Lại “nóng” chuyện trang trí lại Hà Nội để xứng tầm Thủ đô
- Văn hóa - Giải trí
- 22:20 - 01/04/2016
Hà Nội đang rất lộn xộn
Mục đích của cuộc thi này nhằm thông qua các hình thức tuyên truyền, trang trí mới để góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, tạo không khí vui tươi, sôi nổi trong các dịp lễ - tết và kỷ niệm các ngày lễ lớn của thủ đo. Ngoài ra, BTC cũng nhấn mạnh, việc làm cho Thủ đô đẹp lên cũng là đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, phát huy bản sắc của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Theo kế hoạch, hình thức trang trí gồm: công trình kiến trúc, cây xanh, vỉa hè, chiếu sáng hai bên đường và dải phân cách… đặc biệt sẽ ưu tiên các công nghệ mới.
Trong đó, Sở VH&TT cũng đưa ra những vị trí cụ thể để tiến hành trang trí gồm với Quảng trường, vườn hoa có Quảng trường Tháng Tám, Đông Kinh Nghĩa Thục, Tượng đài Lý Thái Tổ; các nút giao thông lớn như Cửa Nam, Ngân hàng Nhà nước, Ô Chợ Dừa, Mỹ Đình, Mai Dịch; Tuyến phố gồm Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ… và khu vực các cửa ngõ, các cây cầu lớn của Thủ đô.
Ngoài ra, theo thể lệ cuộc thi các họa sĩ có toàn quyền lên ý tưởng sáng tạo các thiết kế trang trí phù hợp với các dịp lễ, tết, các hoạt động chính trị tại các ngã ba, ngã tư, các khuôn viên công cộng của Thủ đô và gửi đến Sở VH&TT Hà Nội để Hội đồng giám khảo chấm chọn.
Sự kiện này đã thu hút đông đảo giới mỹ thuật, thiết kế, kiến trúc... đến tham gia và đóng góp ý kiến. Với tư cách là thành viên BGK của cuộc thi, họa sỹ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, ông đánh giá rất cao việc Sở VH&TT Hà Nội tổ chức cuộc thi này bởi việc trang trí Thủ đô đã có từ lâu đời từ sau khi giải phóng Thủ đô. Tuy nhiên, những năm gần đây, có nhiều kiểu trang trí rất đẹp, phù hợp nhưng cũng có rất nhiều trang trí gây phản cảm, không phù hợp, tạo nên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
“Thủ đô của chúng ta ngày một mở rộng, xây dựng nhiều mà lộn xộn cũng nhiều. Đôi khi tôi có cảm giác với cách trang trí mới trên đường phố như cộng thêm sự lộn xộn vào chứ không phải làm đẹp thêm lên. Vì nhà cửa lộn xộn cộng giao thông cũng lộn xộn nên chúng ta cũng nên tính toán chọn hình tượng nào cho phù hợp. Ở đây, các họa sĩ tham gia cũng nên tính giúp về không gian có đảm bảo khối kiến trúc khi đặt vào hay không? Tôi xin dẫn chứng như quả cầu đặt trước Ngân hàng Nhà nước, quả cầu khổ to dẫn đến che lấp con đường đằng sau, với đô thị thì không thể làm như thế.
Một việc nữa việc trang trí về đèn hiện nay vô cùng lộn xộn. Tôi phản đối việc kéo đèn qua đường. Ví dụ, vào những ngày lễ chúng ta kéo đèn 2, 3 ngày rồi cất đi, chứ để thường xuyên khiến người dân đi đường lúc nào cũng có cảm giác bất an. Ngoài ra, nếu vào buổi tối bật đèn còn xanh xanh, đỏ đỏ còn đẹp chứ vào ban ngày thấy treo lủng lẳng, như thế là vi phạm giao thông. Tôi đề nghị Sở VH&TT nên xem lại có nên làm như thế không. Tôi đề nghị việc trang trí nếu thêm vào cảnh quan chung phải đẹp lên chứ không phải thêm vào để tạo ra sự phản cảm. Ngoài ra, tôi cũng đề nghị vào ngày lễ, ngày tết nên giảm bớt các hoạt động diễn ra tại trung tâm thành phố để tránh tắc đường, chen chúc nhau”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam trăn trở.
Nên thoát khỏi kiểu trang trí “bao cấp”
Với tư cách là người đã từng ngồi trong hội đồng nhiều cuộc thi phát động sáng tác logo, biểu tượng trang trí thành phố, họa sỹ Lê Huy Tiếp cho rằng, ông thấy mông lung vì báo cáo thể lệ cuộc thi này quá rộng, không biết nhân dịp nào, nhân dịp ngày lễ gì, bởi tính chất của những điểm trang trí ấy khác nhau.
“Một năm của chúng ta có đến bao nhiêu sự kiện mà Hà Nội lại đến bao nhiêu điểm. Tôi thấy một cuộc thi cho một điểm đã hết hơi rồi, chưa nói đến hàng chục điểm trong thành phố, lại bao nhiêu ngày lễ nữa thì nó theo cấp số nhân. Điều này rất khó khăn cho người sáng tác cũng như cho người chấm giải”, ông Tiếp nói.
Đồng quan điểm, họa sĩ Nguyễn Huỳnh Mai cho rằng: “Qua bao cấp lâu rồi mà sao công tác trang trí đường phố của Thủ đô vẫn… bao cấp quá. Ví dụ, cổng Ô Quan Chưởng, rồi các cổng làng cổ rất đẹp, cứ đến lễ Tết lại nhằng nhịt cờ đuổi nhau, màu sắc xanh đỏ, phá tan hết không gian kiến trúc cổ kính của di tích”. Họa sĩ Nguyễn Huỳnh Mai cho rằng, việc Hà Nội lần đầu tiên tổ chức cuộc thi thiết kế trang trí là sự cầu thị, đáng hoan nghênh góp phần làm thay đổi cách trang trí của Thủ đô, làm Hà Nội đẹp lên.
Thực ra, từ lâu việc trang trí tại một số điểm công cộng của Thủ đô đã “có vấn đề” do sự lắp ghép lộn xộn và thêm đặt thiếu thẩm mỹ. Bài học về việc trang trí hoa rau muống ở đài phun nước hồ Hoàn Kiếm cách đây không lâu vẫn còn đó. Vì thế, dù chỉ với một vài ý kiến đóng góp của của các họa sĩ nhưng đã phần nào cho thấy việc trang trí ngoài trời của Thủ đô cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc.
Sẽ trưng cầu ý dân về các mẫu trang trí
Bản thân ông Tô Văn Động - là Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cũng thừa nhận, Sở VH&TT sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp dù theo đánh giá của nhiều thì một vài năm qua Thủ đô đã có cải tiến và đẹp hơn. Tuy nhiên, cũng vẫn có những ý kiến chê bai.
“Việc trang trí Hà Nội so với trước đây là có tốt hơn. Nhưng hài lòng hết thì chưa, nhưng để hài lòng đúng tầm của Thủ đô nghìn năm văn hiến thì phải có cuộc thi này. Cho nó bài bản hơn, tạo sự đồng thuận cao hơn. Tôi tin cuộc thi này chắc chắn sẽ thành công. Ngoài ra, tôi cũng ưu tiên cho các trang trí thân thiện với môi trường”, ông Động nói.
Theo người đứng đầu Sở VH&TT thì trước đây có hai việc mà Sở chưa làm được, một là chưa lấy được ý kiến của các chuyên gia một cách sâu sắc, hai là lấy ý kiến rộng rãi của cơ quan thông tin đại chúng trong việc làm mới các biểu tượng trang trí hoặc thay đổi cách trang trí ở một số điểm. Vì thế, sau lần này, Sở sẽ tiến hành “trưng cầu dân ý” bằng cách đưa thông tin lên các cơ quan thông tin đại chúng.
“Chúng tôi phải thêm quy trình này để đúng với mục đích là phục vụ nhân dân. Nhân dân tiếp nhận những mẫu trang trí mới thì Sở mới làm. Nếu nhân dân bảo xấu chúng tôi sẽ không làm nữa. Tôi xin khẳng định rõ quan điểm như vậy. Có thể họa sĩ cho hay là đẹp, nhưng nhân dân bảo không được thì chúng tôi cũng không cho thể hiện ở ngoài đường phố. Bởi tôi xin nói rõ là chúng tôi phục vụ nhân dân chứ không phải phục vụ họa sĩ. Nhân dân và cơ quan báo chí sẽ là hai đơn vị thẩm định cuối cùng trước khi Sở quyết định.
Hội đồng của Sở là những chuyên gia mỹ thuật. Tuy nhiên phải thú thật cũng chỉ dừng lại ở cấp Thành phố. Do đó, sau cuộc phát động này tất cả các mẫu sẽ được đưa rộng rãi cho cơ quan báo chí và người dân. Hiện nay chúng tôi chưa nghĩ ra hình thức, nhưng có thể chúng tôi sẽ áp dụng hình thức bỏ phiếu. Để người xem tự đánh giá và sẽ chiều theo đa số. Nói thế thôi cả thế giới cũng trang trí xanh, đỏ, tím, vàng… nhưng người ta chọn được những vị trí thích hợp để làm. Cái đó tôi xin giao cho các họa sĩ, nhà chuyên môn thực hiện. Ở đây các tác phẩm sẽ phải mang tính mỹ thuật, kỹ thuật”, ông Động chia sẻ.
Trên tinh thần đó, Sở VH&TT đã quyết định sửa tên “Cuộc thi thiết kế các hình thức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và trang trí thành phố Hà Nội năm 2016”, thành “Cuộc vận động thiết kế các hình thức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và trang trí thành phố Hà Nội năm 2016”. Thời gian nhận tác phẩm chia thành hai đợt, đợt 1 từ 18-22/4 đối với các hình thức tuyên truyền và trang trí phục vụ bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 và bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đợt 2 từ 25-30/5 đối với các hình thức tuyên truyền và trang trí còn lại.