THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:18

Làm báo ở Vùng đất lửa

 

Sau một năm về Báo QĐND, đây là chuyến đi công tác xa, độc lập, dài ngày đầu tiên của tôi. Hành trang cần mang theo là sổ ghi chép, mấy cây bút, máy ảnh, quần áo, chăn màn và các đồ dùng cá nhân cần thiết. Có mấy thứ không thể nào thiếu được là tem phiếu gạo, lương khô và bi đông nước uống… Tất cả được xếp gọn trong chiếc ba lô con cóc, khoác trên vai như người chiến sĩ ra mặt trận.

          Phương tiện đi lại hồi đó rất khó khăn. Tòa soạn chỉ có một chiếc xe U-oắt dành cho cán bộ, phóng viên đi viết bài gấp ở những “điểm nóng”. Còn các cán bộ, phóng viên khác, đi công tác gần hay xa, ngắn hay dài ngày, đều phải “tùy nghi” tự túc phương tiện mà đi. Tàu hỏa lúc đó chỉ đi được từng đoạn từ Hà Nội vào đến Vinh, còn ô tô chở khách thì hầu như không có mấy… Trong hoàn cảnh đó, tôi quyết định dùng xe đạp. Rong ruổi từ Hà Nội vào Vĩnh Linh để giành thế chủ động trong mọi tình huống. Cũng may là tôi mới được phân phối chiếc xe đạp Phượng Hoàng nam, màu cánh chả, khá vững chắc. Tôi rất yên tâm với phương tiện đồng hành cùng tôi trên chặng đường gần 600km từ Hà Nội vào Vĩnh Linh.

         

Dọc đường đi, tôi thường ghé vào các cơ quan quân sự tỉnh, huyện… để tá túc việc ăn uống, nghỉ đêm, kết hợp nắm tình hình chiến sự trong khu vực. Đây cũng là lợi thế của phóng viên Báo QĐND. Tuy nhiên, phần lớn thời gian tôi vẫn phải nghỉ nhờ nhà dân, do nhỡ cung đường. Từ Khu 4 trở vào, cái mất an toàn nhất là bom đạn Mỹ liên tục dội xuống các trọng điểm cầu, phà và các đoạn đường xung yếu, bất cứ lúc nào. Có lần khoảng 9 giờ đêm, tôi vào một nhà dân ở Quảng Bình để nghỉ nhờ. Bác chủ nhà xếp cho tôi nghỉ ở một căn hầm kèo (hầm có các vì kèo tre, gỗ chống đỡ) và nhắc nhở:

- Chú nên đưa cả xe đạp xuống hầm cho an toàn…

          Trên đường đi, việc tránh bom đạn ở các trọng điểm là một thử thách không nhỏ đối với tôi. Nhưng rồi cũng quen dần, do chịu khó nắm bắt qui luật đánh phá của địch ở từng nơi, sẽ vượt qua an toàn. Chỉ có điều tôi bận tâm suy nghĩ là đi suốt chặng đường dài, mà hai bên đường không hề có một quán hàng tư nhân nào bán đồ ăn thức uống. Có nhiều hôm nhỡ bữa ở các cơ quan quân sự, tôi phải đạp xe trên cung đường bốn, năm chục cây số mới tìm được một cửa hàng “Mậu dịch ăn uống”, hoặc “Hợp tác xã ăn uống”, nằm sâu trong rừng. Ăn một suất cơm ở đây phải nộp 250 gam phiếu gạo. Tôi hỏi cô nhân viên mậu dịch:

- Nếu tôi không có phiếu gạo thì tính sao, cô?

Cô bán hàng rất vui vẻ trả lời:

- Đã là qui định của nhà nước, thì tụi em phải chấp hành đúng anh à…        

 Cuộc hành trình của tôi tuy có gặp nhiều khó khăn, gian khổ trên đường, nhưng đều được đẩy lùi về phía sau. Trong lòng tôi luôn mong mỏi: Làm sao mau chóng tới được vùng đất Vĩnh Linh. Hai tiếng Vĩnh Linh hồi đó thật thiêng liêng, giục giã! Cả miền Bắc gửi gắm niềm tin sắt đá vào tuyến đầu Vĩnh Linh.

          Đi hết đất Quảng Bình, tới dốc Sỏi thuộc đất Vĩnh Linh. Trước mặt tôi chừng 800 – 900 mét về phía đầu cầu Hiền Lương,lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn trên đỉnh cột cờ giới tuyến, lồng lộng, tung bay trong gió. Ôi! Lá cờ Tổ quốc. Lá cờ của miền Bắc xã hội chủ nghĩa! Niềm xúc động mạnh trào dâng trong tôi, đôi mắt rưng rưng rồi nhòe dần…Tôi dừng lại bên đường một lúc để trấn tĩnh, rồi đạp xe đi tiếp. Càng đi sâu vào đất Vĩnh Linh, càng vắng bóng người. Mọi sinh hoạt và chiến đấu của người dân nơi đây đều ở dưới hầm hào, địa đạo; đi lại cũng bám theo các đường hào giao thông…

          Vĩnh Linh là một huyện của tỉnh Quảng Trị, trải dài bên bờ bắc sông Bến Hải – tuyến đầu của miền Bắc. Kể từ cuối năm 1964, nhất là bước sang đầu năm 1965 cho đến thời điểm này, giặc Mỹ đã dùng máy bay, tàu chiến ngoài khơi, pháo bầy ở bên kia sông Bến Hải, dội bom, xối đạn liên tục suốt ngày đêm xuống dải đất Vĩnh Linh. Ngay từ đầu cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc, Vĩnh Linh đã được mệnh danh là “Vùng đất lửa”! Lửa của bom đạn Mỹ dội xuống. Lửa chiến đấu của quân và dân Vĩnh Linh bốc cao ngút trời, giáng trả quân thù! Lần đầu tiên tôi được đứng chân trên vùng đất lửa, niềm xúc động và tự hào đối với người làm báo!

Ảnh trong bài: Các nhà báo tác nghiệp trong thời kỳ chống Mỹ.

Trong thời gian công tác tại Vĩnh Linh, tôi thường ăn nghỉ tại căn hầm chỉ huy của xã đội Vĩnh Giang, xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nằm sát bờ sông Bến Hải. Căn nhà hầm này có xã đội trưởng Nguyễn Văn Banh và ba chiến sĩ du kích: Trần Văn Hòa, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Dưỡng. Ở đây vẫn dùng từ “du kích” để chỉ những nam nữ thanh niên, trung niên khỏe mạnh, được ở lại bám trụ chiến đấu. Lực lượng này được biên chế từng đại đội, trung đội, tiểu đội và tổ chiến đấu. Còn các cụ già, phụ nữ và học sinh đều phải sơ tán ra vùng Tân Kỳ, (Nghệ An). Xã đội trưởng Banh cho tôi biết: “Một căn nhà hầm chỉ được bố trí 4 – 5 người trở xuống. Gia đình nào có 2 hoặc 3 anh em ruột là du kích, thì phải bố trí phân tán mỗi người một hầm, để tránh rủi ro bom đạn rơi trúng hầm…” Anh Banh bố trí cho tôi ngủ nghỉ ở một căn hầm chữ A rộng, trong hệ thống hầm chỉ huy của anh. Dù đi tới các xã, các đơn vị bộ đội hàng mấy ngày liền, tôi vẫn thường trở lại ăn nghỉ, bám trụ ở địa bàn xã Vĩnh Giang. Ngay hôm đầu tới đây, tôi đã đặt vấn đề với xã đội trưởng Banh về khoản tiền ăn, phiếu gạo. Anh Banh cười, nói với tôi:

- Nhà báo cứ ở đây cả năm với bọn tui, có gì ăn nấy, khỏi phải lo.

Nói vậy, anh Banh lại giải thích để tôi yên tâm:

- Lực lượng bám trụ chiến đấu ở đây được ưu tiên về lương thực, thực phẩm…

Những ngày ở Vĩnh Linh, điều băn khoăn nhất đối với tôi là việc gửi tin, bài về tòa soạn. Gửi bưu điện theo dạng thư thì rất chậm, có khi bị thất lạc. Có lần tôi đến hầm chỉ huy của Bộ Chỉ huy quân sự Vĩnh Linh, đề nghị giúp đỡ. Trung tá Chính ủy Vũ Kỳ Lân rất băn khoăn giãi bày với tôi rằng, không có cách gì giúp được nhà báo. Anh còn nói rõ chức năng liên lạc của hai chiếc máy điện thoại mà sở chỉ huy của anh đang có… (sau chiến tranh, anh Vũ Kỳ Lân được điều về làm Giám đốc Xưởng phim ).

Tôi lại lần tới trạm bưu điện Hồ Xá (thị trấn cũ của Vĩnh Linh). Mấy cô nhân viên vui vẻ nói: “Trường hợp khẩn cấp đặc biệt, chúng em cũng chỉ truyền giúp được những tin, bài rất ngắn…”. Có lần tôi nhờ truyền giúp bài tường thuật trận “đấu pháo” rất thú vị giữa pháo binh Vĩnh Linh với pháo binh địch ở căn cứ Dốc Miếu. Tôi phải rút gọn bài viết thành đề cương ngắn gọn, truyền về tòa soạn, lại nhờ các anh cùng phòng, biên tập lại thành bài hoàn chỉnh rất phiền toái. Suốt thời gian ở Vĩnh Linh, trong sổ ghi chép của tôi đầy ắp những tư liệu. Tôi đành phải “để dành”, khi về tòa soạn mới ngồi viết.

Kết thúc gần một tháng công tác ở vùng đất lửa Vĩnh Linh, tôi lại cùng chiếc xe đạp, hối hả trở về Hà Nội. Chuyến đi ra, chắc chắn là đỡ khó khăn hơn, vì có thêm được nhiều kinh nghiệm của chuyến đi vào. Và lại càng bổ sung những kinh nghiệm quí cho các chuyến công tác sau này, tôi trở lại Vĩnh Linh cũng bằng phương tiện xe đạp./.

CÙ NGỌC ĐỨC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh