Lai Châu: Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi bò lai sind
- Dược liệu
- 15:55 - 24/12/2017
Xã Nậm Cần có trên 350 hộ chăn nuôi đại gia súc, trong đó chủ yếu nuôi trâu và bò. Nghề chăn nuôi bò địa phương đã có từ lâu đời theo hình thức truyền thống, nuôi thả tự nhiên, tự kiếm ăn. Dẫn đến năng suất, sản lượng và chất lượng con giống thấp, tầm vóc con trưởng thành nhỏ; khả năng sinh trưởng phát triển của đàn bò không cao.
Nhằm giúp người dân khai thác tiềm năng thế mạnh vùng, nâng cao nhận thức phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, cải tạo đàn bò địa phương; từng bước phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Trạm Khuyến nông huyện Tân Uyên đã xây dựng và thực hiện mô hình nuôi 15 bò cái lai sind tại bản Phiêng Áng, xã Nậm Cần. Đến nay, mô hình triển khai được 18 tháng và mang lại tín hiệu khả quan cho chăn nuôi nơi đây.
Bà Hoàng Thị Luyến - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tân Uyên cho biết: “Mô hình được thực hiện góp phần chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chăn nuôi bò sinh sản tới người dân, từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi trên địa bàn, hình thành ngành Chăn nuôi mang tính sản xuất hàng hóa. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống Nhân dân, cung cấp nguồn con giống, thực phẩm đảm bảo chất lượng cho xã hội”.
Được biết, mô hình thực hiện từ tháng 6/2016 với quy mô 15 con bò cái lai sind thực hiện tại bản Phiêng Áng (xã Nậm Cần). Nhà nước hỗ trợ 100% con giống, kỹ thuật chăn nuôi, làm chuồng trại; bà con tham gia đầu tư thêm cơ sở vật chất, thức ăn chăn nuôi. Các hộ còn trồng 4ha cỏ voi làm thức ăn thô xanh; tích trữ thức ăn bằng việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như: rơm khô, cỏ khô đánh đống. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay đàn bò đã sinh sản được 1 bê con, 5 bò mẹ đang thai kỳ và thời gian tới toàn bộ bò mẹ đều có khả năng phối giống và sinh bê con.
Anh Lò Văn Tuyên - một trong những hộ tham gia mô hình ở bản Phiêng Áng chia sẻ: “Chiều nào cũng vậy, thành viên trong gia đình tham gia dự án nuôi bò cái lai sind tại bản Phiêng Áng cùng đi cắt cỏ voi được trồng tại mô hình để cho đàn bò ăn. Ngoài công việc cắt cỏ, các gia đình sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc, vệ sinh chuồng trại và thực hiện các quy trình kỹ thuật cần thiết do Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn để bò khỏe mạnh, béo tốt và đảm bảo yếu tố sinh sản hiệu quả”.
Qua đánh giá đàn bò phát triển nhanh, giải quyết vấn đề về con giống tại địa phương và tận dụng các sản phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương, giảm giá thành trong chi phí thức ăn. Để có nguồn giống tốt và đảm bảo tính lâu dài, 15 hộ gia đình tham gia dự án đã góp tiền mua 1 con bò đực, tính đến nay cả mô hình đã có 17 con bò. Bên cạnh việc phát triển về kinh tế, mô hình góp phần nâng cao nhận thức của người dân về áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi, tiến tới chăn nuôi với quy mô tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khoẻ cộng đồng.