THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:01

Lâm Đồng: Triển khai Mô hình Hội đồng trẻ em để lắng nghe trẻ em

Chị Trần Diệp Mỹ Dung, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian qua, việc phát huy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Điều này được thể hiện ở nhiều mô hình như Diễn đàn trẻ em, Chương trình Lắng nghe trẻ em nói, các hoạt động lấy ý kiến trẻ em do các cấp bộ Đoàn - Đội tổ chức.

Thiếu nhi bày tỏ ý kiến của mình tại Kỳ họp thứ nhất Hội đồng trẻ em tỉnh Lâm Đồng.

Thiếu nhi bày tỏ ý kiến của mình tại Kỳ họp thứ nhất Hội đồng trẻ em tỉnh Lâm Đồng.

Trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, Tỉnh Đoàn - Hội đồng Đội tỉnh đã tổ chức Liên hoan tuyên truyền Luật Trẻ em 2016 với chủ đề “Điều em muốn nói”, thu hút sự tham gia của 232 thiếu nhi đến từ các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 5 Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh và 60 Diễn đàn cấp huyện với hơn 5.250 thiếu nhi tham gia gặp mặt, đối thoại với đại diện lãnh đạo các cấp, thảo luận, bày tỏ, chia sẻ về những tâm tư, nguyện vọng liên quan đến các vấn đề của trẻ em...  Bên cạnh đó, duy trì hiệu quả 395 Câu lạc bộ Quyền trẻ em trong toàn tỉnh.

Định kỳ 3 tháng một lần, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của trẻ em, đồng thời gửi báo cáo hàng quý tổng hợp tình hình dư luận của trẻ em tới Hội đồng Đội Trung ương và các cơ quan chức năng để đề nghị xem xét, giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Kết quả đã tổng hợp 1.768 lượt ý kiến của thiếu nhi thông qua các kênh.

Với mong muốn đa dạng hóa hình thức, tạo hướng đi, cách làm mới, mang lại hiệu quả thiết thực, năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn - Hội đồng Đội tỉnh thực hiện Mô hình Hội đồng trẻ em tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023 - 2026 gồm 25 em đội viên, thiếu nhi. Mô hình nhằm nắm bắt tình hình, nguyện vọng, nhu cầu của trẻ em, đặc biệt trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về những vấn đề liên quan đến sự phát triển, hoàn thiện quá trình đầu tư, xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em.

Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh và các ngành có liên quan trong việc đảm bảo, thúc đẩy quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em; các vấn đề có liên quan đến phát huy, phát triển toàn diện trẻ em trong thời kỳ mới.

Mô hình Hội đồng trẻ em tỉnh Lâm Đồng cũng là cầu nối giúp lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, ban, ngành nắm bắt tình hình, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về vật chất, tinh thần của trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của trẻ em và toàn xã hội về Luật Trẻ em, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, hỗ trợ các em giải quyết vấn đề một cách có trách nhiệm. Mô hình hoạt động dưới sự ủng hộ, hỗ trợ của Ban Tham vấn gồm 19 đồng chí là lãnh đạo, đại diện các cơ quan, sở, ngành liên quan, Thường trực Huyện, Thành Đoàn - Hội đồng Đội các huyện, thành phố.

Bên cạnh đó còn có Câu lạc bộ Tư vấn, trợ giúp trẻ em tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023-2025 gồm 14 đồng chí. Các thành viên Câu lạc bộ sẽ phối hợp xử lý các sự vụ, sự việc liên quan đến trẻ em; triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phát huy quyền tham gia của trẻ em tại địa phương, đơn vị; tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em, giai đoạn 2023-2027”. Theo chị Trần Diệp Mỹ Dung, thông qua các hoạt động, các thành viên tham gia Hội đồng trẻ em sẽ có cơ hội được rèn luyện, trau dồi kỹ năng làm việc nhóm, tự tin, năng động tham gia hoạt động tập thể; bản lĩnh thể hiện tiếng nói, suy nghĩ của mình.

Có mặt tại lễ ra mắt Hội đồng trẻ em tỉnh, em Vũ Nguyễn Ngọc Như Ý - học sinh Trường THCS&THPT Tây Sơn, TP Đà Lạt chia sẻ: “Việc thành lập Hội đồng trẻ em chắc chắn sẽ đem lại cho chúng em nhiều cơ hội được nói lên tiếng nói của bản thân, tạo môi trường giúp chúng em trao đổi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng. Đây là động lực để chúng em thêm cố gắng học tập, rèn luyện, xứng đáng với những tình cảm mà các cô chú, anh chị đã dành cho mình, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ”.

Tại kỳ họp lần thứ nhất diễn ra ngay sau lễ ra mắt Hội đồng trẻ em, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận và đưa ra các ý kiến liên quan đến chủ đề “Thực trạng và các giải pháp phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích và xâm hại trẻ em”. Nhiều ý kiến của các em thiếu nhi đến từ các địa phương trong tỉnh đã thể hiện sự quan tâm đến các vấn đề như giải pháp phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích; trang bị kiến thức về kỹ năng sống và kỹ năng thực hành xã hội; giải pháp an toàn và tránh những nguy cơ tiêu cực trên không gian mạng cho thiếu nhi...

Các thành viên Ban Tham vấn đã kịp thời giải đáp những ý kiến, thắc mắc của các em thiếu nhi. Đồng thời, có kế hoạch tổ chức các chương trình phù hợp trong thời gian sắp đến để đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của trẻ em tại mỗi địa phương.

PV

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh