THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:41

Lâm Đồng: Thực hiện vượt nhiều chỉ tiêu về bảo vệ chăm sóc trẻ em

Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em tỉnh Lâm Đồng năm 2015.


Lâm Đồng là một tỉnh miền núi – vùng cao thuộc khu vực Nam Tây Nguyên, có 12 huyện, thành phố, với 147 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh có trên 40 dân tộc khác nhau cư trú và sinh sống, trong đó có 64.216 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 4.482 hộ thuộc diện hộ nghèo. Vì vậy việc BV-CSTE cũng còn gặp không ít khó khăn. Hiện tại tỉnh có 364.208 trẻ em từ 0 – dưới 16 tuổi, chiếm 28,60% dân số, số trẻ em từ 0 – dưới 6 tuổi là 140.460 em, trẻ em trong hộ nghèo là 4.639 trẻ. Để công tác này đạt hiệu quả cao, Sở LĐ-TB&XH đã chủ động tham mưu để UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời việc triển khai các hoạt động dành cho trẻ em. Đó là văn bản số 1240/UBND-VX ngày 20/3/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng V/v triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2015. Kế hoạch số 03/KH-LĐTBXH-TE ngày 17/4/2015 của Sở LĐ-TB&XH kế hoạch thực hiện đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng năm 2015, Kế hoạch số 2189/KH-UBND ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng về Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2015....

Cùng với đó, các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh cũng có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và tổ chức các hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Năm qua, 12 huyện, thành phố, các địa phương không chỉ làm tốt việc tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng mà còn tham mưu và tổ chức nhiều hoạt động như “Vui xuân đón Tết”, “Vui trung thu”, “Tháng hành động vì trẻ em”..., đảm bảo an toàn phù hợp, lành mạnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó đã hỗ trợ 7.421 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá khoảng 1.445.000.000 đồng, trong dịp Tết Nguyên đán, 12 đơn vị cũng hỗ trợ tiền mặt và học bổng cho 42 em với số tiền là 15.500.000 đồng.... Ngoài ra, các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh như: giáo dục, Y tế, Văn hóa -Thể thao và du lịch, Công an, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ... và các huyện, thành phố tổ chức cấp phát quà Tết cho khoảng 15.500 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh, tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng. Sở LĐ-TB&XH phối hợp huyện UBND huyện Đơn Dương tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2015 trong toàn tỉnh với chủ đề: “Lắng nghe trẻ em nói”. Tham dự buổi Lễ có đồng chí Trần Ngọc Liêm,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành cấp tỉnh, lãnh đạo UBND, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố và hơn 700 thanh niên, học sinh tham dự. Sau lễ phát động, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, tọa đàm cho các em, giáo dục trẻ em kỹ năng thực hiện quyền tham gia, kỹ năng phòng tránh các nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, tránh các tệ nạn xã hội, phòng ngừa tai nạn thương tích, kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Tăng cường sử dụng thư viện, câu lạc bộ, nhà văn hóa, nhà hát, rạp chiếu phim, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở thể dục thể thao, thăm quan, danh lam thắng cảnh, phục vụ trẻ em trong dịp hè.

 

Trẻ em ở Lâm Đồng vui chơi.

 

Năm 2015 là năm Sở LĐ–TB&XH Lâm Đồng đã tổ chức được rất nhiều chương trình, huy động được nhiều nguồn quỹ vì trẻ em. Nhân dịp đón Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, đồng chí Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cùng với Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội tỉnh, Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đã trao 50 suất học bổng, trị  cho trẻ em tại huyện Lâm Hà và Đức Trọng. Đã tổ chức trao 40 triệu đồng và 2.400 hộp sữa TH True Milk (tương đương 16.750.000 đồng) cho trẻ em của Làng SOS và Trung tâm BTXH tỉnh. Quỹ BTTE-Sở LĐ-TB&XH tổ chức thăm hỏi và trao tặng 130 suất quà Tết cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại TP Đà Lạt, với tổng trị giá 34.700.000 đồng. Phối hợp với Công ty BảoViệt Nhân thọ Lâm Đồng tổ chức trao 50 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của huyện Di Linh, với tổng trị giá 15 triệu đồng. Công ty cổ phần  đầu tư phát triển thương mại Deylys thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã cấp 3.392 vỉ váng sữa cho 778 trẻ em tại 14 Cơ sở Bảo trợ xã hội của tỉnh, với tổng trị giá trên 24 triệu đồng. Thực hiện chương trình “Quỹ sữa vươn cao Việt Nam” do Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) tài trợ thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cấp 68.080 hộp sữa (180ml) cho 712 trẻ em tại 12 Cơ sở Bảo trợ xã hội của tỉnh, tổng trị giá trên 300 triệu đồng. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức chương trình “Gặp mặt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” tại Hà Nội, tỉnh Lâm Đồng lựa chọn 5 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tham dự chương trình. Các em được giao lưu, chia sẻ những hoàn cảnh bất hạnh với 50 trẻ em của 11 tỉnh, được viếng Lăng Bác Hồ, thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn miếu Quốc tử giám, thăm Đại học FPT.

Tại huyện nghèo Đam Rông, Sở LĐ-TB&XH và UBND huyện phối hợp Nhóm thiện nguyện Tâm Thiện Bụi Đời thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức tặng 3.000 suất quà trung thu, khám bệnh và phát thuốc cho 500 trẻ em nghèo, tặng 30 xe đạp cho học sinh hiếu học, 4 xe lăn cho trẻ em khuyết tật, 50 suất học bổng. Tổng trị giá gần 400 triệu đồng. Tham dự chương trình tặng quà có đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Huyện Lâm Hà được chọn là điểm đại diện cho toàn tỉnh tổ chức “ Đêm hội trăng rằm” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh; Quỹ BTTE tỉnh đã hỗ trợ 300 suất quà Trung thu và lồng đèn, tổng kinh phí 49,5 triệu đồng.

Những năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động về lĩnh vực BV-CS trẻ em cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình  xây dựng Chuyên mục trên Đài Phát thành – Truyền hình,  thực hiện tuyên truyền, phóng sự, thông điệp tuyên truyền phát trên sóng Phát thanh – Truyền hình của tỉnh; cấp phát đĩa DVD thông điệp tuyên truyền đến tận cơ sở. Chi cục BTXH-BVCSTE triển khai kế hoạch liên ngành với Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Lâm Đồng thực hiện CD, DVD nhằm trình chiếu tuyên truyền đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc cho đối tượng trẻ em, người dân xem trực tiếp với các nội dung tuyên truyền: phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống bạo lực trẻ em, phóng sự về an toàn giao thông đối với trẻ em. Tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học về bảo vệ trẻ em, qua đó có khoảng 1.363.000 người được tiếp cận về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã vượt mục tiêu đề ra.

Kết quả, đến nay, ở Lâm Đồng tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt so với tổng số trẻ em là 0,88%, so với mục tiêu Chương trình quốc gia Bảo vệ trẻ em đưa ra đến 2015 là 1,66. Trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp, trợ giúp để giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 77%, so với kế hoạch là 70%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi ở thể nhẹ cân giảm còn 11,6%, chiều cao giảm 22,4% (so với mục tiêu đề ra của Kế hoạch năm 2015 là: Ở thể nhẹ cân 14,5% và chiều cao 24,7%). Việc cấp thẻ BHYT và khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi đạt tỷ lệ 99,2%.

Công tác BV-CS và giáo dục trẻ em cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cũng như sự quan tâm của các tổ chức, của mọi người dân trong toàn xã hội. Nhất là khi xã hội càng phát triển, vấn đề BV-CSTE, thực hiện quyền trẻ em càng đặt ra nhiều thách thức mới. Thời gian tới, Lâm Đồng sẽ tiếp tục triển khai duy trì và xây dựng nhân rộng mô hình xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em nhằm đánh giá sự tiến bộ của địa phương trong việc xây dựng môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội an toàn, lành mạnh và thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em. Triển khai hệ thống bảo vệ trẻ em với các nội dung, xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên, phổ biến rộng rãi đường dây nóng của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nhằm phát hiện sớm nguy cơ trẻ em bị ngược đãi, bạo lực, xâm hại tình dục…, để có biện pháp can thiệp kịp thời.  Xây dựng các điểm tư vấn ở cộng đồng, trường học, bệnh viện, xây dựng các mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng, quan tâm tới những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Xây dựng và nhân rộng mô hình phòng ngừa và giải quyết trẻ em lang thang; mô hình giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề để hòa nhập cộng đồng cho trẻ em làm trái pháp luật, trẻ em từ trường giáo dưỡng trở về. Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, vận động cộng đồng nhận nuôi dưỡng, đỡ đầu trẻ em mồ côi không nơi nương tựa.

THU HÀ / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh