Lâm Đồng khởi sắc sau 10 năm xây dựng nông thôn mới
- Dược liệu
- 23:30 - 24/07/2019
Công nhân chăm sóc rau trồng trong nhà kính đạt tiêu chuẩn hữu cơ tại Lâm Đồng. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN
Đến tháng 6 năm 2019, toàn tỉnh Lâm Đồng có 90/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại có 11 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí. Tỉnh có 2 huyện là Đơn Dương và Đức Trọng đã đạt chuẩn nông thôn mới và 2 thành phố là Đà Lạt, Bảo Lộc đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Huyện Đơn Dương là một trong 4 huyện trong toàn quốc được Trung ương chọn chỉ đạo thực hiện Đề án mô hình thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu. UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt và triển khai đề án “Xây dựng huyện Đơn Dương đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2018- 2025”.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nông thôn Lâm Đồng đã có những đổi thay căn bản và toàn diện. Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, chất lượng đời sống vật chất của người dân được nâng cao, nhận thức về nông thôn mới được tăng cường. Kết cấu hạ tầng phát triển, phục vụ thiết thực cho sản xuất và cuộc sống của người dân. Văn hóa truyền thống của các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn được giữ vững.
Toàn tỉnh đã đầu tư được khoảng 1.900 km đường, trong đó xây dựng mới trên 700 km; nâng cấp, sửa chữa 1.200 km; đầu tư làm mới và sửa chữa hơn 85 cầu lớn nhỏ. Mười năm qua, Lâm Đồng đã xây dựng, nâng cấp, sửa chữa được 56 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, 150 km kênh mương, 1.700 ao, hồ nhỏ; các hình thức tưới tiên tiến, tiết kiệm được ứng dụng mạnh mẽ. Cơ sở vật chất trường học các cấp trên địa bàn các xã được quan tâm đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Tính đến nay toàn tỉnh có 636 trường mầm non, phổ thông công lập các cấp, tăng 86 trường so với năm 2010 trong đó có 393 trường đạt chuẩn quốc gia.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới làm chuyển biến căn bản nhận thức của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Lấy dân làm chủ thể, người dân được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng nông thôn mới, từ đó củng cố thêm niềm tin của nhân dân và đồng thuận, hưởng ứng tích cực, tạo ra nguồn lực to lớn hoàn thành mục tiêu của chương trình.
Kinh tế nông nghiệp có sự tăng trưởng ổn định, công nghiệp và dịch vụ nông thôn phát triển nhanh và đa dạng. Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh bình quân đạt 8,4%, giai đoạn 2016-2020 bình quân đạt 4,5 và có xu hướng ổn định. Sản xuất nông nghiệp ổn định theo đúng chủ trương tái cơ cấu ngành. Chủng loại nông sản ngày càng đa dạng phong phú, trình độ canh tác có bước phát triển vượt bậc, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh tập trung đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn tiếp tục phát triển.
Giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy tăng nhanh, năm 2018 đạt 38.700 tỷ đồng, tăng 65,5% so với năm 2010. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ đạt 56.403 ha, giá trị sản xuất công nghệ cao bình quân đạt khoảng 400 triệu đồng/ha, đặc biệt có nhiều mô hình có giá trị sản xuất trên 1 tỷ đồng/ha. Giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích trên địa bàn tỉnh năm 2018 đạt 169 triệu đồng/ha/năm tăng gấp đôi so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 39 triệu đồng/năm tăng gần 4 lần so với năm 2010.
Chất lượng đời sống văn hóa của người dân tiếp tục được nâng cao, nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển. Nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các lễ hội truyền thống được phục hồi, phát triển. Nhiều địa phương đã phát triển các hoạt động du lịch, tạo nguồn thu nhập cho người dân. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh được chú trọng đầu tư, đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao của các tầng lớp nhân dân. Môi trường nông thôn đã có chuyển biến đáng kể, nhiều vùng nông thôn đã xây dựng và hình thành mô hình cảnh quan xanh sạch đẹp, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Công tác quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn các xã được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tốt.
Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng; năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng và công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền cơ sở được nâng lên; đã phát huy được vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị trên các lĩnh vực công tác ở cấp xã và thôn. Đến nay đã có 100% xã đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự theo quy định.
Qua một thập kỷ xây dựng nông thôn mới trên vùng đất Nam Tây Nguyên là một quá trình xây dựng của địa phương, đây cũng kết quả của sự đồng thuận nhất trí cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Thành quả nông thôn mới tại Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung là minh chứng rõ nét nhất khẳng định một chủ trương đúng đắn hợp lòng dân, gắn với lợi ích thiết thân của đại bộ phận nhân dân, làm đổi thay toàn diện đời sống người dân nông thôn.