Nhiều biện pháp để kéo giảm đình công?
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 13:49 - 06/03/2016
Nguyên nhân chính của các vụ đình công đều xuất phát từ chế độ lương, thưởng không hợp lý.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam Đặng Tuấn Tú thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân trong quá trình làm việc (ảnh mang tính minh họa). |
Bà Nguyễn Thị Như Ý, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, cho hay trước và sau Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh Đồng Nai dễ xảy ra đình công nhất do đây là thời điểm điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp tính toán lương, thưởng tết cho người lao động...
* Chú trọng lợi ích công nhân
Chính sách đánh giá hiệu quả công việc mới của Công ty Pouchen Việt Nam (xã Hóa An, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) mới đây đã khiến người lao động bức xúc, vì theo chính sách này người lao động sẽ phải làm việc cật lực hơn. Vì vậy, hàng chục ngàn công nhân đã tổ chức đình công phản đối. Theo tìm hiểu, khi ban hành chính sách đánh giá lao động mới, Ban giám đốc Công ty Pouchen Việt Nam chưa lắng nghe ý kiến của tổ chức Công đoàn cơ sở, chưa tham khảo ý kiến người lao động. Việc đình công chỉ chấm dứt và người lao động trở lại làm việc khi có các đoàn công tác của tỉnh, TP.Biên Hòa làm việc trực tiếp với lãnh đạo Công ty Pouchen Việt Nam, và công ty này đã hủy thực hiện chính sách đánh giá lao động mới.
Trước đó tại Công ty TNHH Bình Tiên Đồng Nai (Dona Biti’s) cũng đã xảy ra đình công với khoảng 100 người tham gia. Nguyên nhân đình công do thời điểm trước Tết Bính Thân 2016, công ty cho công nhân ứng lương với mức cao nhất là 2,5 triệu đồng/người, sau tết công ty khấu trừ vào tiền lương khiến nhiều công nhân không đồng ý. Công nhân cho rằng số tiền sau khi trừ đi còn lại quá ít, không đủ sống. Công ty Dona Biti’s đã buộc phải cho 3.800 công nhân nghỉ việc trong 2 ngày 24, 25-2 để tìm hướng giải quyết vụ việc ổn thỏa.
Công ty TNHH công nghệ cao Ức Thái (vốn Đài Loan, tại Khu công nghiệp Long Thành) mới đây cũng xảy ra đình công. Nguyên nhân xuất phát từ việc mức lương tối thiểu vùng năm 2016 chưa được điều chỉnh đúng quy định, chất lượng bữa ăn giữa ca không đảm bảo. Còn tại Công ty TNHH Starite International (vốn Đài Loan, tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) ngày 20-2, có khoảng 4.000/5.000 công nhân ngừng việc để phản đối tiền thưởng tết thấp, tiền thâm niên không tăng...
* Tăng cường đối thoại
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, từ năm 2013 tới cuối năm 2015 toàn tỉnh xảy ra 106 vụ tranh chấp lao động tập thể, dẫn tới đình công. Đáng lưu ý, trong số 106 vụ đình công thì có tới 90 vụ diễn ra ở doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn cơ sở. Điều đó cho thấy việc thương lượng, đối thoại chưa tốt, dẫn tới đình công.
Làm việc với Liên đoàn Lao động tỉnh mới đây, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho hay cán bộ Công đoàn phải nhanh chóng nắm bắt kiến thức pháp luật, có bản lĩnh, kỹ năng... để mang lại quyền lợi tốt nhất cho người lao động mỗi khi ngồi vào bàn thương thảo. Làm như vậy chẳng những hạn chế được đình công, tốt cho cả doanh nghiệp mà người lao động cũng tin tuyệt đối vào tổ chức Công đoàn. Công đoàn cũng cần làm cho nhận thức của đoàn viên được nâng lên, không nghe theo lời xúi giục của những tổ chức phản động lợi dụng dân chủ, nhân quyền để gây mất an ninh trật tự. |
Bà Đặng Thị Thơm, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Dona Pacific (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom), chia sẻ nếu trước khi ban hành chính sách cho công nhân, ban giám đốc và Công đoàn không ngồi bàn bạc thống nhất, không tham khảo ý kiến người lao động thì khi chính thức thực hiện rất dễ “sinh chuyện”. Bà Thơm cho hay, một bộ phận công nhân còn nhận thức chưa đầy đủ, khi phổ biến xin ý kiến thì công nhân không để ý, không ý kiến, chỉ khi thực hiện, thấy thiệt thòi thì công nhân mới phản ứng.
Ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu), cho hay với trên 24 ngàn đoàn viên công đoàn, việc tư vấn cho ban giám đốc các chính sách điều chỉnh quyền lợi người lao động phải thấu tình, đạt lý, trên cơ sở người lao động và doanh nghiệp cùng có lợi. Việc bàn bạc chính sách cho người lao động cũng không thể dừng lại ở Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở với ban giám đốc mà phải triển khai tới tận tổ Công đoàn, đồng thời thăm dò ý kiến về sự đồng tình của người lao động.
Việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động của tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức có hiệu lực trong 2-3 năm tới. Ông Huỳnh Tấn Kiệt, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho rằng ngay từ bây giờ hệ thống Công đoàn các cấp phải tăng cường hướng về cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động, chăm lo thiết thực đời sống công nhân. Cụ thể, cán bộ Công đoàn phải am hiểu pháp luật, có kỹ năng tốt để nâng cao chất lượng việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với doanh nghiệp và thực hiện phải thực chất. Có như vậy công nhân mới tin và tham gia tổ chức Công đoàn.