Làm chủ - không dễ dàng!
- Văn hóa - Giải trí
- 22:47 - 12/07/2016
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Bốn bạn trẻ mới du học về Việt Nam, khí thế hừng hực, mong muốn làm “ một cái gì đó cho riêng mình”. Họ hùn vốn mua lại một cửa hàng bán đồ ăn món cuốn kiểu Đà Nẵng tại Hà Nội. Món này khá ngon, dễ ăn và không quá khó làm. Nước chấm được mua tận trong Đà Nẵng. Thuê đầu bếp, nhân viên và chia nhau lịch trông coi, quản lý cửa hàng. Họ làm có trách nhiệm, tận tâm. Thế nhưng sau gần một năm, khách vẫn chỉ túc tắc, không đông như mong muốn. Tiền thuê cửa hàng ở trung tâm thành phố với giá 35 triệu đồng/tháng, thuê nhân viên 20 triệu đồng /tháng, tiền điện nước, tiền ngoại giao phường cũng vài triệu/tháng... lỗ liên tục, chẳng mấy chốc hơn 400 triệu đồng đã tiêu hết. Mọi người ngao ngán, cố thêm vài tuần, rồi trả mặt bằng. Mỗi người đi tong gần trăm triệu. Tìm nguyên nhân của sự thua lỗ này, có ý kiến cho rằng con phố này xa công sở. Dân công sở mới ăn nhà hàng nhiều. Rồi món cuốn người ta ít ăn vào buổi trưa. Món ăn chưa đặc sắc. Rồi nhà hàng ở góc phố, bị mấy cái cây che khuất. Công việc quảng bá gần như không triển khai. Và giá thuê mặt bằng quá cao, ngốn hết cả lờ lãi...
Chị Ngà, ngoài 30 tuổi, đang làm việc tại một ngân hàng, từ lâu đã mơ có một cửa hàng bán quần áo trẻ em. Chị nghĩ (như mình đây) nhiều nhà có trẻ em, rất thích mua sắm cho con. Hơn nữa từ khi sinh bé thứ hai, chi tiêu trong nhà tăng vọt, chị muốn kiếm thêm. Mặc dù mẹ chị ngăn cản, rằng bây giờ làm ăn khó khăn lắm, Việt Nam đang khủng hoảng sâu, sức mua kém lắm, nhưng chị vẫn quyết thực hiện mong ước của mình. Chị thuê một cửa hàng ở gần chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) với giá 6 triệu đồng/tháng, thuê 2 nhân viên 6 triệu đồng /tháng, lắp camera theo dõi. Hàng ngày đi làm về, 2 Vợ chồng lại qua cửa hàng, xem xét công việc, bán ra mua vào. Con cái nhờ ông bà trông nom. Hôm nào cũng 9-10 giờ đêm mới về đến nhà. Hôm sau bơ phờ đến cơ quan. Trước tết bán tạm được, sau tết ế cực kỳ. Ai buôn bán cũng thừa nhận sau kỳ mua sắm tết âm lịch là đến giai đoạn sức mua giảm sâu. Rồi sát hè vẫn ế. Lúc này chị mới để ý quanh chợ có khá nhiều cửa hàng bán quần áo trẻ em. Mấy quầy trong chợ bán rẻ hơn vì mặt bằng họ thuê rẻ. Nhiều chị em lại mua trên mạng, hàng khá đẹp và giá cũng mềm (cũng do bán online không phải thuê mặt bằng). Thêm vào đó chị cũng ít thời gian để trang trí, chăm chút cửa hàng. Rồi những cô bán hàng thuê không nhiệt tình, kỹ năng bán hàng không có... Gần một năm trôi qua, con số lỗ đã lên tới cả trăm triệu, sức khỏe lại giảm sút, chị đành chào thua.
Có vô vàn dẫn chứng về việc khởi nghiệp thất bại. Xin dẫn mấy số liệu của các chuyên gia kinh tế công bố trên báo chí : “Có tới 92% doanh nghiệp chỉ có thể cầm cự trong 3 năm đầu tiên trước khi tuyên bố phá sản ; gần 70% doanh nghiệp khởi nghiệp phải đóng cửa ngay từ trong giai đoạn hình thành ý tưởng ; chỉ có 5% doanh nghiệp sống sót sau 5 năm và phát triển bền vững”. Xem ra tình hình thật bi quan. Tuy nhiên có những người khởi nghiệp thành công và họ là tấm gương để người muốn làm chủ, muốn khởi nghiệp có động lực để noi theo.
Anh Linh, hiện là chủ một công ty in có thể gọi là khá thành công, anh thuê trên 30 nhân viên với một xưởng in ở khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội. Việc đều đều, lương bình quân của người lao động ở đây đạt 6 triệu đồng /tháng. Anh tâm sự, với nghề in, phải luôn có hợp đồng in để máy chạy hết công suất, nếu máy nghỉ là gay rồi. Muốn vậy chất lượng in phải bảo đảm, đẹp, nét, giá thành phải chăng, thời gian giao hàng phải chuẩn, thái độ đối với khách hàng phải nhã nhặn, chu đáo, và phải giỏi khai thác nguồn hàng. Nghĩa là phải luôn luôn cố gắng mới tồn tại được.Tìm hiểu về thành công hôm nay, anh cho biết, trước khi trở thành ông chủ anh có nhiều năm làm thuê cho một công ty in khác. Giai đoạn làm thuê anh là một nhân viên chăm chỉ, cần mẫn. Sau mấy năm làm thuê, anh nhận ra mình có thể tự mở xưởng riêng được, vậy là anh nghiên cứu bắt tay vào khởi nghiệp. Kinh nghiệm của những năm làm thuê đã giúp cho anh rất nhiều cho thành công ngày hôm nay.
Anh Hưng hiện là Giám đốc một công ty cơ khí, chuyên bán và cho thuê máy nâng hạ. Hàng năm anh cho thuê lâu dài vài trăm máy và bán ra cũng với con số như vậy. Vốn là chỗ bạn bè lâu mới gặp, anh kể đã sắm một căn biệt thự ở ngoại ô, nhưng con cái đi học chưa thuận tiện nên anh để bố mẹ ở biệt thự còn mình dọn về ở một chung cư trung tâm thành phố. Anh nói mua nhà năm, mười tỷ cứ như không. Và tôi khá ngạc nhiên về công việc hiện nay của anh, vì anh vốn tốt nghiệp ĐH ngoại ngữ khoa tiếng anh, mà nay lại làm về cơ khí. Anh Hưng vui vẻ cho biết, sau khi ra trường anh làm thuê cho một công ty cơ khí, chuyên về thiết bị nâng hạ. Anh giúp công ty trong việc phiên dịch, biên dịch với đối tác nước ngoài. Sau một thời gian làm thuê, khi đã biết khá rõ về cung cách làm ăn, anh mở công ty riêng và làm ăn tạm được.
Sự thành công của anh Linh, anh Hưng cho thấy, họ đã học hỏi được cách quản lý từ người chủ, tìm hiểu được chỗ mua, chỗ bán, kể cả những ngóc ngách, rủi ro của nghề, những cách làm như thế nào cho có kết quả... Khi đủ trưởng thành họ mới ra làm riêng với quy mô vừa với sức của mình. Không ham làm lớn mà đi từng bước vững chắc.
Kinh nghiệm của những người thành công, nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế cho thấy, muốn khởi nghiệp thành công bạn cần hiểu rất rõ về công việc, về ngành nghề mà mình định làm. Không vội vàng. Việc càng khó, ít người làm được thì khả năng thành công càng cao. Một yếu tố nữa là bạn phải kiên trì “ thua keo này ta bày keo khác”. Làm từ nhỏ đến lớn, vững chắc. Và việc đi học một lớp về khởi nghiệp cũng rất cần thiết.