THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:49

Kỳ vọng các ngân hàng giảm lãi suất cho vay

 

Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,6 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3 - 5,5%/ năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3 - 6,5%/ năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5 - 7,3%/năm.

Các doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm.

 

Ngày 26/6, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại BIDV, Vietcombank chỉ còn 4,1%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 4,6%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 5,1%/năm. Techcombank cũng vừa giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn với mức giảm 0,2 - 0,3%/năm. Với kỳ hạn 1 tháng còn 4,5%/năm, kỳ hạn 2 tháng còn 4,6%/năm. Các kỳ hạn 6 - 11 tháng giảm còn 5,5%/năm, thay vì mức 5,8%/năm trước đó. Sacombank cũng điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất kỳ hạn 2 tháng có dự thưởng về mức 5,2%/năm.

Hầu hết các ngân hàng chỉ điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn, còn các kỳ hạn dài vẫn ở ngưỡng cao. Cụ thể, ở kỳ hạn 12 - 36 tháng, lãi suất huy động của BIDV là 6,9%/năm, Vietcombank là 6,5%/ năm. Ở kỳ hạn 15 - 35 tháng, Sacombank niêm yết ở mức 7%/năm, trên 36 tháng là 7,4%/năm.

Trước động thái giảm lãi suất huy động ở các ngân hàng, các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mức giảm lãi suất huy động hiện nay khá hạn hẹp, chưa đủ đà để các tổ chức tín dụng giảm lãi vay. Để lãi suất cho vay giảm, không chỉ giảm lãi suất huy động, các ngân hàng phải cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn hợp lý, tiết kiệm chi phí, xử lý được các khoản nợ xấu…

Các chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm, việc giảm lãi suất cho vay đối với các ngân hàng vẫn là bài toán khó. Nếu có giảm thì các lĩnh vực ưu tiên sẽ giảm trước, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro sẽ khó được điều chỉnh, bởi Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích cho vay đối với các lĩnh vực này.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh