Ký ức 'Miền nhớ'
- Văn hóa - Giải trí
- 14:21 - 15/02/2018
Gói bánh tét. Ảnh: NST
Chao ôi, ngày tết sao mà rực rỡ, sao mà huy hoàng! Nó đẩy lùi bao nhiêu cái cái nhàm chán của ngày thường. Hồi nhỏ tôi không biết xem lịch, không nhớ được ngày tháng, chỉ biết lâu lâu hỏi mẹ rằng sắp tới Tết chưa thì bao giờ cũng được nghe đúng một câu trả lời: “Tết gì mà Tết, còn lâu lắm”! Nhưng tôi biết khi những cơn gió nồm thổi về nghe ấm mặt, khi những con ong không biết ở đâu mà kéo về bu đặc trên những bụi hoa mua nở tím rịm, kêu ran ran cả ngày, khi những bông hoa bù xít nở trắng bờ đê bắt đầu lụi tàn bay thẩn thơ theo gió... Tết về gần đến rồi. Ba tôi bắt đầu giở lịch đánh dấu ngày lặt lá mai, mẹ tôi tranh thủ đi xay bột vì sợ cận Tết người đông phải chờ đợi lâu. Các thứ bánh mứt mua cho ngày Tết mẹ tôi đều giấu rất kỹ, bởi vì nếu để hở ra thì sẽ bị ăn vụng hết. Trong các thứ bánh mứt mẹ mua bao giờ cũng phải có hai phong bánh in gói giấy kiếng đỏ để trưng trên bàn thờ tổ tiên.
Rồi Tết cũng đến như một người lữ hành trở về từ nơi nào xa lắm, nước sông trước nhà xanh hơn trôi lờ đờ, xuồng ghe tấp nập hẳn lên, mẹ tôi bảo người ta về quê ăn Tết, hai chị em tôi đứng bên bờ sông thấy chiếc ghe nào đi qua đều gào thét và vẫy tay, hễ chiếc nào hú còi chào lại thì nhảy cẫng lên mừng, tôi biết Tết gần lắm rồi. Nhưng đến chiều ba mươi thì ngoài sông vắng hẳn, tôi cũng biết đó là buổi chiều cuối cùng của năm.
Lì xì ngày tết. Ảnh: NST
Mẹ tôi đi lên nhà bà nội gói bánh tét từ sớm, có khi đến giao thừa mới về. Mọi thứ trong nhà đã sẵn sàng, nồi thịt kho nước dừa thơm phức còn nóng hôi hổi, bao nhiêu đồ ăn cúng hồi trưa vẫn còn. Nhà dù ít người nhưng đã cúng ba mươi thì phải đủ ba mâm. Một mâm tổ tiên trên bàn thờ, một mâm đất đai ở giữa nhà và một mâm chiến sĩ ở ngoài sân. Thức ăn ở cả ba mâm này bày biện giống hệt nhau duy chỉ có khác ở chỗ là mâm tổ tiên thì cúng bốn chén cơm, mâm đất đai năm chén còn riêng mâm chiến sĩ thì muốn bày bao nhiêu chén bát tùy thích, càng nhiều càng tốt. Sau này lớn lên tôi mới hiểu bốn chén cơm đặt ở bốn góc mâm tổ tiên trên bàn thờ tượng trưng cho trời đất và vũ trụ, mà con người dù ở cõi âm hay dương đều có cuộc sống trong đó. Còn năm chén cơm ở mâm đất đai hiểu theo phong thủy là tượng trưng cho năm hướng “ngũ phương thổ trạch” (Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương). Tuy nhiên theo cách giải thích của mẹ tôi thì đơn giản hơn nhiều, “đất đai” là mảnh đất mà chúng ta đang ở do tổ tiên để lại, ông cha đã chịu biết bao cực khổ, hiểm nguy, thậm chí phải bỏ mình trong quá trình khai hoang lập ấp, cho nên cúng đất đai là một cách để thể hiện lòng biết ơn với các bậc tiền nhân. Cách hiểu ấy thể hiện ngay trong lời khấn: “Khấn vái đất đai, đất nước ông bà, những vị khuất mặt khuất mày, những vong hồn vất vưởng không nơi nương tựa...”.
Mâm cơm cúng chiến sĩ tuy không cần bày biện cầu kỳ, muốn để bao nhiêu nhiêu thứ tùy thích nhưng luôn phải cần bọn trẻ con chúng tôi đứng canh mấy con chó bởi vì cúng ở ngoài sân. Mẹ tôi giải thích mâm cơm này là cúng những chiến sĩ tử nạn nơi đất khách không biết đường về, cầu nguyện họ không quấy rối, giúp cho gia đình được bình yên, làm ăn suôn sẻ. Vậy mới thấy lễ nghi cúng kiếng của ông bà ta sao nhân văn đến thế. Mở rộng, bao dung và thứ tha biết nhường nào!
Sau khi cái bụng trẻ con của tôi no căng và không thể ăn thêm được nữa, hai chị em dắt nhau ra sau hè chơi và chờ... Tết. Ba tôi ra vườn kiếm vài thứ trái cây nhà lá vườn để cúng giao thừa. Trong mâm trái cây cúng giao thừa của hầu hết các gia đình Nam bộ bao giờ cũng phải có trái dừa, theo suy luận thì đây là loại trái tinh khiết nhất của trời đất. Bông cúng cũng không cần đi đâu xa, nhổ một cây vạn thọ còn sót lại sau khi những cây đẹp đã được bán hết. Hình như ngày xưa để sắm tết có rất ít thứ phải mua, hầu hết là nhà làm. Của trời đất thì lại đem dâng về cho trời đất, tất cả như một vòng tuần hoàn chứa chan triết lý nhân sinh.
Đêm ba mươi thăm thẳm lặng yên, bao trùm cái làng ba mặt giáp sông như bán đảo ấy. Mùi nhang trầm trầm thật linh thiêng, nhành mai trưng trên bàn thờ đã nở bung những bông đầu tiên. Sau khi sắp xếp mọi thứ ra cái bàn nhỏ ngoài sân để chuẩn bị đón giao thừa, ba tôi đốt một bó lá dừa to làm đuốc đi đón mẹ tôi về, hai chị em tôi lóc cóc chạy theo, dù ba tôi có đuổi thế nào hai đứa cũng không chịu ở nhà. Sau một ngày gói bánh mẹ tôi đi ngủ sớm, thằng em tôi ôm mẹ ngủ theo. Chỉ có ba và tôi ngồi chờ. Khi ba tôi thắp nhang và ra giữa sân lầm rầm khấn vái thì tiếng còi của những con tàu neo đậu ở ngoài vàm sông cùng đồng loạt hụ còi, những tiếng còi tàu lanh lảnh, vang vọng kéo dài... Bao nhiêu là rộn rã, bao nhiêu là hân hoan náo nức kéo đến theo tiếng còi. Bao năm qua, vật đổi sao dời, nhiều thứ đã đổi thay nhưng vẫn còn dòng sông và những con tàu, để rồi mỗi đêm giao thừa tôi lại chờ nghe tiếng còi tàu như một tiếng gọi của mùa xuân.
Vui đón xuân về. Ảnh: NST
Ba ngày Tết đối với trẻ con vui nhất chỉ có tiền lì xì và còn một điều thú vị nữa là mọi việc ăn uống sinh hoạt dường như đảo lộn. Chán nhất là phải kiêng cữ đủ thứ theo lời mẹ dặn: không được khóc, không được cãi nhau, đánh nhau, không được trèo cây hái trái... Người lớn thì lúc nào cũng bận rộn, mẹ tôi mỗi ngày phải lo việc cúng cơm, ba tôi đi chúc tết hàng xóm còn bà cố thì đi đánh bài tứ sắc từ hôm mùng một, theo như mẹ tôi nói chừng nào chơi thua hết tiền thì bà sẽ về. Thức ăn cũ ăn chưa hết thì đến ngày mùng ba mẹ tôi lại nấu cúng tiếp. Cúng mùng ba có lẽ nhiều nơi giống nhau là luôn phải có một con gà luộc. Nhưng điều mà chị em tôi háo hức chờ nhất là khi mẹ thắp nhang xong sẽ phát cho hai chị em tôi mỗi đứa một xấp vàng bạc đại cùng hồ dán để dán vào tất cả vật dụng trong nhà. Những miếng giấy vuông vuông màu vàng được dán vào lu đựng gạo, cái tủ, cái bếp, cái bàn cho đến cây chổi... Trong nhà dán xong rồi ra đến ngoài vườn ưu tiên dán cho cây to rồi đến cây nhỏ. Sau khi dán xong từ trong nhà đến ngoài vườn mọi thứ dường như sáng bừng lên... Tôi không thể diễn tả cảm được cảm xúc khi nhìn tất cả đồ vật, cây cối được dán giấy như thế, chỉ có cảm giác là hình như chúng cũng đang vui mừng, náo nức trong năm mới. Chị em tôi cũng vui mừng nhưng theo một kiểu khác, đó là có thể được sử dụng các đồ vật trong nhà, có thể trèo cây hái trái không cần phải kiêng cữ gì nữa. Các đồ vật, cây cối trở nên gần gũi hơn. Phải chăng, trong thế giới hữu linh, vạn vật đều có linh hồn?
Chiều nay tôi lại đi dọc bờ sông, vẫn còn bông bù xít nở trắng bờ đê, vẫn còn hoa mua tím biếc, vẫn còn những con tàu... và hơn hết thảy vẫn còn một trời tuổi thơ tôi với dư vị Tết ngọt ngào.