THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:04

Làm báo ở R… một thời để nhớ

 

Mỗi nhà báo là một chiến sĩ

Những năm nhà báo, nhà văn Đinh Phong còn là Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, dường như năm nào vào dịp 21/6 kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông cũng đều tổ chức những hoạt động gặp gỡ giao lưu giới báo chí thành phố tại cơ quan Hội số 14 Alexanđer de Rhodes. Tôi từng tham dự nhiều lần, nên có cơ hội được nghe ông trò chuyện, chia sẻ về kinh nghiệm tác nghiệp, đưa tin, viết bài trong nghề làm báo của ông.

Từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, ông đã là một phóng viên có uy tín viết về mảng chính trị- xã hội của Báo Nhân Dân, từng tác nghiệp đưa tin tại Đại hội Đảng lần thứ 3 (tháng 9/1960). Nhưng trong ký ức của ông, những năm tháng sống và tác nghiệp trong hoàn cảnh đầy khó khăn, gian khổ và nhiều hy sinh mất mát trong cuộc chiến vừa qua, chính lại là những năm tháng đáng nhớ nhất, đáng tự hào nhất trong cuộc đời làm báo của mình.

Trò chuyện với giới truyền thông ông từng nhấn mạnh, được làm báo trong những năm tháng ở R nói riêng, ở chiến trường miền Nam nói chung là một niềm tự hào của các nhà báo. Nhớ lại những năm tháng ấy, ông cho biết, khi mới thành lập đi vào hoạt động ở căn cứ Mã Đà, thuộc chiến Đ, cũng như lúc đã chuyển về căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh, điều kiện làm việc của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục (Ban) cực kỳ khó khăn thiếu thốn cả về lương thực, thực phẩm lẫn phương tiện, máy móc làm việc.

Tuy nhiên, với quyết tâm của tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên của Ban những tờ báo, tạp chí, đài phát thanh, thuộc nhiều Tiểu ban khác nhau vẫn lần lượt ra đời ở chiến khu, góp phần đáng kể trong công tác tư tưởng chính trị phục vụ cuộc kháng chiến cho toàn miền Nam. Đó là Thông tấn xã Giải Phóng, Tạp chí Tiền Phòng (Tiểu ban Huấn học), Tạp chí thời sự Nhân Dân (Tiểu ban Tuyên truyền), Báo Giải Phóng, Đài Phát thanh Giải Phóng, Xưởng phim Giải Phóng, Văn Nghệ Giải Phóng.

Nhà báo, nhà văn Đinh Phong

Trong đó, lực lượng phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Giải Phóng năng động, dũng cảm vượt qua mọi gian lao thử thách và cả sự hy sinh xương máu, luôn giữ cho làn sóng điện không bao giờ tắt, liên tục phát đi bản tin chiến thắng, những bài viết về kinh nghiệm đấu tranh của đồng bào miền Nam. Tất cả những thông tin nóng hổi ấy, đã góp phần cổ vũ khí thế tiến công của cách mạng miền Nam làm nức lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế lúc bấy giờ.

Ông nói, những năm tháng ấy, mỗi nhà báo nói riêng, cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục nói chung thực sự là một chiến sĩ trung thành, quả cảm không chỉ trên mặt trận tư tưởng chính trị, mà cả trên trận tuyến trực tiếp chiến đấu chống trả những trận càn ác liệt của kẻ thù, bảo vệ an toàn căn cứ.

Khi ấy Ban đã đóng góp đáng kể nhân lực cho lực lượng vũ trang miền Nam, trực tiếp cầm súng tham gia các chiến dịch chiến đấu như một người lính thực thụ trên các mặt trận. Năm 1964, Ban đã bổ sung 800 thanh niên từ các đơn vị trực thuộc vào lực lượng vũ trang, xây dựng Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 (Sư đoàn chủ lực đầu tiên của chiến trường miền Nam). Khi quân đội Mỹ mở cuộc hành quân Juntion City vào năm 1967, nhằm tiêu diệt căn cứ R lực lượng cán bộ, phóng viên, nhân viên Ban đã tham gia chiến đấu quyết liệt, để bảo vệ an toàn căn cứ. Đặc biệt trong cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968, Ban đã tổ chức lực lượng cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, quay phim, họa sĩ, nhà thơ, nhà văn, các đội tuyên truyền vũ trang đồng loạt tham gia.

Lực lượng của Ban đã cùng các đơn vị mũi nhọn tiến đánh vào nội đô Sài Gòn, một số phóng viên của Báo Giải Phóng đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh như: Quốc Hùng, Đăng Sơn, Trần Huân, Cảnh Hân và nhà thơ Lê Anh Xuân (hy sinh trong tổng tiến công Mậu Thân,đợt 2 tháng 5/1968 tại Long An)…Một trong những nhà báo trong số hàng trăm nhà báo hy sinh ở chiến trường thời ấy, ông hay nhắc tới nhà báo liệt sĩ Bùi Đình Túy (bút danh Đinh Thúy) là một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng, có khá nhiều bức ảnh quý về Bác Hồ, về chiến tranh. Ông kể, năm 1967 nhà báo Đinh Thúy và ông cùng tham dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần 2, tổ chức tại một căn cứ bí mật gần núi Bà Rá, thuộc tỉnh Bình Phước.

Ngày ấy đường đi từ căn cứ này đến một căn cứ khác hết sức khó khăn và nguy hiểm bởi sự rình rập của biệt kích, của máy bay địch. Đoàn nhà báo xuất phát từ Trung ương Cục tại Tây Ninh đi bộ xuyên đường rừng đến Bà Rá mất 7 ngày đêm. Trên đường đi rất nhiều nhà báo bị sốt rét hành hạ, trong đó có nhà báo Đinh Thúy, lúc ấy là người lớn tuổi nhất trong đoàn. Trong suốt thời gian Đại hội diễn ra, mặc dù sức khỏe không được tốt, nhưng nhà báo Đinh Thúy rất năng động, say sưa tác nghiệp quên cả mệt nhọc và sốt rét.

Đến khi kết thúc Đại hội, trên đường từ Bà Rá trở về căn cứ ở Tây Ninh, đoàn bị máy bay phát hiện bắn rốc két, ném bom và nhà báo Đinh Thúy đã vĩnh viễn nằm lại giữa cánh rừng đại ngàn, đến bây giờ vẫn chưa tìm được hài cốt. Ông cho biết thêm, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có hơn 400 nhà báo hy sinh ở các chiến trường, trong đó gần phân nửa là các nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam.         

Nhà báo Đinh Phong (bìa phải) cùng các phóng viên Quân giải phóng và bà Nguyễn Thị Định ở chiến khu R.

Trăn trở giữa thời bình                                             

 Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975, nhà báo Đinh Phong cũng như tất cả lực lượng chuyên môn của Ban đều bám theo các cánh quân tiến về Sài Gòn, vừa tác nghiệp vừa nhanh chóng tiếp quản các mục tiêu đã được phân công. Nhà báo Đinh Phong về tiếp quản Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) và làm việc ở HTV cho đến ngày nghỉ hưu. Ông chia sẻ, những năm đầu giải phóng, đặc biệt là trong thời gian thành phố tiến hành cuộc cải tạo công thương nghiệp, khi đi tác nghiệp đưa tin ông đã trở thành một trong những nhân chứng của một giai đoạn lịch sử mới. 

Phải mất hàng chục năm sau, những “điều trông thấy ấy”, những day dứt, trăn trở ấy, mới được ông viết ra trong cuốn hồi ký của mình để chia sẻ cùng độc giả. Theo những gì ông viết thì, ngày đó ông và nhóm phóng viên HTV luôn túc trực ngày đêm để theo chân các tổ công tác đặc biệt làm nhiệm vụ “kê biên tài sản” của những nhà buôn, những nhà tư sản ở chợ Bến Thành và Tạ Thu Thâu. Đó là thời điểm khó quên, nhưng ngày nay chắc chẳng còn ai muốn nhắc nhớ.

Theo ông thực ra lúc bấy giờ những tư sản lớn ở Sài Gòn hầu hết đã bỏ xứ đi ra nước ngoài, thành phố chỉ còn lại các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chủ các nhà in, xưởng thủ công, các của hàng bán sỉ, bán lẻ…Nhưng tất cả đều buộc phải kê biên tài sản vốn liếng kinh doanh, để trưng thu, tịch thu, trưng mua rồi buộc họ không được kinh doanh cá thể mà chuyển qua sản xuất nông nghiệp, khiến nhiều người phải rời khỏi thành phố đi xây dựng vùng kinh tế mới. Ông viết: “Những tổ công tác mật gấp rút được thành lập, bắt đầu rà soát, lên danh sách những gia đình giàu có phải cải tạo tư sản. Nguyên tắc hàng đầu của chiến dịch là bí mật.

Những nhà tư sản chỉ bàng hoàng nhận biết những gì xảy ra khi cửa mở và tổ công tác đặc biệt bất ngờ có mặt đọc quyết định kê biên tài sản. Chúng tôi vác máy đi tác nghiệp mà lòng trĩu nặng ngơ ngác nhìn nhau. Chương trình thời sự khoảng 30 phút của Đài HTV ngày ấy tập trung nhiều thời lượng để tuyên truyền cho công cuộc cải tạo công thương nghiệp trên địa bàn. Đằng sau những hình ảnh ấy, các nhà báo là những người đã chứng kiến những giọt nước mắt của đồng bào mình”. Đó là những chia sẻ đầy trăn trở và giàu chất nhân văn của một nhà báo có tâm. Từ những năm 80 của thế kỷ 20, ngoài chuyên tâm vào nghề báo, ông cũng dành nhiều thời gian cho sáng tác văn học, viết nhiều truyện ngắn, ký, hồi ký với tâm thế của một người từng trải nghiệm qua chiến tranh và hòa bình.

Dù viết ở thể loại nào, thì những gì ông trăn trở viết ra đều rất chân thực, nhiều suy tư và ngồn ngộn những chi tiết sống động của một thời đạn bom, một thời hòa bình mang tính nhân văn sâu sắc. Tính từ năm 2000 đến nay ông đã cho xuất bản các tác phẩm như: Hương  “40 năm làm báo” (Hồi ký NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, 2000); “Hương thơm còn lại” (NXB Thanh Niên, 2001) và gần đây nhất là tập “Đinh Phong và 50 truyện ngắn” (NXB Thanh Niên). Những tác phẩm của ông tuy còn mang dấu ấn của ngôn ngữ thông tấn, nhưng chân thực. ít hư cấu và đầy tâm huyết.

Nhiều lần trả lời phỏng vấn giới báo chí, ông thừa nhận: “Người đọc phê bình truyện ngắn của tôi còn “nặng tình” với báo chí. Tôi biết đó là điểm còn yếu, song tôi lại rất muốn các truyện ngắn của tôi giản dị gần gũi với đời thường không cần thiết thêm giấm, thêm tỏi”. Đó là cá tính sáng tạo văn học của ông, không cầu kỳ chữ nghĩa, cốt là tải được tới người đọc những thông điệp về hiện thực đời thường, về thế thái nhân tình, về sự tri ân với những người lính nói chung, với các nhà báo chiến trường đã ngã xuống trong cuộc chiến nói riêng, với một tinh thần nhân văn cao cả…

Lương Định

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh