THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:48

Ký ức lịch sử qua những lá thư thời chiến

nhung la thu thoi chien

“Trong số những tài sản của gia đình tôi còn lưu giữ có một gói “những lá thư thời chiến” - báu vật của gia đình. Những lá thư viết bằng giấy pelure chi chít chữ - hình ảnh quen thuộc của hàng triệu gia đình Việt Nam suốt những năm đấu tranh thống nhất đất nước và bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc.

Bố tôi, ông Nguyễn Thế Tính, vừa học hết cấp III đã xung phong đi bộ đội. Ông “đi B” vào chiến trường Trị Thiên Huế khi vừa cưới mẹ tôi được 7 ngày. Bởi thế, bao nhiêu nhớ thương, hồi hộp đều được ông gửi gắm vào từng dòng thư.

Những lá thư ông gửi từ chiến trường luôn thấm đẫm hiện thực cuộc sống chiến đấu. Có khi đó là chuyện kể về một trận chống địch càn quét, đối đầu với xe tăng địch; về những năm tháng nằm hầm bí mật ở Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà (Thừa Thiên - Huế); về sự hy sinh của đồng đội; giây phút được kết nạp Đảng giữa đạn bom… Cứ thế, bức tranh về một chiến trường ác liệt giữa cái sống và cái chết hiện ra đầy đủ, chân thực mà khốc liệt.

Thường thì mỗi khi nhận thư, cả xóm Tam Sơn, xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang) lại quây quần cùng nhau chong đèn đọc đi, đọc lại. Thời đó, tất cả thư từ chiến trường về đều đem đọc chung như thế, bởi hầu như nhà nào cũng có người ngoài tiền tuyến, cũng có chung nỗi mong ngóng, hy vọng...

Còn những lá thư của mẹ gửi cho bố tôi đơn giản chỉ là những tâm sự “ngày Bắc, đêm Nam”, những nỗi niềm tháng năm xa cách… nhưng điểm chung của mỗi bức thư bao giờ cũng là sự động viên, khích lệ chồng chiến đấu, lập công, để sớm thống nhất đất nước. Cũng có lá thư trách khéo vì thấy ông ít bày tỏ tình cảm: “Nhận thư anh, mấy đứa bạn em nó bảo, thư này anh viết vào mùa khô nên hơi bị khô khan…”. Bố tôi kể, lá thư mẹ tôi gửi vào chiến trường năm 1968, khi đến tay ông thì nó đã được các đồng đội trong đơn vị đọc trước. Nhưng ông không hề giận, bởi với những người lính thời ấy, mỗi lá thư từ hậu phương là “thần dược”, là động lực to lớn để họ tiếp tục sống, chiến đấu…”

nhưng la thu thoi chien 2

Câu chuyện đó của gia đình  PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh (Học viện Báo chí tuyên truyền) chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong hàng vạn mảnh ghép chung của cuộc sống những con người đã vượt qua chiến tranh để mang độc lập, tự do và hạnh phúc về cho dân tộc.

Đọc “Hai lá thư tình không gửi”, viết tại chiến trường B5 gửi cho thầy, mẹ của liệt sĩ Vũ Hùng Ngọc - người chiến sĩ bị địch thiêu sống nhưng quyết không hé răng khai nửa lời, mới thấy rõ khí tiết của người lính Cụ Hồ: “Hiện giờ, chúng con đang chuẩn bị cùng đồng đội đánh cho bọn Mỹ những quả đấm thép, những đòn quyết định cho lịch sử. Vì thế, chúng con, với tất cả sức lực, với sự hiểu biết và tinh thần của mỗi người, sẽ sẵn sàng hy sinh cống hiến tuổi xuân cho Cách mạng, cho gia đình, cho đồng lúa xanh tốt...”

Hay như lá thư của liệt sĩ Phan Đồng gửi cha là Phan Thao -  lão thành cách mạng, có đoạn viết: “Đại đội con nhiều đứa trốn về, con nhất định chẳng một lần làm thế. Trốn về, chẳng những bôi nhọ danh dự bản thân mà còn cả danh dự gia đình. Con đã được tuyên dương ở đại đội. Biết là nhiều gian khổ nhưng con sẽ vượt qua một cách chắc chắn…”

Trong thư gửi mẹ của liệt sĩ Võ Thị Tần, tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, thuộc Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Hà Tĩnh, làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc - Hà Tĩnh có đoạn: “Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con. Mẹ ơi, thời gian này mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Cuốn sổ tay mẹ mới gửi cho con dạo nọ đã gần hết giấy rồi, mẹ gửi thêm cho con ít giấy. Mới về thăm mẹ mà sao con thấy nhớ mẹ quá, mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều”.

Cũng có khi, bức thư chỉ giản dị là một lời chào trước lúc hành quân, được viết vội trên mảnh vải quần nhưng người lính Phạm Nho Nghĩa đã gửi cho vợ mình cả một bầu trời hy vọng vào tương lai tươi sáng: “Em Loan yêu, khi em nhận được những quần áo còn ấm hơi anh thì anh đã đi được chặng đường khá dài và đang tiếp tục cuộc hành quân tới đích. Chúc em và 3 con Bách, Hồng, Việt mạnh khỏe và tin tưởng ở ngày mai thắng lợi”…

Những lá thư chan chứa tình cảm riêng dành cho người yêu, cho vợ, chồng, hay cha mẹ... luôn có tình yêu quê hương đất nước, luôn có ý thức trách nhiệm với công việc, nhiệm vụ được giao. Trên tất cả, những lá thư từ hai chiều nỗi nhớ ấy đã trở thành lý tưởng sống của cả một thế hệ những người cầm súng. Những bức thư ấy, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị về ý chí, nghị lực phi thường và lý tưởng sống cao cả của thế hệ cha anh. Những bài học về lý tưởng sống, về chuẩn mực của những giá trị thời đại cứ hiện ra một cách tự nhiên và bình dị. Có lẽ, khi đặt bút viết vội những dòng nhắn nhủ từ chiến trường khốc liệt gửi về cho người thân yêu nơi quê nhà, những người lính không nghĩ rằng, đến một ngày, những lá thư ấy lại trở thành kỷ vật vô giá, cứ liệu lịch sử quý báu của dân tộc.

nhung la thu thoi chien 3

“Thế hệ chúng tôi đều đã trên dưới tuổi 70, nhưng đọc “Những lá thư thời chiến Việt Nam” vẫn thấy mình trong đó. Một thế hệ thanh niên hào hoa ra trận, mang trong mình tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương, yêu gia đình mãnh liệt. Một lòng tin tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ. Một ý chí chiến đấu cao, sự sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân. Một thế hệ mà niềm vui là được ra trận, niềm tự hào là những chàng trai “không phải làm người ở hậu tuyến”, cựu chiến binh Trương Công Đạo chia sẻ.

Nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng, người sưu tầm, biên soạn cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” từng bày tỏ: “Giữa sự im lặng của những con chữ, những trang giấy mỏng manh đã cũ kỹ và ố vàng vì thời gian ấy, ta bỗng nhận ra khí phách Việt Nam trong quá khứ hào hùng và cả trách nhiệm với những người đã hy sinh, cống hiến và thời đại chúng ta đang sống”.

Tác giả của những bức thư tay, những trang nhật ký chiến trường thuộc nhiều thành phần khác nhau, đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Họ có thể là trí thức, là công nhân, nông dân, sinh viên hay những chàng trai chỉ vừa rời ghế nhà trường, nhưng khi đặt bút viết giữa nơi chiến trường khói lửa, những dòng thư khi ấy không cần qua một lớp kính lọc văn chương nào mà hoàn toàn là những cảm xúc chân thực nhất trong tâm hồn mỗi người. Ở đó, có sự phơi phới của niềm lạc quan chiến thắng, có ăm ắp nỗi nhớ niềm yêu, nhưng cũng có cả những phút giây buồn thương, đau đớn... Như liệt sĩ Hoàng Kim Giao trong lá thư gửi cho bố mẹ ngày 10/11/1968, đã bày tỏ: “Những lúc đứng giữa cảnh chết chóc, con nghĩ nhiều đến hạnh phúc gia đình, nghĩ tới ngày hòa bình...”. 

Hầu hết tác giả của các bức thư thời chiến đến nay đã không còn. Nhiều người trong số họ đã trở thành liệt sĩ. Có những bức thư của liệt sĩ đã trải qua chặng đường hơn 30 năm mới đến được tay người nhận, để giờ đây, mỗi dòng thư tay ấy đã trở thành kỷ vật vô giá đối với người ở lại, thành di sản chung của dân tộc, đánh dấu những trang sử vàng của đất nước…

Bảo Châu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh