Làm công tác chính sách cần phải có cái tâm
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 13:51 - 02/09/2016
Trưởng thành từ vùng “đất thép”
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) có 18.000 thanh niên tòng quân lên đường nhập ngũ, 10.448 người trong số đó đã hy sinh nằm lại nơi chiến trường, những người trở về không ai còn lành lặn, tất cả đều là thương hoặc bệnh binh. Sinh ra nơi vùng đất đó, nếm trải những mất mát từ khi còn nhỏ, cha rồi những người thân lần lượt hy sinh... lên 9 lên 10, ông Lê Minh Tấn tham gia làm giao liên cho cách mạng... Ông nhớ lại: “Chiến tranh tàn khốc, mỗi ngày Củ Chi phải chịu hàng trăm ngàn tấn bom đạn địch trút xuống, ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mong manh”. Nhưng cũng chính từ nơi đây ông đã được bà con đùm bọc, chở che. Trong khốc liệt của đạn bom, ông đã được trui rèn và lớn lên, cái tình nơi con người Củ Chi được trui rèn qua lửa đạn chiến tranh cũng càng trở nên nồng đượm. Cũng bởi vậy mà sau giải phóng, từ chính vùng đất thép thần đồng này đã phát đi rất nhiều phong trào nghĩa tình, để rồi lan tỏa khắp thành phố và cả nước”.
Ông Lê Minh Tấn cùng Bí thư Đinh La Thăng đến thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Em (huyện Củ Chi) khi ông Tấn còn làm Bí thư Huyện ủy Củ Chi.
Ông Tấn cho biết, sau chiến tranh, Củ Chi là huyện có nhiều gia đình chính sách nghèo nhất, nhì của thành phố, với 1/5 số đối tượng chính sách có công trên tổng số đối tượng của toàn thành phố. Trăn trở trước những khó khăn đó, bằng tấm lòng biết ơn sâu sắc trước những hy sinh to lớn của các gia đình chính sách, có công với cách mạng, Đảng bộ và nhân dân nơi đây đã sáng kiến vận động phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm để cùng chăm lo cho các gia đình chính sách, gia đình thương binh nghèo. Huyện ủy Củ Chi đã khởi động và chỉ đạo cuộc vận động “đền ơn đáp nghĩa”, quyên góp từ sự tự nguyện của cán bộ, chiến sĩ nhân dân nhằm tạo vốn giải quyết dần chuyện nhà cửa cho các hộ chính sách. Hưởng ứng chủ trương đó, ông Lê Minh Tấn lúc đó với vai trò là Chủ tịch xã Thới Mỹ (huyện Củ Chi) đã cùng cán bộ và nhân dân trong xã xây dựng phong trào “vườn trúc tình nghĩa”. Những cách làm thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa bàn đã nhận được sự đồng tình của nhân dân và các đơn vị kinh tế.
Cũng trong giai đoạn này, Huyện ủy, UBND huyện đã chủ trương vận động kêu gọi các đơn vị, cá nhân ủng hộ xây tặng nhà tình nghĩa và xin ý kiến thành phố cho Củ Chi được phát hành “Cổ phiếu xây dựng nhà tình nghĩa”. Mặt khác để huy động sự đóng góp, Củ Chi chủ động phối hợp với Đài Truyền hình thành phố xây dựng bộ phim “Trở về điểm hẹn”. Bộ phim đã gây xúc động lòng người, dấy lên phong trào đền ơn đáp nghĩa trong toàn thành phố. Họ đã đến với Củ Chi bằng cả tấm lòng, cùng san sẻ khó khăn với những hộ chính sách xã hội nghèo. Từ những căn nhà đầu tiên từ năm 1982, đến cuối năm 1998, huyện cơ bản giải quyết vấn đề nhà ở cho gia đình chính sách. Đến nay, huyện đã vận động xây tặng tổng cộng 4.400 căn nhà tình nghĩa.
Giải quyết chính sách bằng sự thấu hiểu
Đi qua chiến tranh, đi qua những tháng ngày xây dựng hòa bình với gần 40 năm làm cán bộ chủ chốt từ cấp xã, rồi Chủ tịch huyện, Bí thư Huyện ủy Củ Chi, ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương thì chăm lo cho các đối tượng gia đình chính sách, thương binh nghèo luôn song song và xuyên suốt trong nhiệm vụ và tâm huyết của ông Tấn. Ông tâm sự: “Chiến tranh đã qua đi, nhưng những di chứng của nó để lại còn quá lớn. Tôi may mắn sống sót qua chiến tranh, được tổ chức và nhân dân tin tưởng, trong suốt quá trình công tác của mình tôi không bao giờ quên nỗi đau đó, bởi nó cũng là nỗi đau của chính tôi, gia đình tôi, đồng đội và bà con quê tôi. Và tôi hiểu nỗi đau đó cần được bù đắp bằng những việc làm thiết thực”...
Ông Lê Minh Tấn thăm, tặng quà cán bộ hưu trí.
Chính vì vậy, khi được điều động về làm Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP, ông Tấn xác định chăm lo cho các đối tượng chính sách là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Ông luôn nhắc nhở, đốc thúc cán bộ, nhân viên trong công tác thực hiện chính sách có công cần phải làm việc bằng cái tâm, linh hoạt nhằm đảm bảo quyền lợi của các đối tượng chính sách không bị bỏ sót. Ông tâm niệm: “Nhân dân đã không tiếc máu xương, tuổi xuân, thì chúng ta không thể tiếc chút công sức của mình”.
Trong các cuộc họp, ông Tấn luôn yêu cầu các thủ trưởng đơn vị phụ trách công tác chính sách phải đích thân vào cuộc giải quyết những vướng mắc của các đối tượng chính sách, không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ mà phải thấu hiểu những băn khoăn, nguyện vọng của họ. Như trường hợp khi nghe báo cáo về một gia đình ở quận 6 không muốn làm hồ sơ nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước Mẹ VNAH, ngay lập tức ông Tấn đã chỉ đạo trưởng phòng chính sách cuộc sống của Sở đến tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của gia đình, qua đó tháo gỡ những khúc mắc, đồng thời để gia đình thấy được những chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước đối với những hy sinh, cống hiến của thân nhân mình.
Ông Lê Minh Tấn trong lễ trao tặng 100 ngôi nhà tình nghĩa.
Hành trang ông Tấn mang theo khi đến nhậm chức Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP là hình ảnh máu xương đồng bào mình đổ xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, là hình ảnh nghĩa tình đùm bọc lẫn nhau của đồng bào mình trong gian khổ, là hình ảnh những căn nhà tình nghĩa mọc lên trên sự yêu thương, đáp đền, là những hành động thiết thực chăm sóc phụng dưỡng các Mẹ VNAH, chăm lo cho các gia đình chính sách... Đó là những việc làm xuyên suốt của ông cùng cán bộ, nhân dân nơi vùng đất “thành đồng” ấy... Cùng với đó là những trăn trở trước những chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước đâu đó vẫn chưa đến được với người dân...