CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:12

Lai Châu: Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 5,07%/năm

Theo số liệu thống kê, dân số Lai Châu hiện có 456.000 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85%. Đầu năm 2016, tỉnh Lai Châu có tới 6/8 huyện, thành phố là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; 696 thôn bản đặc biệt khó khăn, 23 xã biên giới thuộc các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn. Lai Châu cũng là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước với tỷ lệ lên tới 36,9%.

Lai Châu: Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 5,07%/năm - Ảnh 1.

Hướng dẫn người dân phát triển kinh tế.

Để giảm nghèo nhanh và bền vững, cùng với các chương trình của Chính phủ như Chương trình 135; Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống; Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Lự, Si La, Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi…, thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tích cực lồng ghép các nguồn vốn tập trung cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập để người nghèo thoát nghèo bền vững.

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở Lai Châu là hơn 2.344 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng nguồn lực đầy đủ và kịp thời so với nhu cầu để thực hiện từng hoạt động của dự án. Nhờ vậy, tỉnh đã triển khai các chính sách như hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực dân tộc thiểu số, miền núi; hỗ trợ sản xuất, giáo dục đào tạo và dạy nghề, nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội... 

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã đầu tư mới thêm 62 công trình, duy tu bảo dưỡng 56 công trình đường giao thông nông thôn, thủy lợi, trường lớp học thuộc các huyện nghèo; hỗ trợ khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng cho gần 118.600 hộ; hỗ trợ khai hoang tạo nương rẫy cố định cho 170 hộ; hỗ trợ 167 dự án phát triển sản xuất; nhân rộng 22 mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện, thành phố...

Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, 90% số thôn, bản có đường giao thông nông thôn; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm, 93% số hộ ở nông thôn được sử dụng điện lưới; tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 84%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 99,9%.

Với những nỗ lực nêu trên, giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh Lai Châu đã giảm 15.920 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 20,28%, trung bình mỗi năm giảm 5,07%. Ước thực hiện đến hết năm 2020, tỉnh còn 17.055 hộ nghèo, chiếm 16,62%; còn 8.755 hộ cận nghèo, chiếm 8,57%. Toàn tỉnh có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 13,67 tiêu chí/xã, tăng 0,89 tiêu chí/xã so với cuối năm 2018; hai huyện Tân Uyên và Than Uyên được công nhận ra khỏi huyện nghèo, 13 xã ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác giảm nghèo ở Lai Châu hiện vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc. Tỷ lệ hộ nghèo mặc dù giảm nhưng kết quả vẫn chưa thực sự bền vững, có sự chênh lệch lớn giữa các vùng, các dân tộc; số hộ tái nghèo và nghèo phát sinh còn cao; nhiều hộ thoát nghèo lại rơi vào hộ cận nghèo; nguồn lực cho công tác giảm nghèo còn hạn chế. 

Nhiều địa phương như Phong Thổ, Nậm Nhùn có tỷ lệ tái nghèo, cận nghèo cao… Để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, hạn chế những khó khăn, tồn tại nêu trên, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lai Châu sẽ tập trung hỗ trợ cho những huyện nghèo, xã và thôn bản đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách về kinh tế - xã hội giữa các vùng trong tỉnh. Tăng cường hỗ trợ sinh kế theo hướng giảm cho không, tăng cường hỗ trợ có điều kiện cho người dân, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tỉnh cũng sẽ tăng cường sự kết nối về hạ tầng, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa để người nghèo tiếp cận và tham gia. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức để người nghèo không còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

K.VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh