Lâm Đồng: Thiệt hại hàng chục tỷ đồng vì sương muối gây ra cho cây cà phê
- Huyệt vị
- 01:37 - 14/02/2020
Ngày 12/2/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết những ngày gần đây, nhiệt độ xuống thấp, sương muối dày đặc bao phủ khiến 468ha cây trồng của các xã Đạ Nhim, Đạ Sar và Đạ Chais… (huyện Lạc Dương) bị cháy sạm, tỷ lệ hư hại trên 70% là 375,5 ha. Sương muối chủ yếu gây hại nặng tại các vườn cà phê thiếu cây che bóng, chắn gió, vườn ở vùng trũng, thấp.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài, 801 hộ dân có cây trồng bị ảnh hưởng bởi đợt sương muối này, ước tính thiệt hại khoảng 50 tỉ đồng. Đa số cây trồng bị sương muối gây hại là cà phê (434ha), lá, ngọn cũng bị cháy khô, quả non rụng hàng loạt.
Xã bị thiệt hại nặng nhất là Đạ Chais với hơn 191ha cà phê (186ha bị thiệt hại trên 70%), trong đó thôn Long Lanh chiếm tới 119ha, thuộc sở hữu của 158 hộ.
"Thống kê ban đầu có gần 40ha cà phê của 71 hộ trong thôn bị ảnh hưởng bởi sương muối. Không chỉ bị mất trắng vụ này, nhiều hộ phải cưa hạ cây cà phê để tái canh vườn, do đó phải vài ba vụ nữa vườn cà phê mới lại ra trái", ông A Dên, trưởng thôn Đưng K'Si buồn bã nói.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Châu cho biết: "Đối với những vườn cà phê bị ảnh hưởng nhẹ, sẽ hướng dẫn bà con tỉa cành để hạn chế thiệt hại. Những vườn bị thiệt hại trên 75% không thể khôi phục thì cưa đốn để trồng mới. Về lâu dài, Sở sẽ rà soát lại những diện tích cà phê bị sương muối để đề nghị bà con chuyển sang trồng những loại cây trồng khác".
Cũng theo ông Châu, trên sở sở đánh giá mức độ thiệt hại của cà phê, Sở sẽ bố trí kinh phí từ chương trình chuyển đổi giống cây trồng, chương trình tái canh cải tạo giống cà phê năm 2020 để hỗ trợ các hộ dân khôi phục vườn cây.
Ông K Hương (thôn Đa Ra Hoa, xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương) buồn rầu khi hơn 3ha cà phê - nguồn thu chính của gia đình, bị cháy lá khô cành do sương muối. Ông K Hương cho biết, rẫy cà phê mới phục hồi sau dịch bọ xít gây hại, nay lại bị sương muối coi như mất trắng.
"Do bị sương muối nên rẫy cà phê giờ không phát triển được, phải bỏ luôn. Bây giờ tôi thấy, cà phê làm cũng như không, càng làm nhiều càng lỗ nhiều. Nếu có trái, tôi bán cũng không bao giờ được giá", ông K Hương trao đổi.
Tại gia đình của chị Cil Plem (xã Đạ Sar), hơn 1ha cà phê cũng đang rụng lá, khô đọt. Chị Cil PLem than thở: "Do sương muối, cà phê lá, cành đều khô, cây chết đen. Năm nay, tôi chắc bỏ cà phê vì làm mà không có cà phê để thu".
Ông Bùi Văn Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương cho biết, cà phê là cây trồng chủ lực của bà con tại địa phương. Đợt sương muối vừa qua đã khiến cho hàng loạt vườn cà phê bị hư hại từ 30 đến 70%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của người dân.
"Tổng diện tích cà phê của xã gần 1.000 ha, hiện nay bị sương muối cháy hết lá khoảng 300ha. Diện tích bị ảnh hưởng khá lớn. Để khắc phục bà con phải cưa đốn hết nhưng diện tích bị sương muối dẫn đến không có năng suất", ông Trình cho biết.
Chị Nguyễn Thị Thùy Trang, cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương khuyến cáo, đối với những diện tích cà phê bị ảnh hưởng sương muối nhẹ, nông dân cần cắt tỉa lại cành, lá. Đối với diện tích thiệt hại nặng, nên cắt bỏ nửa thân tránh để cây cà phê bị chết. Nếu bà con kịp thời đốn tỉa, cây cà phê sẽ tái sinh. Đồng thời, nông dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động chăm sóc cây trồng, giảm nhẹ thiệt hại.
"Bà con cần thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo thời tiết để nắm bắt diễn biến nhiệt độ và khí hậu của địa phương để có biện pháp phòng tránh sớm. Khuyến cáo bà con khi phát hiện sương muối, mình nên tưới cà phê hoặc cây trồng vào lúc sáng sớm khi mặt trời chưa mọc để hạn chế tối đa mức độ thiệt hại do sương muối gây ra. Bà con cũng có thể sử dụng biện pháp hun khói để tăng nhiệt độ lên nhằm giảm tác động của sương muối", chị Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết.
Trong thời gian chờ cây cà phê tái sinh, ngành nông nghiệp vận động nông dân trồng xen canh các cây ngắn ngày để đảm bảo độ ẩm cho cây cà phê và có thu nhập tạm thời. Đồng thời, các địa phương cũng đang tiến hành rà soát diện tích bị ảnh hưởng, đề xuất với tỉnh sớm có giải pháp khắc phục và hỗ trợ cho những hộ dân bị thiệt hại.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ huyện Lạc Dương lắp đặt một số trạm cảm biến nhiệt độ, ẩm độ để có cảnh báo sớm về tình hình diễn biến thời tiết, từ đó khuyến cáo người dân các biện pháp phòng tránh từ sớm nhằm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.