THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:04

Lâm Đồng: Lao động ngành nông nghiệp “đắt hàng”

Nghề nông nghiệp hút học viên

Báo cáo của các huyện, thị cho thấy, số lượng lao động nông thôn sau học nghề có được việc làm là 25.121 người, chiếm 85,3% tổng số lao động được học nghề theo chương trình đào tạo nghề lao động nông thôn của tỉnh.

Trong đó, nhóm nghề nông nghiệp có số lượng lao động tìm được việc làm ổn định, chiếm cao nhất (90,18%) kế đến là nhóm nghề dịch vụ (77,43%); thấp hơn là nhóm nghề công nghiệp và xây dựng (76,15%).

Ông Trương Ngọc Lý cho biết, nhóm nghề nông nghiệp được quan tâm đặc biệt, bởi theo nhu cầu thực tế của người học, nên việc triển khai thực hiện đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Ví dụ nghề chăn nuôi bò sữa, lao động sau học nghề đã nắm bắt kỹ thuật ủ chua dự trữ thức ăn cho bò, biết cách tự chăm sóc và phòng trị bệnh cho vật nuôi, biết phát hiện những thứ bệnh phổ biến ở bò, tiêm thuốc, thụ tinh, đỡ đẻ cho bò sữa.

Với ngành trồng dâu nuôi tằm, sau khi học nghề, nhiều học viên ở huyện Đức Trọng đã mạnh dạn thay đổi giống dâu cho năng suất cao hơn, giảm chi phí canh tác.

Theo tính toán thực tế, việc thay đổi phương pháp nuôi tằm bằng nong trước đây sang phương pháp nuôi dưới sàn cho năng suất cao hơn (tăng từ 20%-30%). Với nhóm nghề chăm sóc và canh tác cây cà phê, nhiều học viên sau học nghề đã chuyển đổi cây giống, ghép giống mới năng suất đạt cao hơn, chất lượng sản phẩm cây trồng được cải thiện theo hướng tích cực hơn.

Nuôi, chăm sóc bò sữa được nhiều LĐNT ở Lâm Đồng chọn học.

Nuôi, chăm sóc bò sữa được nhiều LĐNT ở Lâm Đồng chọn học.

Chủ động khảo sát, điều chỉnh mục tiêu

Đến thời điểm hiện tại Lâm Đồng là địa phương duy nhất trong cả nước tiến hành khảo sát kết quả sau học nghề theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong 5 năm từ 2010-2015. Trong hai năm 2013- 2014, việc khảo sát đã được tiến hành ở 12/12 huyện, thị, thành phố.

Năm 2013, tỉnh đã tiến hành khảo sát 3.285 người, năm 2014 khảo sát 4.576 người; thời điểm khảo sát từ tháng 10 năm trước đến tháng 10 năm sau. Giám đốc Trương Ngọc Lý cho biết: “Việc khảo sát do cán bộ LĐ-TB&XH các xã hoặc cán bộ đoàn thể cấp xã, cán bộ thôn, lớp trưởng các lớp học nghề thực hiện. Kết quả khảo sát được công khai tại các xã có lớp dạy nghề”.

Trước khi triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Sở LĐ-TB&XH đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của 6.000 hộ dân tại 44 thôn thuộc 12 xã của 12 huyện, thành phố trong tỉnh. Kết quả có 51% số hộ có nhu cầu học nghề với 52 nghề được đề xuất; trong đó, nhóm nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp chiếm 58%, nghề công nghiệp và xây dựng chiếm 25% và nhóm nghề dịch vụ chiếm 17%.

Việc khảo sát trước và sau khi đào tạo nghề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện đề án dạy nghề cho lao động nông thôn. Từ kết quả khảo sát này, ngành LĐ-TB&XH Lâm Đồng sẽ có những điều chỉnh hợp lý trong việc tăng cường cơ sở vật chất và các trang thiết bị dạy nghề; phát triển chương trình, giáo trình và học liệu dạy nghề.

Hiện tỉnh Lâm Đồng có 7 trung tâm dạy nghề công lập do Sở LĐ-TB&XH quản lý, số nghề được đầu tư tại 7 trung tâm công lập và Trường trung cấp nghề Bảo Lộc là 16 nghề. Trong đó, nhóm nghề nông nghiệp có 6 nghề(chăn nuôi, thú y, sửa chữa và vận hành máy nông nghiệp, trồng và chăm sóc cà phê, trồng rau, trồng lúa chất lượng cao và trồng nấm).

Nhóm công nghiêp và xây dựng gồm 9 nghề, như sửa chữa xe máy, hàn - cơ khí, thiết bị động lực, điện dân dụng, điện tử dân dụng, điện công nghiệp...

Năm 2015, Sở LĐ-TB&XH hợp đồng với các đơn vị chuyên môn tiến hành chỉnh sửa 13 chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên đưa vào sử dụng chung cho các cơ sở dạy nghề: Xây lát và ốp gạch đá, may công nghiệp, thú y, lắp đặt và sửa chữa hệ thống nước dân dụng, lắp đặt và sửa chữa hệ thống điện dân dụng, gò hàn, sửa chữa máy kéo công suất nhỏ, trồng nấm, trồng và chăm sóc cà phê, móc len, thêu tay, trồng và chăm sóc hoa đồng tiền và nuôi bò sữa.

Theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt năm 2015, lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là 12.000 người, giai đoạn 2016-2020 sẽ đạt 62.000 người.

Trong 5 năm 2010-2014, tỉnh Lâm Đồng  đã tổ chức được 1.050 lớp dạy nghề với 30.577 học viên theo học (đã có 29.394 người hoàn thành chương trình học nghề, chiếm tỷ lệ 96,1%). 

Đối tượng học nghề nhiều nhất là lao động nông thôn (14.583 người - 49,61%), lao động ở huyện nghèo và xã nghèo (5.123 người), người dân tộc thiểu số (5.092 người), người nghèo (4.179 người )...

Thi Hoàng

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh