó. Đó cũng là điều mà giới "làm ăn" cần học hỏi. Một trong những "vấn đề" của nhiều người trong thời gian qua là "tâm lý bầy đàn", "thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào". Chính tâm lý này đã báo hại biết bao người và báo hại cả thị trường, khiến thị trường nhiều khi trở nên "méo mó", phát triển không đúng thực chất, thực lực của mình, nhất là thị trường chứng khoán và bất động sản. Điều này cần được nhanh chóng khắc phục. Mỗi người cần phải có tư duy độc lập, thoát khỏi sự lôi kéo của "đám đông" để tìm cho mình một hướng đi riêng phù hợp.
Thị trường như một chiếc bánh, sẽ không có chuyện chiếc bánh đó được chia đều cho mọi người. Hãy nhạy bén, tinh khôn và bản lĩnh như con mèo, khó khăn sẽ vượt qua và chúng ta cùng hướng tới những thành công mới trong năm con Mèo...